Với nhiều thế hệ game thủ Việt già cỗi như cái máy PlayStation hàng nội địa Nhật Bổn của tôi, Contra là một tượng đài vĩ đại, không thể không nhắc tới trong lịch sử chơi game của mình. Khi nhớ đến Contra, người ta thường tưởng tượng 2 anh chàng lính quần xanh và quần đỏ xách súng đi càn như Rambo. Nhưng đó chỉ là một phần trong lịch sử dòng game này, mà cốt truyện vốn lâm li bi đát, giàu chất thơ hơn bạn tưởng nhiều.
Với khá nhiều phiên bản được ra mắt từ năm 1987 cho đến 2019 với tên gọi Contra: Rogue Corps mà nếu kể hết thì nó sẽ rất dài và không liên quan cho lắm với nội dung bình loạn của ngày hôm nay nên tôi xin mạn phép tóm tắt cốt truyện của phần đầu tiên thôi. Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2633, khi một tổ chức khủng bố có tên gọi Red Falcon xuất hiện trên một hòn đảo ở Nam Mỹ. Để ngăn chặn hiểm họa này, Đại Chính Quyền Thế Giới gửi 2 siêu chiến binh Bill Rizer và Lance Bean đến hòn đảo để tiêu diệt Red Falcon. Bill Razer là cái tên quen thuộc với game thủ hơn, chính là chiến binh “quần xanh” trong những phiên bản quen thuộc trên máy NES.
Bill Rizer và Lance Bean đụng độ và tiêu diệt những thành viên trong tổ chức khủng bố Red Falcon, nhưng trong quá trình đó, họ cũng đối mặt với những chủng loài quái vật ngoài hành tinh (Alien) đáng sợ. Dù không hiểu chuyện gì xảy ra nhưng cả Bill Rizer và Lance Bean đều hoàn thành nhiệm vụ của mình, tiêu diệt toàn bộ tổ chức Red Falcon và quái vật ngoài hành tinh, sau đó phá hủy hòn đảo và quay trở về. Cũng từ đây, chúng ta có cụm từ “phá đảo” để nói đến việc hoàn thành một tựa game nào đó.
Hai ông đô con mặc quần màu xanh và đỏ trong Contra tên gì?
Chà nếu chịu khó đọc wiki các thứ đồ thì anh em hẳn cũng biết ông màu xanh là Bill Rizer và Lance Bean dĩ nhiên là người còn lại rồi nhưng để tôi bố sung thêm một ít thông tin về hai ông chiến binh lừng danh này để hầu chuyện vậy. Đầu tiên thì Bill chào sân game thủ lần đầu tiên trong phiên bản Contra (1987) sau đó tiếp tục sát cánh với chiến hữu Lance trong Super Contra: The Alien Strikes Back (1988) và Contra III: The Alien Wars (1992). Có một điều thú vị là Super Contra không phải là phiên bản game gốc dành cho máy 4 nút huyền thoại mà chỉ là hàng được chuyển thể từ máy game thùng.
Bạn có biết: Những năm 80, một nhóm kháng chiến ở Nicaragua được tài trợ bởi CIA. Họ được biết đến với cái tên Contras. Họ phản đối đường lối của nhà nước Nicaragua vào thời điểm đó và thực hiện hàng trăm cuộc tấn công khủng bố chống lại chính quyền. Tuy không được xác nhận bởi Konami, nhưng có rất nhiều bằng chứng khẳng định mối quan hệ của tựa game với cái tên này.
Bên cạnh đó cũng có sự khác biệt nhất định giữa hai phiên bản quốc tế và Nhật Bản. Bản quốc tế sẽ đưa người chơi về màn hình chờ đầu game để chơi lại từ đầu mà không ghi nhận bất cứ dữ liệu nào trong khi game thủ ở Nhật có thêm lựa chọn khác. Khi hoàn thành game họ cũng sẽ chơi lại từ đầu nhưng điểm, mạng và vũ khí của người chơi (bao gồm các loại đạn xịn) sẽ được giữ nguyên từ lần chơi trước. Ngoài ra độ khó của game sẽ mặc định ở mức cao nhất (bất kể trước đó anh em chọn thiết lập cài đặt như thế nào). Cuối cùng tính năng tiếp tục sẽ không còn khả dụng. Điều này đồng nghĩa với việc trò chơi sẽ kết thúc hoàn toàn khi game thủ hoàn thành màn cuối lần nữa hoặc chết hết sạch mạng.
Nếu Bill là nhân vật chính trong suốt các phiên bản thì Lance Bean từng có lần chơi trò mất tích và gián tiếp khiến đồng đội của mình bị giam vì tội sát hại chiến hữu và gây ra thảm họa diệt chủng toàn cầu. Một phiên tòa được dựng lên để kết án Bill ngồi tù 10.000 năm trong một nhà tù tinh thể. Trong “Shattered Soldier”, Bill được tạm tha nhưng với điều kiện phải đánh bại Blood Falcon, tổ chức khủng bố mới trỗi dậy, tuyên bố sẽ lật đổ chính quyền. Đứng đầu tổ chức này là một siêu chiến binh bí ẩn, đánh bại mọi lực lượng quân đội được cử đến.
Trong màn cuối, Bill giáp mặt với siêu chiến binh của Blood Falcon và giết chết hắn. Không ngờ sau lớp mặt nạ, đó lại là Lance Bean, bạn đồng hành của Bill ngày xưa, người tưởng như đã chết từ 5 năm trước. Trong giờ phút hấp hối, Lance nói cho Bill biết nguồn cơn của mọi chuyện. Hãy chơi “Shattered Soldier” nếu muốn biết thêm về câu chuyện này nhé!
Cốt truyện chính của Contra có trước hay sau khi game ra mắt?
Rõ ràng với cốt truyện có vẻ hoàn chỉnh ở trên thì nhiều anh em sẽ cho rằng ừ thì hồi 1987 công nghệ làm game cũng hơi lạc hâu so với bây giờ thật nhưng kiểu gì cũng phải có một cái kịch bản đàng hoàng để từ đó đắp nặn ra các nhân vật phải không? Thực tế là không vì Konami cảm thấy chả cần thiết phải đầu tư một cốt truyện tuyến tính có lớp lang đàng hoàng cho một tựa game mà phong cách chơi là nơi nói lên tất cả. Mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở một hành trình thẳng tắp (như chính lối chơi của tựa game này vậy): nhận nhiệm vụ, tiêu diệt mục tiêu, hoàn thành và “về nước” hay “phá đảo” tùy cách gọi của game thủ theo từng vùng miền.
Bạn có biết: Với game thủ phía Bắc cụm từ quen thuộc là phá đảo, ám chỉ việc hoàn thành một tựa game. Tuy nhiên trong ký ức của tôi cùng đám bạn già thì về nước mới là từ ngữ quen thuộc hơn. Bây giờ khi thông tin liên lạc đã thuận lợi hơn xưa quá nhiều thì phá đảo lại được sử dụng phổ thông trong cộng đồng game thủ và được mọi người chấp nhận.
Trở lại vấn đề khi nào thì thương hiệu Contra mới có một cốt truyện đàng hoàng thì lối chơi và cốt truyện vẫn như cũ với 2 phiên bản tiếp theo là Super Contra: The Alien Strikes Back (1988) và Contra 3: Alien Wars (1992). Tổ chức Red Falcon vẫn chưa bị tiêu diệt mà chuyển qua những căn cứ khác, buộc Bill Rizer và Lance Bean phải đích thân tìm diệt. Phiên bản Super Contra vẫn trên máy NES nhưng đồ họa được nâng cấp chất lượng hơn, trong khi đó Contra 3: Alien Wars lên đời hệ máy SNES, với đồ họa thuộc hàng khủng lúc bấy giờ, và tập trung nhiều hơn vào cuộc chiến với Alien. Sau 3 phiên bản thành công, đến tận năm 2002, Konami mới ra mắt phiên bản Contra chính tuyến với tên gọi “Shattered Soldier”. Đây là sự nâng cấp khá mạnh mẽ với phần cứng của hệ máy PlayStation 2, đồng thời cốt truyện game cũng bắt đầu xuất hiện nhiều tình tiết li kỳ.
Vì sao nhân vật trong intro game lại quen thuộc đến vậy?
Khi bước vào trò chơi, khi đoạn nhạc hiệu “tèn tén ten” quen thuộc vang lên anh em sẽ thấy hình ảnh hai ông chiến binh Bill Rizer và Lance Bean chạy ngang màn hình từ phải sang trái. Điều đáng nói là dù tên Bill và Lance nhưng kiểu gì cũng có người thắc mắc hình như tên Arnold và Sylvester mới đúng. Cái này không có gì lạ bởi họ được lấy cảm hứng hay nói một cách nôm na là bê y nguyên thiết kế tạo hình của hai ngôi sao hành động nổi tiếng của thập niên 1980 là Arnold Schwarzenegger và Sylvester Stallone vào game. Với Arnie, đó là hình ảnh John Matrix ngậm xì gà trong bộ phim Commando còn Sylvester hơi yếu thế hơn với góc nghiên không thần thánh nhưng fan mê phim hành động nói chung và người hâm mộ các người hùng cơ bắp của thập niên 80 nhìn phát biết ngay đó là ai.
Bạn có biết: Không liên quan tới game cho lắm nhưng anh em có biết nữ diễn viên gợi cảm Alyssa Milano (Double Dragon, Phép thuật) từng đóng vai Jenny Matrix, con gái của nhân vật chính, cựu Đại tá Lực lượng Đặc nhiệm Hoa Kỳ John Matrix trong bộ phim hành động Commando.
Đáng tiếc đồ họa game của những năm ấy khó lòng mà lột tả được cái sự ngầu của hai anh nên những gì mà người chơi được nhìn thấy chỉ là hai hai ông có vóc dáng khá giống nhau và chỉ có thể phân biệt bởi màu sắc từ chiếc quần mà họ đang mặc. Lý do chọn hai màu xanh dương cho Bill Rizer và màu đỏ cho Lance Bean không được NSX Konami tiết lộ nhưng có lẽ đó phong cách tối giản của trò chơi điện tử thời bấy giờ khi có nhiều nhân vật game khác cũng được phân biệt theo màu sắc như vậy. Điển hình nổi tiếng nhất mà chắc ai cũng biết chính là Mario với tông màu chủ đạo là đỏ trong khi ông em Luigi trông ít bắt mắt hơn khi bị phối với màu xanh lá cây.
Có tổng cộng bao nhiêu phần Contra từ trước đến nay?
Theo thống kê từ Wikipedia, có tổng cộng 19 phiên bản chính thức của Contra được Konami phát triển và phát hành từ năm 1987 đến năm 2019. Tất nhiên số lượng này chưa bao gồm những phiên bản bị hủy bỏ lẫn các tựa game di động ăn theo không được cấp phép do Trung Quốc thực hiện. Được biết chất lượng của các phiên bản “con ghẻ” này thuộc phạm trù thượng vàng hạ cám khi có game được chính Konami cấp phép sử dụng IP để thực hiện trong khi có game bị làm “chui” hoàn toàn và phải đóng cửa một thời gian ngắn sau khi ra mắt. Có thể kể ra một vài gương mặt nổi bật như: Contra: Returning (Hồn Đấu La: Quy Lai; Contra Online (Dũng Giả Đại Mạo Hiểm); Classic Metal Contra hay Sniper Kontraa Plus.
Bạn có biết: Tổng cộng có 19 phiên bản chính thức của Contra được phát triển và phát hành bởi Konami trải dài từ năm 1987 cho đến năm 2019. Tuy vậy chất lượng của bản game mới nhất lại bị đánh giá cực thấp cả bởi giới chuyên môn lẫn game thủ với số điểm tổng hợp lần lượt là 52 và 4.2 trên Metacritic.
Các phiên bản Contra chính thức từng được ra mắt:
Ngoài ra còn có một số tựa game Contra khác có tiềm năng nhưng cuối cùng lại bị hủy bỏ:
Cheat code huyền thoại và vũ trụ Konami
Konami Code, hay còn gọi là Contra Code có lẽ chính là dòng mã nổi tiếng nhất trong ngành công nghiệp game. Kể từ khi được tạo ra bởi ông Kazuhisa Hashimoto vào năm 1986 để phục vụ cho việc test tựa game Gradius, Konami Code đã xuất hiện trong hàng chục tựa game khác nhau – không chỉ đơn thuần là game do Konami phát triển. Nó thậm chí còn được sử dụng bên ngoài ngành game như những easter egg thú vị. Các game thủ đời đầu hẳn không thể quên cái mã gian lận diệu kỳ này khi chỉ cần vài thao tác đơn giản gồm tổ hợp phím Lên–Lên–Xuống–Xuống–Trái–Phải–Trái–Phải–B–A (và đôi khi phải ấn thêm nút Start, dù không chính thức), bạn sẽ có thêm 30 mạng trong Contra hoặc vài thứ “diệu kỳ” khác trong các tựa game do konami sản xuất.
Bạn có biết: Ngày 25/2/2020, làng game đã nhận một tin buồn: ông Kazuhisa đã qua đời tại quê nhà, hưởng thọ 61 tuổi. Ban đầu thông tin này được đăng tải bởi Yuji Takenouchi, một nhà soạn nhạc từng làm việc với Konami và quen biết với ông Kazuhisa, sau đó đến lượt tài khoản Twitter của Konami xác nhận thông tin này.
Đến nỗi có thời chỉ cần chơi game do Konami sản xuất lập tức phải thử ngay xem cái cheat code này có hoạt động không bởi rất nhiều trò chơi của hãng có thể sử dụng mật mã này. Trò chơi đầu tiên có thể sử dụng mật mã này chính là Gradius, với rất nhiều sức mạnh tuyệt vời được khai phá khi sử dụng nó. Dòng mã này nổi tiếng đến nỗi mà bạn có thể dùng nó trong nhiều trang web khác nhau như Facebook, Reddit, Vogue UK hay Buzzfeed để tạo ra các hiệu ứng hài hước. Ngày nay cheat code đã phát triển đến mức có thể thay đổi hoàn toàn thông số trong một trò chơi bất kỳ nhưng rõ ràng ấn tượng về tổ hợp ↑↑↓↓←→←→BA sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí chúng ta.
Về phần vũ trụ game Konami, đã có rất nhiều nhà phát hành lên ý tưởng cho các nhân vật của mình xuất hiện theo kiểu cameo (khách mời) trong thế giới game khác nhau. Nintendo là một trong những đơn vị đi tiên phong với các màn crossover nổi tiếng nhưng người đi đầu cho phong cách thú vị này có lẽ là Konami. Số là năm 1988, hãng đã cho ra mắt Wai Wai World cho hệ máy NES. Lối chơi cũng khá bình thường nhưng được cái nội dung game đã đan xen nhiều nhân vật trong các series nổi tiếng khác như Goemon, Castlevania, Gradius và cả The Goonies.
Đến năm 1991, thừa thắng xông lên hãng đã cho ra mắt Wai Wai World 2: SOS!! Parsley Jō. Trong game anh em có thể trải nghiệm lại một số màn chơi kinh điển của những thương hiệu quen thuộc nhưng bằng một nhân vật đến từ dòng game khác. Trong trường hợp này là màn Jungle của Contra nhưng thay vì hai gã đô con quen thuộc, anh em có thể sử dụng nhân vật khác của Konami như Simon Belmont đến từ Castlevania chẳng hạn. Đây có thể không hẳn là crossover đúng nghĩa nhưng dẫu sao nó cũng đã đặt nền móng cho khái niệm này.
Những mối liên hệ giữa game và điện ảnh
Thể loại phim hành động cổ điển những năm 80 và 90, kiểu anh hùng cơn bắp, một mình làm cỏ hết cả hang ổ của kẻ địch ngày nay đã không còn chỗ đứng trên thị trường. Tất nhiên chúng ta phải loại trừ thành công công của bộ phim nói về người đàn ông yêu chó thích dùng bút chì để kết liễu kẻ địch và trước đó là Biệt đội đánh thuê hay The Expendables (2010). Có thể nói trước John Wick thì The Expendables chính là điểm nhấn còn sót lại của dòng phim từng rất nổi tiếng cách đây 20 năm. Rõ ràng với cốt truyện hết sức đơn giản cùng diễn xuất không lấy gì làm nổi bật của dàn diễn viên, thành công The Expendables đạt được chính nhờ vào việc đánh đúng tâm lý hoài niệm về một thời vàng son của các fan hâm mộ có tuổi như Mọt tui.
Bạn có biết: Vào năm 2017, Konami Digital Entertainment từng có ý định phối hợp với công ty truyền thông Starlight (Trung Quốc) để sản xuất phim truyền hình và điện ảnh cho thương hiệu Contra sau thành công của tựa game di động Contra: Return nhưng cuối cùng kế hoạch này không đi tới đâu cả.
Như đã nói ở trên, với cốt truyện làng nhàng cùng diễn xuất chỉ ở mức tròn vai, The Expendables chưa hề được yêu thích bởi giới phê bình nhưng phản ứng đón nhận của khán giả đã giúp nó kéo dài thêm tận… 2 phiên bản lần lượt ra mắt vào năm 2012 và 2014. Vào thời điểm bộ phim đang nổi từng có một trò chơi ăn theo miễn phí được ra mắt và nó cực kỳ tương đồng với game Contra. Bản thân NSX cũng không cố gắng cho giấu điều đó nhưng lạ thay Konami không hề có bất cứ hành động pháp lý nào để phản hồi lại. Có thể bởi vì đó là một game miễn phí để vinh danh Contra cũng có thể lần này hãng game Nhật cảm thấy nó chẳng thể ảnh hưởng gì đến họ nên nhắm mắt làm ngơ cũng nên.
Tất nhiên thông tin là bao la trong khi kiến thức thì có hạn, trong phạm vi ngắn ngủi của bài viết này vẫn có những điều mà Mọt chưa thể nắm hết để hầu chuyện cùng các bạn. Nếu có thông nào thú vị hơn để chia sẻ, đừng ngại mà mà comment bên dưới để mọi người cùng thảo luận nhé!