Trong phần cuối của loạt bài Resident Evil và game kinh dị nổi bật khác, Mọt tui sẽ tiếp tục bàn luận về một số thương hiệu game kinh dị sinh tồn, kết hợp với lối chơi hành động bắn súng ở góc nhìn thứ nhất. Hi vọng rằng qua 15 tựa game được nhắc đến xuyên suốt 3 bài viết, anh em sẽ tìm được cho mình một cái tên đáng để trải nghiệm trong lúc ngồi nhà trốn dịch Covid. Chúng ta hãy cùng bắt đầu nhé!!!
Metro Exodus (2019)
Metro – dòng game hành động sinh tồn bắn súng, kết hợp với các yếu tố thuộc thể loại kinh dị và lấy bối cảnh hậu tận thế, thật sự đã để lại một dấu ấn khó phai trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử kể từ khi được phát hành lần đầu tiên vào năm 2010. Và để tiếp nối những thành công mà đàn anh đã để lại, vào năm 2019, nhà phát triển 4A Games đã cho ra mắt Metro Exodus, cũng như mang đến cho fan hâm mộ gạo cội nhiều trải nghiệm độc đá, hoàn toàn mới mẻ.
Bối cảnh của trò chơi giờ đây không còn là những đường hầm tăm tối dưới lòng đất như hai phần trước đó (Metro 2033, Metro Last Light), mà người chơi sẽ có cơ hội được di chuyển lên mặt đất và ngắm nhìn vẻ đẹp huyền ảo của một thế giới đã suy tàn không biết tự bao giờ, một thế giới mà giờ đây bị bao trùm bởi những mảng tuyết trắng xoá, cùng với đó là những tàn tích của một nền văn minh đã bị huỷ hoại bởi chiến tranh.
Tuy rằng những quyết định thay đổi nền tảng phát hành của 4A Games từ Steam lên Epic Games đã khiến không ít game thủ cảm thấy khá là bức xúc, song không ai có thể chối bỏ rằng đây là một trong những tựa game FPS đáng chơi nhất trong suốt 5 năm đổ lại. Thậm chí trò chơi còn nhận được sự ủng hộ từ phía cộng đồng người hâm mộ của dòng game Resident Evil đình đám.
Tuy được thiết kế để trở thành một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất, song Metro Exodus lại mang đến cho người chơi rất nhiều thử thách và vô vàn những khó khăn xuyên suốt quá trình trải nghiệm. Chẳng hạn như hệ thống kẻ thù vô cùng nguy hiểm, đạn dược và nhu yếu phẩm cực kỳ khan hiếm, buộc lòng chúng ta phải tìm đủ mọi cách để hạn chế giao tranh, cũng như tiết kiệm hết mức có thể số lượng tài nguyên mà mình đang sở hữu.
Dying Light (2015)
Dying Light, một trong những tựa game tâm huyết nhất của nhà phát triển Techland – cha đẻ của loạt game chặt chém zombie Dead Island nổi tiếng, kể từ khi ra mắt đã tạo nên tiếng vang cho ngành công nghiệp game trên toàn thế giới. Về cơ bản rất khó có thể so sánh Dying Light với hai phần Resident Evil 7: Biohazard và Resident Evil Village (Resident Evil 8), bởi chúng không được phát hành vào cùng một thời điểm. Nhưng suy cho cùng thì cả ba đều là những siêu phẩm game zombie vì chúng sở hữu khá nhiều yếu tố vô cùng hấp dẫn, khiến cho người hâm mộ của thể loại kinh dị sinh tồn (như Mọt tui) cảm thấy cực kỳ thích thú.
Có thể liệt kê từ từ cốt truyện có chiều sâu, cho đến lối chơi bắn súng, chặt chém siêu kinh điển. Tuy nhiên, khi nhìn ở một góc độ nào đó, điểm nổi bật nhất đã khiến cho Dying Light trở thành một trong những cái tên có thể sánh bước cùng với series Resident Evil, đó chính là khả năng bay nhảy vượt chướng ngại vật của bộ môn thể thao parkour. Cơ chế này dường như được lấy cảm hứng từ phong cách chạy nhảy năng động của series Mirror Edge, đồng thời còn được nhà phát triển Techland tối ưu hoá, nhằm mục đích giúp cho game thủ có thể dễ dàng làm quen hơn với việc tẩu thoát và tránh né những đòn tấn công của đám zombie nguy hiểm.
Cốt truyện Dying Light sẽ đưa chúng ta đến với anh chàng Kyle Crane, một cựu quân nhân thuộc quân đội Hoa Kỳ, được cử vào tâm dịch Harran, một thành phố giả tưởng lấy cảm hứng từ thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, để điều tra về một chủng virus quái ác, có khả năng lây nhiễm và biến tất cả cư dân trở thành những thây ma hung hãn sẵn sàng tấn công bất cứ ai. Các chuyên gia lúc bấy giờ đã lấy tên của thành phố nơi bùng phát cơn dịch đầu tiên để đặt cho loại virus gây ra thảm họa này.
Chỉ sau một thời gian ngắn, loại virus này bắt đầu lây lan với tốc độ khủng khiếp, khiến cho các lực lượng cứu trợ gặp nhiều khó khăn và mất kiểm soát. Lúc này chính phủ mới quyết định sẽ thiết lập một bức tường khổng lồ để cô lập cả thành phố với thế giới bên ngoài. Tiếp đến là cử các đơn vị thuộc Tổ chức Cứu trợ Nhân đạo, gọi tắt là GRE (Global Relief Effort), vào vùng dịch để thực hiện các nhiệm vụ cứu trợ, cũng như tiếp tế thuốc men và nhu yếu phẩm cho những người sống sót còn mắc kẹt bên trong bức tường. Trong số những món hàng viện trợ có một thứ gọi là Antizin, một loại thuốc kháng sinh cực kỳ quan trọng, có khả năng kiềm hãm sự lây lan và phát triển của virus Harran bên trong cơ thể con người.
Alan Wake (2010)
Alan Wake có thể nói là một trong những thương hiệu nổi tiếng nếu so với dòng game bắn zombie đình đám Resident Evil. Trò chơi ban đầu được thiết kế để trở thành một tựa game sinh tồn thế giới mở tuy nhiên trong ba năm đầu tiên, đội ngũ phát triển đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc kết hợp các tính năng sinh tồn và lối kể chuyện mang phong cách hành động giật gân.
Sau khi nhận ra rằng tham vọng này gần như là một điều không thể thực hiện được, nên Remedy Entertainment đã quyết định sẽ chia nhỏ Alan Wake ra làm 6 phần nhỏ, theo đó studio sẽ tiếp tục chăm chút hơn cho từng phần ở mảng cốt truyện, cũng như tiếp tục khai thác lối chơi phiêu lưu hành động như những gì mà họ đã từng làm với các tựa game tiền nhiệm.
Kể từ khi được phát hành, Alan Wake đã nhận được rất nhiều đánh giá tích cực không chỉ từ phía giới phê bình, mà còn từ các cộng đồng game thủ trên toàn thế giới. Hầu hết mọi người, ai cũng ca ngợi mảng đồ hoạ, hệ thống âm thanh, phong cách kể chuyện, nhịp độ chơi và cuối cùng là bầu không khí, cũng như bối cảnh chủ đạo của game.
Không những thế, nhiều người còn nói rằng đây là sự kết hợp hài hoà giữa “cái đầu” của một bộ phim kinh dị tâm lý và “cơ thể” của một tựa game hành động đậm chất phim điện ảnh. Chưa dừng lại ở đó, phần tiếp nối của Alan Wake là Alan Wake’s American Nightmare, còn trở thành nguồn cảm hứng và nền móng để nhà phát triển Remedy tạo ra siêu phẩm Quantum Break sau này.
Series S.T.A.L.K.E.R. (2007)
S.T.A.L.K.E.R. (Scavengers, Trespassers, Adventurers, Loners, Killers, Explorers and Robbers) là một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất, đồng thời cũng là phần đầu tiên của loạt game kinh dị sinh tồn cùng tên. Series náy được thực hiện bởi GSC Game World – một studio game có trụ sở đặt tại Ukraine và phát hành lần đầu tiên vào năm 2007 với tên gọi S.T.A.L.K.E.R.: Shadow of Chernobyl.
Bối cảnh của tất cả các phần thuộc series S.T.A.L.K.E.R. tuy được đặt trong một thực tại khác, song đều được lấy cảm hứng từ thảm hoạ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại thành phố Pripyat, xảy ra vào năm 1986. Ở thực tại này, một vụ nổ hạt nhân thứ hai bất ngờ xảy ra và tạo ra những sự thay đổi dị thường, phản lại các quy luật vật lý ở các khu vực xung quanh nhà máy Chernobyl.
Và tương tự như những chủng virus đáng sợ, có khả năng biến người thành thây ma của tập đoàn Umbrella trong series Resident Evil. Những hiện tượng siêu nhiên kỳ lạ nói trên, cùng với sức ảnh hưởng của chất phóng xạ, đã nhanh chóng làm cho động thực vật ở nơi đây bị đột biết và trở thành những sinh vật vô cùng nguy hiểm.
Sau khi biết được về những sự kiện đang diễn ra tại thành phố Pripyat, nhiều người đến từ khắp các quốc gia trên toàn thế giới bắt đầu tìm đến Chernobyl nhằm mục đích để “săn” được những món đồ dị thường, có giá trị cao hòng trục lợi cho bản thân. Những người này được gọi là Stalkers.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Stalkers cũng làm việc một mình, họ còn chia ra thành nhiều phe phái, nhiều tổ chức khác nhau. Nhưng mỗi phe đều có mục đích và những tiêu chí của riêng họ, không phe nào giống phe nào cả. Ví dụ như Hội Duty cho rằng những hiện tượng siêu nhiên là hiểm hoạ đối với toàn nhân loại, và họ sẵn sàng làm mọi thứ để tiêu diệt chúng. Nhưng phe Freedom thì ngược lại, họ tin rằng đó là một món quà của tạo hoá, và chính phủ buộc phải cho phép mọi người đến đây để tìm hiểu về chúng.
Kuon (2004)
Kuon – tương tứ như những bản game đời đầu của series Resident Evil đình đám, là một trò chơi thuộc thể loại kinh dị sinh tồn, được thực hiện bởi nhà phát triển FromSoftware và ra mắt trên hệ máy PlayStation 2 vào ngày 1 tháng 4 năm 2004. Không những thế, tựa game này còn được lấy cảm hứng từ những câu chuyện ma truyền thống của Nhật Bản. Bối cảnh của Kuon được đặt trong Thời kỳ Heian của nước Nhật cổ đại. Trò chơi theo chân của ba nhân vật chính bao gồm Utsuki – con gái của Âm Dương sư Ashiyan Doman (một chức quan trong thời Nhật Bản cô đại), Sakuya – trợ lý của Ashiyan và cuối cùng là Âm Dương sư Abe No Seimei, trong trang viên Fujiwara – một nơi ngay tại thời điểm đó đã bị xâm chiếm bởi ác quỷ và quái vật.
Như đã nói ở trên, về cơ bản thì cả lối chơi và cốt truyện của Kuon tương đối giống với Resident Evil nhưng thay vì sử dụng súng ống, đạn dược để chiến đấu thì game sẽ giới thiệu cho chúng ta một hệ thống tấn công mới, đó chính là phép thuật và bùa chú cộng với các loại vũ khí thô sơ vào thời cổ như gậy gộc, búa, liềm thành quạt, dao, giáo. Trong trường hợp bất khả kháng và buộc phải tẩu thoát, nhân vật mà người chơi đang điều khiển sẽ gây ra rất nhiều tiếng động và thu hút sự chú ý của nhiều quái vật hơn, khiến cho tình hình ngày càng trở nên nguy hiểm.
Điều này không chỉ mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo cho những game thủ đam mê thể loại kinh dị lấy bối cảnh lịch sử Nhật Bản xa xưa, mà còn phần nào giúp cho chúng ta hiểu được thêm về cái tên Kuon. Theo Hán Việt thì Kuon có nghĩa là “Cửu Oán”, tức 9 mối thù hận, đồng thời cũng là một từ dùng để chỉ “kiếp sau”. Và khi nhìn từ một khía cạnh khác, có thể hiểu rằng tựa game này sẽ để lại cho người chơi rất nhiều suy nghĩ về vòng luân hồi của loài người.
HẾT