Top game huyền thoại ở phòng net mà Gen Z chưa chắc biết – P.1 Update 04/2024

Generation Z – hay Thế hệ Z – là từ dùng để chỉ những game thủ ra đời trong khoảng 15 năm từ 1997 đến 2012. Những game thủ Gen Z đều còn trẻ, ở độ tuổi từ 11 đến 24 và chịu ảnh hưởng lớn của các sản phẩm giải trí hiện đại, nên có thể họ đã bỏ qua không ít những trò chơi mà các thế hệ trước từng mê mệt tại các phòng game. Hôm nay, hãy cùng chúng tôi khám phá những tựa game huyền thoại ở phòng net trong lòng những game thủ đã có tuổi nhé.

Age of Empire

Được game thủ Việt gọi đơn giản là Đế Chế, trò chơi này được phát hành vào năm 1997 và nhanh chóng tìm được đường vào các quán game ở Việt Nam bấy giờ thông qua đĩa game lậu. Có thể nói rằng cũng như đại đa số game huyền thoại ở phòng net khác trong danh sách này, phần mềm lậu đã giúp chúng lan truyền rộng rãi tại Việt Nam, được đưa vào các file Ghost của Windows 98 để rồi chui vào máy tính của người Việt Nam thời điểm đó.

Trong những năm cuối thế kỷ trước, game nhiều người chơi cùng nhau trên nhiều máy là một điều còn rất xa lạ với game thủ Việt, bởi internet còn chưa lan rộng ở Việt Nam. Đế Chế là một trong những trò chơi giúp game thủ Việt làm quen với cách giải trí mới mẻ, đậm tính đối kháng này nhờ tính năng chơi multiplayer qua LAN của nó.

Đế Chế

Sức hấp dẫn của Đế Chế và tính năng multiplayer thậm chí còn khiến “thể thao điện tử” manh nha xuất hiện tại Việt Nam, dù lúc đó chưa ai gọi nó bằng cái tên sang chảnh này. Tại Hà Nội, nhiều nhóm game thủ giữa các quán game, phố game thành lập các đội tuyển tự phát để thi đấu cùng nhau, dẫn đến sự trỗi dậy của những cái tên mà một số game thủ gạo cội còn nhớ như SB, Germany, Pluto God, Romance,…

Những cái tên trên nay đã xa vời bởi họ bận rộn với cơm áo gạo tiền, nhưng vẫn còn một tuyển thủ Đế Chế quen thuộc với chúng ta trong nhiều năm qua là Chim Sẻ Đi Nắng. Tuyển thủ này và nhiều cái tên khác như Gunny, Hehe, Hồng Anh, BiBi,… đã nhiều lần tham gia vào các giải đấu AOE quốc tế, đánh bại các đối thủ đáng gờm từ Trung Quốc để mang vinh quang cao nhất về cho đất nước. Trong năm 2021 này, bạn thỉnh thoảng vẫn được nghe tin về Đế Chế cùng thành tích mà các game thủ này đạt được lâu nay.

Đế Chế

Tuy nhiên đúng như quy luật của thời gian, dù từng là game huyền thoại ở phòng net nhưng Age of Empire ngày nay không còn nổi như những ngày đầu nó mới ra mắt. Game thủ có nhiều lựa chọn hơn, trong đó đàn em Age of Empires II ra đời vào năm 1999 và được làm lại đến 2 lần vào năm 2013 và 2019 thực sự đã thế chỗ của phiên bản đầu tiên tại các tiệm game. Ngày nay rất khó để tìm được Đế Chế ở các phòng net dù sang trọng hay bình dân, và có lẽ bạn chỉ có thể chơi tựa game này sau khi đã năn nỉ ỉ ôi chủ quán cài hộ.

Warcraft 3

Trong phần trên, chúng tôi đã nhắc đến việc Đế Chế bị thay thế bởi nhiều lựa chọn mới, và đây chính là một trong số những lựa chọn đó. Tựa game huyền thoại ở phòng net này ra đời vào năm 2002, khi internet đã tương đối phổ biến và chơi multiplayer trở nên dễ dàng hơn, đông vui hơn nhờ cách kết nối mới này. Hai phiên bản trước đó là Warcraft và Warcraft 2 cũng có mặt tại Việt Nam, nhưng chúng ra mắt không đúng thời: Warcraft 1 ra mắt năm 1994, Warcraft 2 phát hành năm 1998 nhưng phải đến cuối năm 2000, việc phát triển hạ tầng internet trong nước mới được đẩy mạnh.

Cùng với các trận đấu multiplayer cổ điển, những bản đồ do game thủ tự tạo (gọi là custom map) là một phần rất quan trọng trong sức hút của Warcraft 3. Những custom map thịnh hành nhất thì không phải nói vì bạn đã biết rồi: D-Day và DotA Allstar, nhưng còn có những Footman Frenzy, “Map tổng hợp”, “Huyền thoại võ lâm”, Wintermaul, Island Defense, Sheep Tag, Element TD, Sunken City, Swarm, Before the Winter, X Hero Siege,… Có lẽ phải có đến vài chục loại custom map khác nhau, mỗi cái lại có vô số phiên bản được các modder ra tay chỉnh sửa để đem lại rất nhiều trải nghiệm độc đáo khác nhau cho game thủ Việt Nam lẫn thế giới.

Khác với Đế Chế, thi đấu Warcraft 3 cổ điển không bao giờ thực sự cất cánh tại Việt Nam, có lẽ bởi game thủ dành thời gian cho các bản đồ custom nhiều hơn. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới, khi DotA Allstar nói riêng và các kiểu chơi khác nói chung thu hút vô số game thủ mê mẩn Warcraft 3, và rồi khai sinh ra thể loại MOBA cực kỳ ăn khách vài năm sau đó.

Arthas warcraft 3 game

Không lâu sau khi Warcraft 3 ra mắt, Blizzard tung ra thêm phiên bản mở rộng Frozen Throne, rồi câu chuyện về các nhân vật trong series này được phát triển thành MMORPG theo đúng xu thế thời bấy giờ. World of Warcraft quá thành công khi vẫn là tựa game MMORPG thu phí đông người chơi nhất hiện nay, nên Blizzard cũng phớt lờ luôn lời kêu gọi làm Warcraft 4 của game thủ. Dù từng game huyền thoại ở phòng net nhưng bây giờ, không còn mấy tiệm game được cài đặt sẵn Warcraft 3, mà thay vào đó là những LMHT, Dota 2 và các game bắn súng Battle Royale thời thượng.

Beach Head

Trò chơi này không thành công vang dội như những game khác trong danh sách game huyền thoại ở phòng net, nhưng nó cũng một thời rất được ưa chuộng ngoài các tiệm net. Với gameplay bắn súng cực kỳ đơn giản, Beachhead là tựa game được các chiến sĩ “không biết chơi gì” lựa chọn rất thường xuyên. Độ khó của Beachhead không cao, bởi nó không bắt người chơi phải di chuyển, lăn lê hay bunny hop mà chỉ đòi hỏi game thủ ước lượng đúng vị trí đạn rơi do không có tâm ngắm giữa màn hình.

Sau bản Beach Head đầu tiên thì có thêm phiên bản Beach Head 2002 được phát hành với gameplay tương tự, chỉ khác là địa điểm được chuyển từ bãi biển sang cao nguyên. Phiên bản này bổ sung thêm các trận đánh đêm yêu cầu người chơi phải tận dụng pháo sáng thật tốt, một ý tưởng được nhiều game thủ yêu thích do nó tạo ra thêm độ khó cho game.

Từng có thời oanh liệt và là một trong các game huyền thoại ở phòng net nhưng bây giờ bạn cũng không còn có thể tìm thấy Beachhead ở đâu nữa, bởi một lẽ đơn giản là lối chơi của nó quá đơn điệu và trùng lặp sau một thời gian. Thể loại game bắn súng ngày một tiến bộ, đem lại những trải nghiệm “như xi nê” khởi đầu với Call of Duty ra mắt năm 2005, trong khi Beach Head vẫn cứ chôn chân tại chỗ theo đúng nghĩa đen. Vậy nên dù Beach Head 2021 đang Early Access trên Steam, gần như chẳng mấy game thủ quan tâm đến nó nữa.

Counter-Strike

Thường được game thủ Việt thời đó gọi là “Half-Life” để phân biệt với “Half-Life Quỷ”, game huyền thoại ở phòng net Counter-Strike thật ra là bản mod của Half-Life dành cho những game thủ yêu thích bắn súng multiplayer. Có thể nói rằng đây là tựa game đã khiến nhân loại khám phá ra rằng chơi FPS với các nhân vật bình thường cũng rất thú vị. Trước Counter-Strike, game thủ chỉ bắn Doom, Quake – những trò chơi với nhân vật thuộc hàng siêu nhân, bay nhảy loạn xạ và vũ khí viễn tưởng. Phải tới Counter-Strike, những khẩu súng bình thường như AK, MP5, Glock mới chính thức rơi vào bàn tay của game thủ, nói cho họ biết dùng chúng có thể thú vị đến mức nào.

Counter Strike

Các phiên bản Counter-Strike mới liên tục được phát triển và ra mắt trong nhiều năm sau đó, và chúng tôi tin chắc không ít khán giả có kỷ niệm đẹp với CS 1.1, CS 1.6, CS Source,… Tuy nhiên có một phiên bản Counter-Strike ít được biết đến hơn là Condition Zero, được phát triển bởi studio Turtle Rock, tác giả của những tựa game multiplayer khác như Left 4 Dead, Evolve và Back 4 Blood hiện tại. Trò chơi này có cả phần chơi chiến dịch riêng trong đó bạn vào vai các chiến sĩ đặc nhiệm chống khủng bố tại nhiều nước trên thế giới.

Nhờ được sự quan tâm của Valve, Counter-Strike chưa từng thoái trào. Các phiên bản mới liên tiếp xuất hiện giúp giữ chân game thủ với trò chơi, dù không ít tựa game được tạo ra để “ăn theo” Counter-Strike trong những năm trước 2010 như Global Operation, Tactical Ops: Assault on Terror, Team Factor,… Tất cả các tựa game này đều đã đến phòng net Việt Nam, nhưng đều bị game thủ lắc đầu chê bai trước khi trở lại với “Half-Life” quen thuộc.

Đến năm 2012, Counter-Strike: Global Offensive ra mắt để thay thế tất cả các phiên bản Counter-Strike cũ, một lần nữa chứng minh sự thống trị của series này với những thành tích đáng kinh ngạc dù là một game pay to play. Từ đó đến nay, Valve và Hidden Path Entertainment vẫn thỉnh thoảng tung ra các nội dung mới cho trò chơi, hốt về hàng núi tiền và giữ chân game thủ. Một hệ thống giải đấu đỉnh cao bài bản cũng ra đời, càng khiến cho vị trí của Counter-Strike: Global Offensive trong mắt cộng đồng game bắn súng càng trở nên củng cố hơn nữa. Điều này khiến các phiên bản Counter-Strike cũ rơi vào quên lãng,

GTA: Vice City

Các phiên bản “Gờ tê a” của Rockstar dù bị dán mác 18+ vẫn không ngăn được trẻ em Việt Nam thưởng thức chúng ngoài tiệm net. Những phiên bản đầu tiên của series game huyền thoại ở phòng net này không thực sự hút khách chơi, nhưng khi GTA 3 và GTA Vice City ra đời, chúng thực sự sánh ngang với Counter-Strike về độ hot. Game thủ nhí nào cũng thuộc lòng vài câu “khẩu quyết” xin súng, gọi xe tăng trong game dù chẳng hiểu ý nghĩa của chúng là gì.

Nhờ cấu hình không quá nặng, rất nhiều phòng net đã cài đặt GTA Vice City vào máy của mình và khiến nó trở nên rất phổ biến với các game thủ nhí. Một người chơi, một đám xem, ai cũng biết chiêu kiếm tiền nhanh nhất là gọi xe tăng, kích hoạt nhiệm vụ bắt tội phạm rồi sau đó chỉ việc gõ “BigBang” không ngừng. Số ít dân chơi pro hơn biết thêm vài mã gọi máy bay, dụ gái, xóa sao, xe chạy trên nước, xe bay,… nhưng cao thủ thực sự là những người có cả một tờ giấy ghi hết cheatcode của trò chơi và sau đó không cần đến nó nữa vì đã thuộc nằm lòng mọi dòng mã.

Những khoảnh khắc khiến game thủ chỉ muốn “đập máy xóa game”

Thật ra game huyền thoại ở phòng net Vice City không chỉ phổ biến tại Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn thế giới, và một số nhiệm vụ của nó khiến game thủ nhớ mãi, chẳng hạn màn chơi lái chiếc trực thăng phá hoại công trường xây dựng. Tuy nhiên đây chỉ là “trò trẻ con” nếu so sánh với một màn lái máy bay điều khiển từ xa khác về cuối game, khi bạn phải đuổi theo nhiều tay lái mô tô và ném bom từ trên cao với góc nhìn không mấy thân thiện. Lý do mà màn lái trực thăng được biết nhiều hơn đơn giản là vô số game thủ bị nhiệm vụ này ngăn lại và không thể tiếp tục thưởng thức cốt truyện của Vice City.

Sau Vice City, Rockstar tiếp tục tung ra GTA San Andreas, GTA IV, và GTA V. Những tựa game này thay thế cho Vice City tại các phòng net, nhưng cấu hình của chúng khá nặng và vì thế không nhiều tiệm game có thể chạy tốt các trò chơi này. Hiện tại, phiên bản GTA V ra mắt năm 2013 cũng đã 8 năm tuổi và Rockstar quá tập trung vào GTA Online, khiến game thủ không nhìn thấy hi vọng nào cho GTA VI trong tương lai gần.

StarCraft

Xuất hiện vào năm 1996 cùng thời với Đế Chế, StarCraft là một trong ba cột trụ của nhà phát hành Blizzard suốt nhiều năm trời. Tựa game chiến thuật này không chỉ là game huyền thoại ở phòng net tại Việt Nam, mà nó còn là kẻ đặt nền móng cho thể thao điện tử nói chung khi tạo ra cơn sốt tại Hàn Quốc. Ở Việt Nam, StarCraft không được “cuồng” đến mức này nhưng cũng là một trò chơi cực kỳ phổ biến tại tiệm net.

Starcraft

Thời điểm đó, những đấu sĩ StarCraft giỏi nhất trong phòng net cũng sẽ gầy kèo đánh nhau cho vui, hoặc hơn thua chai nước, trả tiền giờ trận đấu. Các game thủ chiếu dưới thì rủ nhau tạo map 50.000 khoáng, 50.000 ga, 1 đường vào duy nhất rồi hè nhau chọn Terran, dựng Bunker chặn cửa, vài ba lớp Missile Turret bao quanh nhà để cố thủ trước các kẻ địch AI. Các trận chiến chỉ bắt đầu khi game thủ dở nhất trong team đã có đủ 200 quân, và mọi người cùng nhau nhào ra dọn nhà đối thủ bằng những đàn Marine của mình.

StarCraft không bao giờ đạt được đến tầm vóc như Đế Chế tại Việt Nam, nhưng nó cũng không bị “chìm” nhanh như nhiều game khác trong danh sách này. Nó chỉ bị thay thế bởi StarCraft 2 do Blizzard phát hành vào năm 2010, nhưng tựa game mới này gặp khó trong việc chen chân vào các tiệm net Việt Nam bởi… không có crack multiplayer trong suốt một thời gian dài. Bây giờ, StarCraft 2 đã là free to play với đủ cả chơi đơn, co-op, chơi mạng, nhưng nó không còn đủ sức thu hút sự chú ý của người chơi Việt Nam lẫn thế giới, còn Blizzard đã ngừng phát triển nội dung mới cho StarCraft 2 để suy nghĩ về tương lai của series.

Còn tiếp…