Top nhân vật phản diện khiến game thủ vừa sợ vừa… thích vì quá độc – P.2 Update 11/2024

Sau khi phần đầu lên sóng, Mọt nhận được nhiều gợi ý của các bạn cho nội dung của tiếp theo của chủ đề top nhân vật phản diện khiến game thủ vừa ám ảnh vừa… thích thú vì quá độc. Một số ý tưởng thoạt nhìn vô lý nhưng ngẫm lại cũng rất thuyết phục như Luca Blight (Suikoden II), Vaas Montenegro (Far Cry 3) hay gã hề Kefka Palazzo (Final Fantasy VI). Tuy nhiên cũng có những gợi ý khiến người ta dở khóc dở cười như Lady Dimitrescu (Resident Evil Village), Vergil (Devil May Cry 3) hay Sephiroth (Final Fantasy VII).

Vì sao? Vì đây là danh sách tổng hợp về những kẻ phản diện điên loạn, cái bọn đã đóng vai ác lại còn biến thái trong trò chơi điện tử hoặc tệ hơn nữa là vừa điên loạn lại vừa biến thái. Chúng ta không thể xếp hai ông chú siêu ngầu như Vergil lẫn Sephiroth vào danh sách này và tất nhiên chị đẹp sợ vỉ đập ruồi Dimitrescu thì lại càng không thể nào. Những cái tên tiềm năng sẽ được lưu trữ lại cho những đề tài khác phù hợp hơn, còn hôm nay hãy đến với những gương mặt tiếp theo trong danh sách nhân vật phản diện khiến game thủ vừa ám ảnh vừa… thích thú vì quá độc, còn độc đáo hay độc địa thì xem bài viết này là biết nhé!

Với lại nếu có thời gian thì các bạn có thể ủng hộ thêm cho Mọt bằng cách xem video phần hai của các nhân vật phản diện khiến game thủ vừa sợ vừa… thích vì quá độc ở bên dưới nha.

Luca Blight – Suikoden II

Làm thế nào mà Mọt tôi có thể quên gã hoàng tử này sau khi đã viết xong toàn bộ cốt truyện về 5 phiên bản của Suikoden cơ chứ? Ra mắt lần đầu năm 1996, Suikoden đã khiến nhiều game thủ bất ngờ cho phép người chơi chiêu mộ đến 108 nhân vật. So với các sản phẩm ra mắt cùng thời, tựa game lấy cảm hứng từ Thủy Hử mang lại thay đổi cực lớn, bởi theo truyền thống một JRPG chỉ xây dựng party khoảng từ 8 đến 10 nhân vật mà người chơi có thể điều khiển. Tất nhiên quá trình chiêu mộ nhân vật không hề đơn giản bởi series Suikoden còn nổi tiếng với nội dung cốt truyện hấp dẫn, cùng nhiều bí mật mà nếu không chơi đi chơi lại rất khó để game thủ có thể phát hiện ra.

Thứ hấp dẫn đầu tiên chính là những cuộc chiến qua các phiên bản game được xây dựng theo một dòng thời gian thống nhất, khiến người chơi cảm nhận được quá trình diễn biến của từng sự kiện khá rõ ràng. Khởi đầu cho mọi cuộc xung đột chính là sự tồn tại cách đây hàng triệu năm của các True Rune, thứ khiến cho người ta điên cuồng tranh đoạt, từ đó phát động nên nhiều cuộc chiến quy mô khác nhau. Sớm nhất có lẽ là Island Liberation War, cuộc xung đột quân sự quy mô lớn, thu hút nhiều lực lượng tham chiến và xảy ra sớm nhất theo lịch mặt trời (Solar Year) từ năm 302 đến năm 307 trong thế giới Suikoden.

Island Liberation War

Tiếp theo là cuộc nội chiến tại Falena kéo dài từ năm 449 đến năm 450. Chiến tranh nổ ra khi gia tộc Godwin ám sát nữ hoàng Arshtat Falenas trong buổi lễ tuyển phu quân cho công chúa Lymsleia, dẫn đến cái chết của bà và chồng mình. Chưa được yên lành được mấy năm thì người dân lại bị kéo vào Gate Rune War, cuộc nội chiến diễn ra tại đế quốc Scarlet Moon kéo dài từ năm 453 đến năm 457. Với sự tham gia của nhiều phe phái và chủng tộc khác nhau nhưng lực lượng đóng vai trò chủ đạo vẫn là quân đội Hoàng gia Scarlet Moon đối đầu với quân giải phóng Toran.

Sau đó 3 năm lại là Dunan Unification War. Đây là cuộc chiến giữa Liên minh Jowston với vương quốc Highland. Nguyên nhân xảy ra xung đột là do “Hoàng tử điên” Luca Blight muốn xé bỏ hiệp ước hòa bình, khơi mào chiến tranh nhằm đạt được mục đích đen tối của gã. Trận chiến cuối cùng trong thế giới Suikoden là Second Fire Bringer War giữa Grassland và vương quốc thần thánh Harmonia. Sau đó hãng Konami gần như đã “bỏ phế” hoàn toàn thương hiệu game này. Chính vì thế nên chúng ta chưa có cơ hội chứng kiến thêm bất cứ cuộc chiến nào trong Suikoden.

Trở lại với nhân vật phản diện Luca Blight thì có thể nói đây là một nhân vật được xây dựng theo kiểu phản diện rất điển hình của thập niên 90. Xuất hiện với vẻ ngoài ấn tượng khi sở hữu ánh mắt điên dại cùng nụ cười như ác quỷ. Ngay từ đoạn đầu giới thiệu game rất nhiều game thủ trong đó có Mọt tôi đã đặt câu hỏi tên này này đang bị thứ gì ám hay sao vậy? Dù qua nhiều năm rồi nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng Luca là một trong những nhân vật mà những ai đã từng chơi qua Suikoden II đều sẽ không quên gã. Và rất nhanh chóng người chơi sẽ có câu trả lời bởi ngay từ các sự kiện ở đầu game khi hắn đã chứng tỏ bản thân hiếu chiến đến cỡ nào.

nhân vật phản diện Luca Bight
Luca Bight trong Opening của Suikoden II

Trong quá trình trải nghiệm Suikoden II, game thủ sẽ thấy gã này hoàn toàn loạn trí khi liên tục có những hành vi phản bội, sa đọa, ích kỷ và dĩ nhiên không thể thiếu các vụ tàn sát đầy điên rồ đi kèm sở thích đùa giỡn với sinh mạng của kẻ khác. Có thể thấy hắn đã hết thuốc chữa như trường hợp người phụ nữ vô tội tại Ryube, thay vì kết liễu nhanh gọn, Luca bắt cô ta giả làm heo để thỏa mãn thú tính trước khi thẳng tay sát hại. Với từng sinh mạng vô tội bị lấy đi, chúng ta lại thấy gã hành xử ít nhân tính hơn với ánh mắt ma quỷ cùng nụ cười man rợ đầy thích thú mỗi khi xuống tay giết chóc.

Vậy điều gì đã xảy ra trong quá khứ với “Hoàng tử điên” khiến hắn trở nên điên cuồng như vậy? Theo cốt truyện Suikoden II, khi còn thơ ấu Luca Blight phải từng chứng kiến vụ tấn công của đám đạo tặc vào đoàn xe lữ hành của hoàng gia Highland. Trên chuyến xe định mệnh ấy, ngoài Luca còn có cha mẹ hắn là đức vua Agares Blight cùng hoàng hậu Sara Blight. Khi đám tặc phỉ tấn công, thay vì lãnh đạo binh lính phản kháng như một vị vua chân chính, Agares lại hèn nhát bỏ chạy, mặc kệ sự sống chết của vợ con.

Khi đó nếu mẹ con Luca bị giết ngay thì tốt quá vì ít nhất sau này người ta không phải chứng kiến sự ra đời của một con quái vật. Thay vào đó Luca phải tận mắt chứng kiến cảnh mẹ mình bị đám giặc cướp thay phiên nhau cưỡng bức hết lần này đến lần khác. Sau biến cố đó hoàng hậu Sara Blight đã mang thai và qua đời khi hạ sinh cô con gái Jillia. Khi viếng thăm thị trấn Kyaro, Luca đã điều tra ra đám giặc cướp đó được thuê bởi thị trưởng của thành phố Muse. Từ đó hắn nảy sinh lòng căm thù sâu sắc với Liên minh Jowston cũng như người cha hèn nhát Agares, vị vua bất tài của Highland.

nhân vật phản diện Luca Bight

Theo dòng thời gian trong cốt truyện chính, sau khi thực hiện thành công kế hoạch gây xung đột giữa Liên minh Jowston và vương quốc Highland, Luca đã trả được mối hận của mình bằng cách đầu độc chết vua Agares cũng như dùng Beast Rune để sát hại toàn bộ cư dân của thành phố Muse. Bạn nghĩ từ đây ân đền oán trả mọi thứ đã giải quyết xong? Còn lâu nhé! Bởi nếu mọi chuyện giải quyết đơn giản như vậy thì làm gì còn đất diễn cho nhân vật phản diện này. Luca Blight đã chứng tỏ cơn điên loạn của mình không thể kiềm chế, đặc biệt là sau khi y trở thành lãnh đạo tối cao của vương quốc Highland.

Hắn liên tục phái quân đội gây chiến khắp nơi, tấn công các lãnh thổ khác nhau nhau khiến dân chúng khổ không thể tả vì chiến tranh không dứt. Thậm chí đến những người thân cận của gã cũng hết chịu nổi và bắt đầu lên kế hoạch mượn tay lực lượng đối lập để thanh trừng Luca. Từ quân sư Leon Silverberg, cô em gái Jillia Blight cho đến ông em rể hờ Jowy Blight. Tất cả đều muốn gã phải chết để vương quốc Highland không bị phá hủy dưới bàn tay của một nhà lãnh đạo điên rồ. Kế hoạch phục kích thành công mỹ mãn, dưới sự bao vây của 18 chiến binh mạnh mẽ nhất cùng loạt mưa tên, Luca Blight cuối cùng đã phải trả cái giá xứng đáng cho những hành vi tàn ác của mình.

Vaas Montenegro – Far Cry 3

Nếu Luca Blight điên loạn vì dòng đời đưa đẩy thì Vaas Montenegro lại phát cuồng vì chơi thuốc quá liều và bản thân hắn cũng… thích thế. Hãy cùng lắng nghe một trong những câu độc thoại nội tâm đã làm nên thương hiệu cho Vaas Montenegro, tên thủ lĩnh có vấn đề về thần kinh của đám hải tặc tại đảo Rook trong Far Cry 3. “Sự điên khùng là cứ làm đúng một việc… lặp đi lặp lại mãi theo cùng một cách chết tiệt… rồi hy vọng mọi thứ tồi tệ sẽ thay đổi… đó là điên khùng”.

Far Cry 3 bắt đầu với một nhóm khách du lịch 7 người bao gồm nhân vật chính Jason Brody cùng nhóm bạn thân. Họ đang thực hiện chuyến du lịch một vòng các nước Đông Nam Á để ăn mừng một người trong nhóm thi đậu bằng lái máy bay. Khi đang vui chơi tại quán bar ở Bangkok, cả đám được giới thiệu về gói du lịch đặc biệt là nhảy dù mạo hiểm xuống hòn đảo Rook với giá cả rất phải chăng. Nhưng rõ ràng ở đời không có cái gì rẻ mà ngon cả, đó chỉ là một cái bẫy và chào đón họ khi đặt chân xuống hòn đảo chính là đám hải tặc được trang bị đầy đủ súng ống.

Mục đích của đám hải tặc này là gì? Rất đơn giản, đó là cấu kết với giang dương đại đạo, buôn lậu vũ khí, đẩy bà già xuống biển và cưỡng gian con heo, nói chung là đủ mọi chuyện phi pháp và ở đây chính là bắt cóc con tin đòi tiền chuộc. Nếu chỉ có thế thì cũng thường thôi vì đề tài này được quá nhiều NSX khai thác rồi. Tuy nhiên Far Cry 3 lại có Vaas Montenegro, nhân vật phản diện thú vị thứ hai của toàn bộ series (Pagan Min trong Far Cry 4 vẫn là số một), tên thủ lĩnh mất trí của đám cướp biển, kẻ điên khùng nhưng nhận thức được rằng bản thân mình bị… điên và khiến cho game thủ cảm thấy vô cùng sợ hãi với những điều mà một kẻ loạn trí có thể làm được. Đáng tiếc cuối cùng khi hoàn thành trò chơi ta mới phát hiện ra gã thú vị này cũng chỉ là vai phụ để làm nền cho kẻ khác.

Về cơ bản thân thế của Vaas không có gì bí hiểm. Được sinh ra tại đảo Rook vào năm 1984, y là một thành viên của bộ tộc bản địa Rakyat. Bản thân Montenegro là một người bình thường cho đến khi y nghiện thuốc vào năm 2012 và có cơ hội tiếp xúc với gã buôn thuốc phiện tâm thần Hoyt Volker. Nhận ra “tiềm năng” của tên du đãng nghiện ngập trẻ tuổi, Volker quyết định giữ hắn lại để đào tạo, thậm chí nâng tầm gã lên vị trí cánh tay phải của mình trong băng đảng. Vài năm sau đó, Vaas còn thăng tiến đến mức trở thành thủ lĩnh của Pirates, đám cướp biển chuyên hãm hiếp, cướp bóc, trộm cắp và giết người, có căn cứ tại đảo Rook.

nhân vật phản diện Vaas Montenegro
Vaas Montenegro một trong các vai phản diện xuất sắc của series Far Cry

Để trả ơn cho “sư phụ”, Vaas Montenegro thể hiện vai trò nhân vật phản diện một cách vô cùng xuất sắc. Hắn lệnh cho đám đàn em chiếm lấy những mảnh đất màu mỡ để phân lô trồng… cần sa. Hắn hào hứng với hoạt động bắt cóc cũng như buôn bán nô lệ tại Rook cũng như những hòn đảo lân cận. Thậm chí hắn còn tạo ra một pháo đài kiên cố ở khu vực Đảo Bắc, để giám sát cũng như theo dõi sự khủng bố mà mình áp đặt lên mọi người có được thực thi triệt để hay không. Vaas thực sự hào hứng với công việc này, không đơn giản là trả ơn trả nghĩa cho Hoyt Volker mà đó còn là sự thích thú và say mê khi được khủng bố những người đồng bào Rakyat không có khả năng phản kháng.

Những nhân vật phản diện Mọt đã kể trước đó như Luca Blight, Sachiko hay Eddie Gluskin.. có thể phần nào cảm thông vì họ đều trải qua những cú sốc tinh thần quá lớn dẫn đến sự lệch lạc về hành vi, nhận thức. Còn Vass, hắn chỉ là một tay “chuyên cần” và có dấu hiệu của việc lạm dụng thuốc quá đà. Có thể nói Vaas là một kẻ điên khùng với tâm trí phức tạp chưa từng thấy. Từ những chi tiết trong cốt truyện của Far Cry 3, chúng ta có thể thấy hắn là định nghĩa hoàn hảo cho tổ hợp của những tính cách hỗn loạn đầy cực đoan như liều lĩnh, bạo lực, tàn nhẫn, đa nghi, mất trí, kiêu ngạo với khiếu hài hước đen tối khiến người ta khó lòng nắm bắt. Thậm chí chí về mặt nào đó có thể xem Vass như một gã mắc hội chứng biến thái nhân cách tiếng Anh gọi là psychopathy đang hành xử theo chủ nghĩa xảo quyệt (Machiavellian) một cách tuyệt đối vậy.

Kefka Palazzo – Final Fantasy VI

Nếu như Vaas Montenegro là đại diện cho chủ nghĩa xảo quyệt thì nhân vật phản diện Kefka Palazzo trong Final Fantasy VII lại là gương mặt đại diện hết sức tiêu biểu dành cho những ai tôn thờ chủ nghĩa hư vô hay còn gọi là Nihilism.

Có thể nói trước khi huyền thoại Final Fantasy VII ra mắt mắt đồng thời mang lại kỷ nguyên mới cho cả thương hiệu game, hẳn nhiều người vẫn còn hoài niệm về Final Fantasy VI, một trong những phần game hay nhất và có thể được coi là dài nhất. Tất nhiên mỗi người sẽ có một lựa chọn riêng, ví dụ như trong trường hợp này tôi đang nhắc về Final Fantasy VI nhưng thực tế thì vẫn thích Final Fantasy IX hơn dù nhiều người không thích kiểu đồ họa như Chibi đó, hay như lão sếp Mọt của tôi thì vẫn thích FFVIII nhất vì cô nàng Rinoa xinh đẹp. Trở lại với phần 6 thì hễ cứ nhắc tới trò chơi này thì không thể bỏ qua Kefka Palazzo, tên hề điên loạn đồng thời cũng là nhân vật phản diện chính của trò chơi.

nhân vật phản diện Kefka Palazzo

Trong khi hầu hết phản diện của Final Fantasy thường lạnh lùng, trầm tính, tàn nhẫn và không dễ dàng từ bỏ mục tiêu thì Kefka lại là một kẻ tâm thần điên loạn, nóng tính, màu mè, ưa phá phách và cũng rất độc ác. Khiếu hài hước của hắn thể hiện qua việc thích thưởng thức cái chết cùng sự chịu đựng của nạn nhân và cũng không để tâm mấy đến những hành động tàn ác của mình. Hắn ta dường như ghét mọi thứ và cố gắng trở thành God of Magic – Người khống chế được ma thuật – để có thể tận diệt thế giới.

Ngay từ lần đầu chạm trán, game thủ đã vô cùng ấn tượng với bộ cánh lòe loẹt cùng gương mặt trang điểm kỹ lưỡng chưa hề thấy với bất kì kẻ phản diện nào trước đó. Tất nhiên như đã nói ở trên, đừng để những sắc màu vui nhộn ấy đánh lừa, ẩn sâu trong Kefka lại là một con quái vật máu lạnh, điên khùng và đầy giận dữ. Rõ ràng Kefka là một tên thái nhân cách khi hắn không hề có một chút cảm thông nào với con người, ngược lại, hắn xem nỗi đau khổ và cái chết của nhân loại là niềm vui thú.

Trong game không ít lần ta bắt gặp hắn phá lên những tràng cười rồ dại khi ra tay hủy diệt một cách vô tội vạ. Hắn thậm chí không có mục đích rõ rệt cho việc giết chóc của mình, nó đơn thuần xuất phát từ nỗi căm ghét mọi thứ tồn tại trên cõi đời này. Nên chẳng có gì phải ngạc nhiên khi hắn có thể dễ dàng xuống tay tàn sát toàn bộ quân lính của mình, hầu hết thuộc hạ của hắn đều kinh sợ và phục tùng vì không muốn mất mạng. Không có gì đáng sợ hơn một kẻ ác thuần túy, chúng sẽ không bị xiêu lòng bởi bất cứ điều gì khi cái ác đã là bản chất, và Kefka là một kẻ như thế.

Kefka Palazzo sau khi biến đổi thành Fallen One

Vậy động cơ nào khiến Kefka trở nên tàn độc như thế? Trong nửa sau của Final Fantasy VI, chúng ta được biết thêm về quá khứ của hắn. Kefka vốn là một vật thí nghiệm cho tham vọng truyền khả năng điều khiển ma thuật sang con người của hoàng đế Gestahl. Trong quá trình truyền Magicite vào cơ thể vật thí nghiệm – dạng linh thạch giúp con người có thể tiếp cận được với phép thuật, các nhà khoa học của đế quốc thành công về chuyên môn nhưng thực tế họ cũng thất bại khi tâm trí của Kefka đã trở nên vô cùng hỗn loạn. Cùng với sức mạnh và những tri thức mà không phàm nhân nào có thể hiểu nổi, Kefka đã được coi là kẻ điên, bởi vì họ sợ những thứ mà hắn sở hữu.

Về cuối game, sau khi đạt thành ý đồ hút hết sức mạnh phép thuật từ các thần cổ đại để chính thức trở thành vị thần của thế giới mới, Kefka nhận ra sự tồn tại của vạn vật là vô nghĩa. Từ thời điểm này, khát khao duy nhất của hắn không gì khác, chính là hủy diệt vạn vật, khiến mọi thứ trở về với cát bụi. Hay theo như cách gọi của Kefka thì tòa tháp nơi hắn đứng sẽ trở thành một “đài tưởng niệm hư vô”. Một gã tâm thần có suy nghĩ đứng trên cả lý trí và tôn thờ chủ nghĩa hư vô quả nhiên là đáng sợ.

Piggsy – Manhunt

Nhắc đến các nhân vật phản diện độc địa và kinh tởm mà không nhắc đến Piggsy trong Manhunt, sản phẩm cực kỳ thành công nhưng cũng mang theo lắm tai tiếng của Rockstar thì quả là một thiếu sót lớn. Rockstar xưa nay vốn nổi tiếng về các game bạo lực, điển hình như Red Dead Redemption hay dòng Grand Theft Auto. Tuy nhiên nếu chưa từng trải nghiệm qua toàn bộ nội dung Manhunt, thì xin lỗi bạn vẫn chưa thật sự hiểu về khả năng làm game bạo lực của hãng game này kinh khủng như thế nào đâu.

Về cơ bản, toàn bộ nội dung của Manhunt là tập hợp của những hành vi bạo lực, máu me cùng các màn kết liễu nạn nhân tàn khốc mà chỉ có Mortal Kombat mới sánh vai được. Nội dung phản xã hội, cùng những thứ nói trên cũng chính là nguyên nhân gây ra những cuộc tranh cãi không ngớt về cả mặt pháp lý lẫn đạo đức tại thời điểm game được ra mắt. Không có gì khó hiểu khi trò chơi của Rockstar bị cấm phát hành tại rất nhiều quốc gia.

Nội dung chính trong Manhunt nói về tên tử tù James Earl Cash tại thành phố giả tưởng Carcer City. Ngay từ đầu trò chơi hắn đã được phán tử hình bằng cách tiêm thuốc độc tuy nhiên lúc này The Director (Lionel Starkweather) xuất hiện, nói rằng nếu Cash chịu tham gia vào show truyền hình thực tế của Starkweather thì lão sẽ giúp hắn được phóng thích. Đây rõ ràng là ký hiệp ước với quỷ dữ và chắc chắn những nội dung của show truyền hình lẫn kẻ đứng sau giật dây chắc chắn không phải loại lương thiện, tuy nhiên trong trường hợp của Cash thì gã tử tù thì còn gì để mất nữa đâu?

Để thu hút khán giả, tất nhiên show truyền hình thực tế của Starkweather không thể đơn giản và vui vẻ như Running Man hay The Voice được. Theo đó người tham gia show như Cash sẽ được thả xuống khu vực cấm trong thành phố, vốn là địa bàn của băng đảng khát máu The Hood. Có thể coi đây là một chiến trường Battle Royale như game PUBG nhưng khác biệt là người chơi trong đó toàn là những tên tâm thần và đồ tể điên loạn, vô nhân tính. Trong quá trình theo dõi trực tiếp của khán giả, nhiệm vụ của Cash là làm thế nào để sinh tồn càng lâu càng tốt bởi ngoài đám The Hood vẫn còn nhiều thứ kinh dị, máu me và điên loạn chờ đợi gã tử tù ở phía trước. Tất nhiên Cash có thể chấm dứt hành trình điên loạn này, với điều kiện là hạ hết băng The Hood theo cách càng bạo lực và máu me càng tốt, để khán giả xem đài cảm thấy hào hứng. 

Nhìn chung Manhunt là một tựa game rất bạo lực, với nhiều chi tiết phản xã hội, cùng các nhân vật toàn là một đám điên khùng bệnh hoạn, dễ khiến game thủ sa vào những tư tưởng lệch lạc nếu bản thân không có lý trí vững vàng. Vai chính James Earl Cash thì miễn bàn vì gã sẽ phải tham gia đóng phim giết người hàng loạt trong cái show tởm lợm của Starkweather rồi nhưng có một nhân vật phản diện mà tôi muốn nhắc đến chính là Piggsy. Có vẻ như ăn thịt người luôn sở hữu điểm gì đó rất hấp để Rockstar chú tâm khai thác. Không nói đến Manhunt, trong các tựa game “nhẹ đô” hơn như Red Dead Redemption hay dòng Grand Theft Auto thì chủ đề này cũng từng được đề cập nhiều lần rồi. 

nhân vật phản diện Piggsy
Piggsy, kẻ kinh tởm nhất trong tựa game kinh tởm Manhunt

Trở lại vấn đề chính thì trước James Earl Cash thành vai chính trong show truyền hình, Piggsy mới là ngôi sao hút khách của Starkweather. Không có nhiều thông tin về hắn, chỉ biết Piggsy vốn là một kẻ tâm thần giết người hàng loạt, luôn đội cái mặt nạ được lột da từ một con lợn và giết người như ngóe bằng cưa máy. Trong thế giới điên loạn của Manhunt nói chung và một nơi đầy rẫy bạo lực, máu me lẫn giết chóc như thành phố Carcer nói riêng thì Piggsy rõ ràng là kẻ nổi bật hơn hết thảy khi sở hữu mọi khía cạnh có thể có của một kẻ tâm thần.

Hắn gần như mất hết mọi kết nối với thực tại, có hành vi và thái độ như một đứa trẻ không được giáo dục thỏa đáng hoặc nói thẳng ra là một con vật sống theo bản năng, sẵn sàng cầm cưa máy để tàn sát bất kỳ kẻ xui xẻo nào mà hắn gặp. Trên hết nhân vật phản diện có vấn đề về thần kinh này lại là một kẻ vô cùng thèm khát thịt người. Khi bị xích lại ở tầng hầm của dinh thự Starkweather, hắn vẫn tiếp tục được phục vụ món thịt người yêu thích bởi nhóm lính Cerberus. Để làm so sánh thì bản thân đám Cerberus, dù là những tên lính đánh thuê giết người chuyên nghiệp với súng ống đầy mình thế nhưng chính bọn chúng cũng phải e ngại và run sợ mỗi khi tự tay đưa thức ăn cho Piggsy.

Tất nhiên trong một show truyền hình thực tế chém giết, thứ khán giả muốn coi nhất không nằm ngoài những cuộc chiến đẫm máu. Sau khi đụng độ nhân vật chính James Earl Cash, Piggsy đã phải trả cái giá xứng đáng cho những hành vi tàn ác của mình. Đáng buồn thay, có thể chúng ta sẽ không cảm thấy thỏa mãn khi kẻ xấu bị trừng trị vì cũng giống như Thrill Kill, Manhunt là nơi kẻ xấu tìm cách sinh tồn, nơi cái ác bài xích lẫn nhau, xem nhân vật phản diện nào mạnh mẽ hơn để xứng đáng được tồn tại tiếp.

J.S. Steinman – Bioshock

Không chỉ là một game gun & run đơn thuần, BioShock đã tạo ra trải nghiệm bắn súng góc nhìn thứ nhất sống động, độc đáo và không thể đoán trước. Các phiên bản kế tiếp của nó là BioShock 2 và BioShock Infinite cũng không kém phần hấp dẫn. Cốt truyện Bioshock bắt đầu vào một ngày đen tối của năm 1960, một chiếc máy bay thương mại bị rơi và đâm xuống vùng biển Đại Tây Dương. Kẻ sống sót duy nhất là Jack bơi được vào một ngọn hải đăng ở gần đó và phát hiện thang máy đi vào Rapture, một thành phố ẩn dưới biển. Anh ta nhận ra nơi này được xây dựng như một xã hội duy tâm lý tưởng cho một nhóm “tinh anh” tuyển chọn bao gồm các nhà khoa học, nghệ sĩ và nhà tư bản. 

Lý thuyết tốt đẹp là thế nhưng giờ đây Rapture đang tràn ngập trong núi xác chết, trong khi những con quái vật khủng khiếp cứ lang thang khắp nơi. Để tô điểm thêm cho sự kinh dị ở nơi chốn này, các sinh vật có ngoại hình giống bé gái, được gọi là Little Sister cứ thi nhau rút lấy chất hóa học ADAM quý giá từ các xác chết. Nhưng chúng không đơn độc khi đi cùng mỗi Little Sister là một gã Big Daddy ăn mặc như một thợ lặn với mũi khoan to tướng dùng làm vũ khí. Để sống sót, Jack phải tìm hiểu xem rốt cục chuyện gì đã xảy ra cho Rapture, biến thành phố trong mơ trở thành địa ngục trần gian và giải quyết chúng đồng thời tìm được lối thoát khỏi nơi này.

Cả 3 phần game đều được đánh giá tốt thế nhưng chỉ một năm sau thành công của Bioshock Infinite, nhà sáng tạo Ken Levine đã khiến cộng đồng game thủ chưng hửng khi tuyên bố giải thể Irrational Games. Còn về phần Bioshock, thứ đã làm nên danh tiếng của ông thì Levine rất nhã nhặn thông báo, đó là tài sản và sở hữu trí tuệ của 2K Games. Qua thông báo này, Levine ngầm khẳng định nếu NSX tìm được ứng cử viên thích hợp thì họ chẳng việc gì phải để thương hiệu có khả năng sinh lợi của mình nằm trong xó cả. Lý thuyết là thế nhưng Levine rage quit đã gần 7 năm rồi và đến giờ phút này thì khả năng về việc Bioshock 4 ra mắt cũng chỉ quanh quẩn bên những… tin đồn.

Trong thời gian chờ đợi vô vọng đó có lẽ ôn lại những điều thú vị trong tựa game Bioshock đầu tiên như nhân vật phản diện nào ấn tượng lại là một điều hay. Big Daddy? Không, chủ đề đó quá nhàm chán, đã có rất nhiều bài phân tích về ông “bố bự” này rồi. Đó là chưa kể đến việc cứ mỗi năm, hễ vào dịp kỷ niệm ngày của cha, thanh niên này lại được đào lên để gắn vào chuyên mục “Top những ông bố, thế này… thế kia…”. Little Sister thì sao nhỉ? Cũng nhàm nốt vì con bé thích chơi ống chích vốn là gương mặt quen thuộc trong chủ đề “Top những đứa trẻ đáng sợ nhất” vào ngày quốc tế thiếu nhi hàng năm rồi.

Little Sister luôn đồng hành cùng Big Daddy

Vậy là ai sẽ  ? Bioshock lấy bối cảnh thành phố Rapture dưới lòng đại dương cách biệt với bên ngoài, cũng dễ hiểu khi các nhân vật bị mắc kẹt ở đây trong thời gian dài, cùng với sự ảnh hưởng từ ADAM sẽ có tâm lý bất thường và khá vặn vẹo. Một trong những nhân vật bị ảnh hưởng nhiều nhất, có lẽ là bác sĩ J.S.Steinman. Steinman là một bác sĩ thẩm mỹ tài hoa, từng giúp đỡ cho không biết bao nhiêu khách hàng tìm lại niềm tin trong cuộc sống. Chính vì tài năng của mình nên hắn được nhà sáng lập của Rapture là Andrew Ryan mời gia nhập vào cộng đồng cư dân tinh anh tại đây.

Ban đầu cơ sở ý tế kết hợp viện thẩm mỹ Medical Pavilion của Steinman hoạt động khá ổn thỏa bởi chất lượng dịch vụ tốt tuy nhiên mọi chuyện bắt đầu chệch hướng khi ADAM, một hợp chất hóa học giúp con người thay đổi vẻ ngoài nhờ khả năng tái cấu trúc vật chất di truyền (DNA) ra đời. Steinman coi ADAM là cơ hội để cách mạng hóa lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, giúp các bác sĩ có thể thoải mái “điêu khắc” trên da thịt một cách dễ dàng như cách mà nghệ nhân thao tác trên tác phẩm nghệ thuật vậy. Tốt quá hóa dở, dù ADAM có nhiều lợi ích nhưng nếu lạm dụng trong thời gian dài, nó sẽ khiến thần kinh của người sử dụng bị suy nhược nghiêm trọng và có xu hướng loạn trí.

nhân vật phản diện J.S. Steinman
Bác sĩ nghiện phẫu thuật thẩm mỹ J.S.Steinman

Là một kẻ theo chủ nghĩa hoàn hảo, Steinman yêu thích công việc của mình đến mức điên cuồng, thậm chí hắn ta còn bị ám ảnh với ý tưởng thông qua việc giải phẫu cơ thể con người để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. Bạn biết họa sĩ nào được Steinman hâm mộ nhất hay không? Đó chính là Pablo Picasso và hắn ta luôn ấp ủ tham vọng trở thành một Picasso trong lĩnh vực phẫu thuật. Hậu quả là hầu hết các bệnh nhân xấu số của gã bác sĩ điên đều bị hắn phanh thây thành những mảnh ghép chả khác gì tranh của nhà danh họa nổi tiếng. Bản thân Steinman không hề cảm thấy ghê sợ vì tội ác của mình, thậm chí hắn còn thường xuyên “xem xét” kỹ lưỡng các tác phẩm đã thực hiện để lấy cảm hứng cho lần sáng tác kế tiếp.

Có thể nhiều người sẽ cho rằng ADAM đã tàn phá tâm trí của Steinman quá sức khủng khiếp nhưng thực tế chất hóa học có khả năng tái cấu trúc vật chất di truyền (DNA) này chỉ góp phần thăng hoa cho đầu óc vốn đã không được bình thường của y. Về cơ bản trước khi xuống định cư tại Rapture, bản thân J.S.Steinman cũng đã có vấn đề về tâm lý. Ngay từ khi còn sinh sống ở New York, hắn đã trải qua nhiều cơn ảo giác về việc nữ thần sắc đẹp trong thần thoại Hy Lạp là Aphrodite trò chuyện với mình. Đây có thể là di chứng từ việc lạm dụng cả cocain lẫn ete trong thời gian dài. Khi đặt chân đến Rapture, cảm thấy được giải phóng khỏi những hạn chế của xã hội đương thời, cùng với những tác động tiêu cực lên hệ thần kinh từ ADAM, Steinman tin rằng đã có đủ điều kiện lẫn cơ sở vật chất để tạo ra một nữ thần đúng nghĩa cho riêng mình và bắt đầu góp sức để tạo ra sự kinh hoàng tại thành phố này.

Nếu đọc bài viết này lần đầu tiên và cảm thấy có hứng thú, sao bạn không tìm hiểu thêm trong phần 1 của bài viết Top nhân vật phản diện khiến game thủ vừa sợ vừa… thích vì quá độc tại đây.