Trong lĩnh vực nghệ thuật không hiếm trường hợp tác phẩm bất ngờ nổi tiếng sau khi tác giả mồ đã xanh cỏ vài chục năm. Nếu Allan Poe, Franz Kafka, Jane Austen hay HP Lovecraft mà sống lại, không biết họ sẽ cảm thấy vui hay buồn vì lúc còn tại thế phải sống trong nghèo khó hay tệ hơn là bị giới chuyên môn nghi ngờ về năng lực.
Nhưng giờ thì ai cũng tôn vinh tác phẩm của họ thậm chí chúng còn giúp cho người sở hữu hiện tại kiếm cả đống tiền bản quyền. Tất nhiên theo một nghĩa nào đó thì game cũng là một loại hình nghệ thuật và trong đó chắc có lẽ The Baby In Yellow là một trong những trường hợp hiếm hoi.
Một phần chắc cũng bởi vì quy mô khá là “khiêm tốn” của nó nhưng mãi về sau, trò chơi bắt đầu có được sự bứt phá mạnh mẽ và dần trở nên cực kỳ nổi tiếng trong cộng đồng game thủ và cả những người đam mê thể loại kinh dị. Hôm nay mọi người hãy cùng Mọt tìm hiểu xem cái game này có gì hấp dẫn mà khiến nhiều người phải quan tâm như vậy qua bài viết bên dưới hoặc video này!
Mọi thứ đều cực kỳ đơn giản cho đến khi có điều gì đó không ổn với đứa bé
Về cơ bản The Baby In Yellow là tựa game đi động góc nhìn thứ nhất mô phỏng việc chăm sóc trẻ em. Được biết ở thời điểm ban đầu sản phẩm do Team Terrible thực hiện chỉ là một trò chơi nhỏ nhằm tham dự cuộc thi GMTK Game Jam 2020 và được hoàn thành trong vỏn vẹn có 2 ngày nhưng sau đó nó nhanh chóng được yêu thích nên NSX đã liên tục cập nhật thêm các nội dung mới cũng như tối ưu các tính năng có sẵn.
Thoạt nhìn nếu không nhìn tới cái nhãn kinh dị của trò chơi, hẳn ai cũng nghĩ đây là một trò chơi đơn giản để giết thời gian nhưng khác với các tựa game mô phỏng thông thường, đứa bé trong cái game này vừa nhìn thấy đã cảm giác rất không ổn. Đôi mắt mắt trợn trừng to quá khổ, điệu cười kỳ lạ nhưng không bí ẩn đầy quyến rũ như Mona Lisa mà lại khiến người ta liên tưởng đến kiểu nhếch mép vô hồn đầy ám ảnh của Linda Blair trong The Exorcist hay Heather O’Rourke của bộ phim bị quỷ ám Poltergeist.
Nói thật ở ngoài đời đi nhận việc trông trẻ mà gặp trường hợp như thế này, tôi sẽ cuốn gói ngay tức khắc dù tiền lương cao cỡ nào. Nếu cảm thấy có trách nhiệm với đồng loại hơn một chút thì sẽ để lại vài món pháp khí như kính bát quái, máu chó mực hay ít nhất cũng là vài tấm giấy bùa cho gia chủ phòng thân. Nhưng đây là game, là hư cấu, là phong cách tiếp cận sự việc theo kiểu phương Tây nên dù đã sợ vãi cả linh hồn thì nhân vật chính cũng phải dấn thân tìm hiểu xem chuyện quái gì xảy ra với đứa bé này.
Ở thời điểm đầu game có thể thấy mọi thứ vẫn rất bình thường và nhiệm vụ của bạn chính là làm những việc mà một người trông trẻ phải làm. Hãy yên tâm nếu bạn chưa có con hoặc chưa từng nhận việc này thì đã có một danh sách những nhiệm vụ ở góc trái của màn hình để nhắc nhở mình cần phải làm gì. Tất cả bình thường như cân đường hộp sữa ngoại trừ việc thỉnh thoảng đứa bé cứ biến mất sau đó xuất hiện lại ở những địa điểm khác nhau trong nhà.
Sau đó khi những điều bất thường cứ liên tục xảy ra thì ngay cả kẻ ngáo ngơ nhất cũng biết mình đang phải đối mặt với thứ gì rồi và ưu tiên hàng đầu lúc này không phải là đứa bé kia có làm sao không mà nhân vật chính, tức là người chơi ấy, có sống sót cho đến lúc trò chơi kết thúc hay không. Lúc này người ta mới nhớ lại những điều kỳ lạ về ba mẹ của đứa bé, theo cốt truyện thì họ bận công việc một vài ngày nên đã thông qua dịch vụ thuê người chơi đến chăm sóc con của mình.
Nhưng với tình hình này thì rõ ràng họ họ có bận bịu cái gì đâu, có thể bây giờ họ đang chạy trối chết để giữ cái mạng của mình cũng nên. Rõ ràng mang số phận của nhân vật chính nhưng không có chút hào quang nào của nhân vật chính cả. Trong thế giới giả tưởng có biết bao nhiêu đứa nhóc ngoan hiền, thậm chí là trời đánh thánh vật như thằng cu trong Boss Baby hay có siêu năng lực như Jack Jack trong The Incredibles thì không gặp, cứ phải gặp ngay ông nhõi bị quỷ ám mới tài.
Là Cthulhu Mythos nhưng cũng có thể chỉ là siêu năng lực bị tà ác hóa
Trong nhiều bài giải thích cốt truyện khác nhau, Mọt thấy có khá nhiều giả thuyết thú vị xung quanh sức mạnh và thực thể đáng sợ đang ám đứa bé của The Baby In Yellow. Từ quyển sách How To Dream Like A King Vol.2 trong phòng ngủ của nó, cho đến 3 cuốn The Lake Of Hali: A Visitor’s Guide, Mysteries Of The Hyades và Reputations & How To Repair Them trên kệ bên cạnh chiếc TV. Tất cả đều dẫn đến những giả thuyết siêu phàm về thực thể đằng sau đứa bé là một hay nhiều quái vật trong Cthulhu Mythos.
Đầu tiên thì Cthulhu Mythos là gì? Cthulhu Mythos là thuật ngữ được phóng viên August Derleth, người đồng thời là học trò của nhà văn Howard Phillips Lovecraft, đặt ra để miêu tả vũ trụ hư cấu với hệ thống các vị thần lẫn quái vật do thầy mình sáng tạo nên trong các tác phẩm văn học. Chính cuộc đời của Howard Phillips “HP” Lovecraft (1890 – 1937) cũng tràn đầy những điều thú vị lẫn quái dị hệt như các tác phẩm đầy ám ảnh của ông.
Từ thời thơ ấu tác giả người Mỹ đã gặp nhiều chuyện không hay như bố phải nhập viện tâm thần khi Lovecraft vừa tròn 3 tuổi, mẹ của ông lại là một phụ nữ ưa thích bạo hành con cái về mặt tinh thần khi liên tục chê ông bất tài, xấu xí và ẻo lả như một đứa con gái. Thậm chí bà còn buộc Lovecraft phải đến trường trong quần áo của con gái khiến ông bị bạn bè chê cười, trêu chọc. Do hoàn cảnh gia đình dù không có nhiều bạn bè nhưng trong thời gian đi học Lovecraft vẫn bộc lộ thiên phú về sử học, ngôn ngữ học, hóa học và thiên văn học, những điều sau này được nhà văn truyền tải rất khéo léo trong các truyện kinh dị của mình.
Khi trưởng thành ông sống khép kín và tách biệt với xã hội, thích hẹn hò trong nghĩa trang. Lovecraft có niềm đam mê viết lách với các câu chuyện kinh dị viễn tưởng nhưng luôn sống trong cảnh túng thiếu, chết dần chết mòn bởi nghèo đói cho đến khi qua đời ở tuổi 47. Thật mỉa mai khi nhiều năm sau đó các tác phẩm này lại mang về số tiền kếch xù khi được nhiều người ưa thích thậm chí còn hình thành nên trường phái Lovecraftian Horror khi người ta muốn nói về sự kinh dị pha trộn những yếu tố siêu nhiên điên loạn không lẫn vào đâu được của nhà văn nổi tiếng.
Trở lại với The Baby In Yellow, dựa theo những cuốn sách tìm được trong nhà, khả năng mở rộng các chiều không gian và quan trọng nhất là cảnh cuối game, khi đứa trẻ di chuyển vào nơi trông giống vũ trụ nhưng rực lửa và hoang tàn, nhiều giả thuyết cho rằng thực thể hùng mạnh đang ám đứa trẻ rất có thể là các vị cổ thần trong Cthulhu Mythos. Bản thân cuốn băng trong căn phòng bí mật, thứ chỉ xuất hiện từ bản cập nhật v1.0 của trò chơi cũng nhắc tới hai cái tên Hastur và Cassilda, những nhân vật rất quen thuộc nếu ai đó có nghiên cứu về Lovecraft lẫn tác phẩm truyền cảm hứng cho ông là The King in Yellow của nhà văn Robert Chambers.
Mọt không ưa chuộng thuyết âm mưu rắc rối, cũng chẳng có bao nhiêu đam mê với trường phái Lovecraftian Horror thế nên không mặn mà cho lắm với các giả thuyết nói trên. Nếu suy nghĩ theo chiều hướng đơn giản thì rất có thể đứa bé quỷ ám trong game chỉ là một dạng siêu năng lực đã bị tà ác hóa lên gấp nhiều lần so với mức bình thường. Hãy nhìn lại thằng nhóc Jack Jack nghịch như quỷ trong hai phần phim hoạt hình The Incredibles.
Ở phần đầu chúng ta chỉ được chứng kiến khả năng biến hình thành đủ loại nhân vật của nó, bao gồm một con quỷ hung dữ, thứ đã dọa cho kẻ phản diện Buddy Pine chạy trối chết hay dạng đuốc sống như Human Torch trong Fantastic Four. Tuy nhiên đến phần hai khi siêu năng lực đã được khai phá hoàn chỉnh, Jack Jack có đến tận 17 siêu năng lực đặc biệt bao gồm psychokinesis (khả năng tâm thần đặc biệt giúp người sở hữu năng lực tác động lên sự vật mà không cần tương tác vật lý), dịch chuyển tới chiều không gian khác và đi xuyên qua nhiều loại vật chất khác nhau.
Nào, nào bạn đã thấy có gì giống nhau chưa? Rõ ràng là những gì đứa bé trong The Baby In Yellow làm được thì Jack Jack của The Incredibles cũng làm được, thậm chí thằng nhóc của Gia đình siêu nhân còn sở hữu nhiều năng lực bá đạo hơn. Nhưng vì sao người ta lại hãi hùng khiếp vía với đứa bé nhưng vẫn thấy Jack Jack cực kỳ thú vị và đáng yêu? Theo Mọt, lý do đơn giản nhất là Jack Jack có một gia đình luôn yêu thương và quan tâm đến cậu. Từ bố Bob nhìn thì cục súc nhưng lại vô cùng thiện lương, đến mẹ Helen dài dòng như bất kỳ người phụ nữ nào nhưng luôn xem gia đình là trên hết, dĩ nhiên hai anh chị Dash cùng Violet lúc nào cũng cưng chiều cậu em nhỏ của mình.
Chính vì tình thương đó khiến Jack Jack dù có rất nhiều năng lực bá đạo nhưng bản chất vẫn là một nhóc tì siêu đáng yêu, cần rất nhiều sự chăm nom và cưng nựng từ gia đình. Còn đứa bé trong The Baby In Yellow thì sao? Chẳng ai quan tâm đến nó cả, thậm chí đến tên của cha mẹ cũng phải nhờ vào manh mối rất mơ hồ từ chiếc máy ghi âm trong căn phòng bí mật để tìm hiểu nhưng không ai dám đảm bảo rằng đó có phải là họ tên thật hay không. Chỉ một điều rõ ràng nhất là họ đã bỏ bê việc chăm sóc con mình cho một (hay nhiều người lạ khác) mà không có lý do chính đáng.
Trên đời không có cha mẹ nào mà không thương con nhưng thỉnh thoảng vẫn có trường hợp ngoại lệ và Mọt nghĩ ông bà Hastur cùng Cassilda trong game này chính là ví dụ điển hình đầy xấu xí. Có thể từ sự bỏ bê thiếu quan tâm đó mà đứa bé cùng với siêu năng lực tương tự như Jack Jack nhưng đã rẽ sang con đường càng ngày càng tà ác hơn, bao gồm khả năng thao túng tâm trí của những nạn nhân ở gần nó để gây ra ảo giác về chuyện bị quỷ ám như nhân vật trong game chẳng hạn.
Kết
Nhìn chung với một tựa game mobile ngắn lại vừa ra mắt và vẫn đang cập nhật thêm nội dung như The Baby In Yellow thì mọi giả thuyết có thể hoàn toàn… trớt quớt nếu một ngày nào đó nhóm sản xuất hứng chí đưa thêm các chi tiết mới vào. Thế nên giả thuyết về The King in Yellow đang ám thằng nhỏ hay các vị cổ thần của vũ trụ Cthulhu Mythos nhúng tay vào không gian này nghe có vẻ vô lý nhưng lại rất thuyết phục nhưng cũng đâu thể loại trừ khả năng nó chỉ là phiên bản tà ác hơn của Jack Jack trong The Incredibles chỉ vì thiếu thốn sự quan tâm từ gia đình phải không nào?