Vũ khí trong Ghost of Tsushima và những câu chuyện thú vị ngoài đời thật Update 01/2025

Nội dung của Ghost of Tsushima đưa game thủ trở về Nhật Bản phong kiến vào năm 1273, lúc này quân Mông Cổ vừa thôn tính thành công nước Cao Ly (Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ngày nay) sau 43 năm đánh phá. Không dừng lại ở đó, Kublai Khan (Nguyên Thế Tổ – Hốt Tất Liệt) đã sai em họ của mình là Khotun Khan dẫn binh tấn công đảo Tsushima (Đối Mã). Nhà Nguyên muốn sử dụng đảo Tsushima làm bàn đạp tấn công vào vùng Kyushu và sau đó là toàn bộ đất nước Nhật Bản. Cuộc xâm lăng được khởi đầu bằng sự đổ bộ của 15.000 quân Mông Cổ lên bãi biển Kamado.

Lúc này Tsushima đang được bảo vệ bởi lãnh chúa Shimura cùng cháu trai của mình là Jin Sakai và… 80 samurai dưới quyền. Dĩ nhiên kết quả cuộc chiến hoàn toàn không cân sức này không quá khó đoán khi ngài Shimura bị Khotun Khan bắt đi còn hầu hết các samurai đều tử trận, duy nhất Jin Sakai là còn sống nhờ vào sự giúp đỡ của nữ đạo chích Yuna. Lẩn tránh sự truy lùng của quân Mông Cổ, Jin bắt đầu hành trình giải phóng quê hương khỏi tay bọn ngoại xâm, trong quá trình đó game thủ sẽ được thưởng thức nhiều yếu tố văn hóa cổ truyền Nhật Bản như tinh thần võ sĩ đạo (Bushido) hay tư tưởng Thần Đạo (Shinto) được lồng ghép khéo léo trong trò chơi.

Ghost of Tsushima

Cũng vì tinh thần võ sĩ đạo mà ban đầu Jin Sakai tỏ ra khá “ngốc nghếch” khi thích lao đầu trực diện về phía kẻ thù, bất chấp quân số của chúng đông hơn. Sau này anh nhận ra chiến đấu như vậy rất khó để đánh bại lũ xâm lược nên chấp nhận vi phạm truyền thống samurai để sử dụng các biện pháp chiến đấu bị coi là “hèn hạ” như đâm sau lưng, đánh lén, đánh thuốc mê, dùng độc dược… Chính sự biến hóa trong chiến đấu khiến Jin cứ thoắt ẩn thoắt hiện như một bóng ma và từ đó cái tên Ghost of Tsushima ra đời. Dù có lý do chính đáng tuy nhiên những hành vi đó đã vi phạm truyền thống samurai nên sau khi đánh đuổi được quân Mông Cổ, theo lệnh Thiên Hoàng, lãnh chúa Shimura buộc phải giải tán gia tộc Sakai và quyết đấu một trận sinh tử với Jin vào cuối game nhằm giúp anh được chết một cách vinh dự.

Trở lại với vấn đề hôm nay thì về cơ bản Ghost of Tsushima vốn là tựa game hành động chặt chém thế nên kho vũ khí của Jin Sakai là điều nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng game thủ. Với một samurai, kiếm và cung là những vũ khí thiết yếu dùng để chống lại kẻ thù tuy nhiên bên cạnh phong cách chơi võ sĩ đạo, Sakai còn chấp nhận các phương thức chiến đấu linh hoạt khác. Từ đó chúng ta sẽ có thêm những thứ “đồ chơi” hệ nhẫn giả như phi tiêu, thuốc độc, bẫy và nhiều thứ thú vị khác. Tất nhiên Sucker Punch rất chú trọng đến điều này, thậm chí họ còn phân chia thành hai phong cách chiến đấu khác biệt hoàn toàn gồm: Way of The Samurai và Way of The Ghost để game thủ tùy ý lựa chọn.

Trước khi tìm hiểu về kho vũ khí mà Jin Sakai sử dụng trong game, các bạn có thể xem qua video clip do Mọt thực hiện về chủ đề này ở bên dưới.

Way of The Samurai

Nếu lựa chọn Way of The Samurai trong Ghost of Tsushima, phong cách chiến đấu của Jin Sakai sẽ thiên về những đòn đánh trực diện trước mặt đối thủ. Thoạt nhìn dù bảo vệ được danh dự cũng như lý tưởng võ sĩ đạo nhưng kiểu chiến đấu này nếu gặp số lượng kẻ thù áp đảo thì chẳng khác nào tự sát, nhưng nếu bạn làm chủ được khả năng né tránh lẫn phản đòn bạn sẽ thấy một samurai chân chính khi chiến đấu sẽ đặc sắc như thế nào. Tất nhiên khi lựa chọn phong cách hành xử như một samurai, vũ khí mà Jin sử dụng chủ yếu là Katana hoặc Yumi (bao gồm Daikyu và Hankyu).

Đầu tiên để cho mọi người đỡ bị rối vì cách gọi trong video, vì sao có lúc Mọt gọi là gươm, có lúc gọi là đao có lúc gọi là kiếm thì theo tiếng Nhật, chữ Katana được phiên âm Hán Việt là Đao (刀), hay từ thuần việt gọi là Gươm. Nếu nói về tạo hình thì Đao chỉ có 1 lưỡi, điều này làm cho khi chiến đấu cận chiến, đao có lực sát thương mạnh nhất trong các đòn bổ hay chém. Ngoài ra lúc phòng thủ, một bậc thầy Đao pháp có thể lấy tay đỡ vào sống đao để giảm lực tấn công đến từ đối thủ. Nếu bạn nào là fan của Rurouni Kenshin với thanh gươm lưỡi ngược của anh ta thì sẽ rất dễ hình dung điều này. Còn nếu đã gọi là Kiếm thì bắt buộc phải có 2 lưỡi dù là Kiếm của Tàu hay kiếm của châu Âu đều như vậy.

Ghost of Tsushima

Nhưng oái oăm thay khi bạn học cách sử dụng đao của Nhật thì quá trình này được gọi là Kendo (Kiếm Đạo – 剣道) chứ không ai gọi là Đao Đạo cả. Đây thực sự là một vấn đề ở tầm vũ trụ rồi, nói đùa tí nhưng Mọt có tham khảo nhiều nơi, thậm chí là hỏi cả dân bản xứ tại Nhật, nhưng cũng không ai giải thích được rõ ràng chuyện này, nên thôi chúng ta cứ chấp nhận nó vậy đi. Giờ thì chúng ta cùng đến với kho vũ khí theo dòng võ sĩ đạo của Jin Sakai nào.

Thanh gươm chính mà Jin Sakai luôn đeo bên mình trong Ghost of Tsushima là thanh gươm gia truyền qua nhiều thế hệ của dòng họ Sakai, trước khi xảy ra các sự kiện của Ghost of Tsushima, nó được sử dụng bởi lãnh chúa Kazumasa. Trong một cuộc nổi loạn, ngài Kazumasa đã bị giết bởi một tên cướp trong khi cậu con trai Jin Sakai vì quá sợ hãi nên không dám trợ giúp cha mình. Trong đám tang của Kazumasa, anh rể của ông là lãnh chúa Shimura đã trao thanh kiếm này lại cho Jin đồng thời nhận trách nhiệm dạy dỗ để cháu mình trở thành một samurai thực thụ. Ông chính là người phản ứng dữ dội nhất nếu người chơi lựa chọn để Jin kiên trì với con đường Way of The Ghost.

Ở giai đoạn cuối game, sau khi đánh đuổi được quân Mông Cổ, ông chú sẽ yêu cầu cháu mình hãy chiến đấu một trận sinh tử nhằm vãn hồi danh dự của gia tộc. Thực tế nếu lãnh chúa Kazumasa còn sống, có thể ông sẽ không phản ứng kịch liệt như Shimura bởi theo lời của Yuriko trong nhiệm vụ phụ The Proud Do Not Endure của Act 2, Kazumasa là một người có đầu óc cởi mở, thậm chí dám thử nghiệm những điều mới lạ, vượt ra bên ngoài truyền thống. Bản thân Kazumasa cũng từng than phiền rằng Shimura tuy là một người tốt bụng, đáng tin cậy nhưng đầu óc lại rất cổ hủ và luôn phớt lờ những giá trị tích cực do các ý tưởng phi truyền thống mang lại.

Ghost of Tsushima

Trở lại với thanh Katana gia truyền thì ngoài Tanto, đây là vũ khí cận chiến được Jin Sakai trong suốt trò chơi. Đây là điểm hơi đáng tiếc bởi trong suốt quá trình trải nghiệm Ghost of Tsushima chúng ta có thể thấy được nhiều loại binh khí khác được xuất hiện như thanh Naginata (hay còn gọi là Thế Đao hoặc Trường đao) của Norio hay thậm chí là khiên và giáo của lính Mông Cổ. Ngoài hình dáng cơ bản, thanh Katana của Jin cũng có thể được thay skin với tên gọi Sword Kit nhưng chúng chỉ có tác dụng làm đẹp mà không ảnh hưởng đến lối chơi. Skin chỉ có thể nhận được thông qua việc khám phá và đánh dấu các địa điểm Pillars of Honor trên bản đồ chứ không cần nạp tiền mua như một số dòng game hút máu khác.

Nếu chỉ xét về mặt lịch sử thuần túy thì Katana chắc chắn chưa từng xuất hiện trong cuộc xâm lược Nhật Bản của nhà Nguyên vào năm 1274. Dù bản thân danh từ “Katana” từng xuất hiện từ rất sớm vào thời kỳ Mạc phủ Kamakura (1185-1333) tuy nhiên loại vũ khí đại diện cho nó không được sử dụng phổ biến trong chiến tranh mãi cho đến tận thời kỳ Chiến Quốc Sengoku (1467-1615). Thực tế loại đao mà các samurai tại Tsushima sử dụng trong cuộc đấu tranh xâm lược của Mông Cổ gọi là Tachi (Thái Đao), vốn được rèn đúc vào giai đoạn đầu những năm 900.

Ghost of Tsushima

Khác biệt lớn nhất giữa Tachi và Katana nằm ở chiều dài phổ biến cũng như cách chúng được đeo trên obi (một dạng thắt lưng vải để mặc trang phục kimono truyền thống của người Nhật). Một thanh Katana thường dài khoảng 60cm, được mài bén lưỡi kiếm theo chiều hướng lên phía trên. Trong khi Tachi có chiều dài đến 80cm và lưỡi hướng xuống dưới. Trong phiên bản tiếng Nhật của Ghost of Tsushima, thanh kiếm của Jin Sakai được gọi bằng tên chính xác tuy nhiên có thể do ảnh hưởng quá nhiều từ các bộ phim điện ảnh về samurai khiến khán giả đại chúng cũng khó mà phân biệt chính xác thế nào là Tachi và Katana thế nên mới có sự trớ trêu như vậy. 

Tóm lại văn hóa cổ truyền nói chung và các món vũ khí xa xưa của Nhật Bản nói riêng khá là phức tạp và khiến người ta cảm thấy đau đầu mỗi khi muốn tìm hiểu. Ngoài vụ phân biệt giữa Katana cùng Tachi, còn nhiều tình huống lộn xộn khác như Tanto và Shoto (dạng kiếm ngắn như Wakizashi và Kodachi) hay Odachi và Daisho (dạng kiếm dài tương tự Katana và Tachi). Nghe đồn khi phát triển Ghost of Tsushima, Sucker Punch cũng không ít lần bị rối não nên đã cẩn thận đến mức sử dụng từng loại vũ khí thật trong quá trình thực hiện các tính năng liên quan đến cơ chế chiến đấu từ đó tạo cảm giác chân thực nhất cho game thủ khi trải nghiệm các đường kiếm trong trò chơi.

Sách Ngụy Thư thời Tam Quốc của Vương Thẩm từng mô tả rằng binh sĩ nước Oa (tên gọi ngày xưa của Nhật) sử dụng vũ khí gồm “giáo, khiên và cung tên bằng gỗ”. Cho nên có thể xác định được rằng cung tên (Yumi) đã xuất hiện tại Nhật Bản ít nhất từ thế kỷ thứ 3 sau công nguyên. Trong quá trình phát triển dần được phân chia thành hai loại gồm Daikyu (Đại Cung) và Hankyu (Bán Cung). Với lịch sử lâu đời của đất nước mặt trời mọc, cách thức sử dụng cung tên hay Kyudo (Cung Đạo) từ một kỹ năng chiến đấu quan trọng của các samurai trong thời kỳ phong kiến, đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản. Có thể nói trong các trận chiến ngày xưa, bên cạnh đao kiếm thì kỹ thuật sử dụng cung tên vô cùng được chú trọng bởi khả năng tấn công kẻ thù từ khoảng cách xa. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của thời đại, vũ khí này bắt đầu bị thất sủng khi các thương gia Bồ Đào Nha bắt đầu đến Nhật làm ăn vào thế kỷ 16.

Ghost of Tsushima

Bên cạnh hàng hóa tiêu dùng những con buôn này cũng mang đến nhiều loại vũ khí tối tân khác nhau bao gồm Tanegashima (súng hỏa mai). Với ưu điểm gọn nhẹ dễ sản xuất và sử dụng, lại không đòi hỏi quá trình tập luyện lâu dài như cung tên, Tanegashima nhanh chóng trở thành hàng hot khi các lãnh chúa thi nhau chạy đua vũ trang, trực tiếp khiến cho việc sử dụng cung tên bước vào giai đoạn thoái trào. Không muốn nhìn thấy nét văn hóa cổ truyền của đất nước bị mai một, những người yêu mến Cung Đạo tại Nhật đã tập hợp lại với nhau để duy trì Kyudo. Cho đến năm 1949 thì Liên đoàn cung đạo Nhật Bản chính thức được thành lập, biến nó trở thành một môn thể thao chính thức với hệ thống thi đấu và các quy trình theo chuẩn mực như hiện tại.

Trong Ghost of Tsushima, tinh hoa Cung Đạo được thể hiện rất rõ nét qua cốt truyện về bậc thầy Ishikawa và nàng đệ tử nổi loạn Tomoe. Thực tế kỹ năng Cung Đạo của những samurai vẫn tuân thủ đầy đủ 8 bước như cách bắn cung thông thường nhưng để đạt tới mức “bách phát bách trúng” như Ishikawa hay Tomoe trong game thì người sử dụng phải có trạng thái thể lực, tinh thần thoải mái nhất kết hợp với tính kỷ luật và kỹ năng tập trung cao độ. Do đó dù Tomoe có truyền dạy bí kỹ này lại cho đội cung thủ Mông Cổ nhưng rõ ràng việc thay cung ngắn xạ kỵ thành trường cung Nhật Bản không hề giúp quân Mông Cổ mạnh hơn mà thậm chí còn làm chúng khó xoay sở hơn khi thao tác trên lưng ngựa.

Có hình dáng tương tự như Daikyu (Long Bow), Hankyu trong Ghost of Tsushima được gọi là Half Bow. So với Daikyu thì rõ ràng Hankyu có tầm bắn và sát thương thấp hơn đồng thời không có khả năng xuyên qua áo giáp của kẻ địch. Bù lại tốc độ bắn, số lượng tên và khả năng sử dụng vũ khí khi đang cúi thấp người là ưu điểm cho những ai thích vũ khí hệ cơ động. Cũng bởi vì tốc độ bắn cao và khả năng tùy cơ ứng biến, trong một số trường hợp nhất định, Hankyu cũng được dân chơi hệ thích khách tin dùng như một loại vũ khí chuyên dụng để ám sát ở tầm trung.

Nếu muốn sở hữu sớm Half Bow thì ngay từ đầu game người chơi cần chú ý bởi nó diễn ra cùng thời điểm với nhiệm vụ chính The Tale of Lady Masako. Theo đó nhiệm vụ phụ The Tale of Sensei Ishikawa nằm trong chuỗi nhiệm vụ liên hoàn kéo dài cả game nói về cuộc săn đuổi kẻ phản đồ của sư phụ Ishikawa, người sau này sẽ dạy Jin thuật xạ tiễn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Jin sẽ nhận được cây cung ngắn. Như đã nói ở trên Half Bow có tốc độ lắp tên, tốc độ bắn và sát thương mạnh đối với những kẻ địch không trang bị áo giáp. Nhìn chung Half Bow khá mạnh ở đầu game nhưng bắt đầu bộc lộ điểm yếu từ giữa game dù đã nâng cấp hết cỡ hoặc sử dụng tên lửa.

Way of The Ghost

Nếu nói theo cách dân dã thì Way of The Samurai chính là “xù lông xông lên” còn Way of the Ghost là trường phái âm thầm chơi lén của những game thủ hệ núp lùm tuy nhiên khi đánh boss thì bạn vẫn buộc phải giáp mặt tay đôi chứ không thể ám sát được. Lý do hình thành Way of the Ghost bởi vì trước lực lượng quân địch quá đông và hung hãn, Jin phải lựa chọn từ bỏ lối chiến đấu danh dự theo kiểu mặt đối mặt của samurai để trở thành một “bóng ma” phía sau hàng ngũ kẻ địch. Tất nhiên bản thân anh cũng không hề ưa thích điều này nhưng tình thế bắt buộc bởi thủ lĩnh quân Mông Cổ là Khotun Khan hiểu rất rõ về danh dự của samurai.

Hắn cũng thừa biết về sự ngoan cường lẫn ngoan cố của những chiến binh Nhật Bản và lợi dụng điều đó để giành thắng lợi trong mỗi trận chiến. Khi chiến đấu theo phong cách Way of the Ghost, Jin sẽ chủ động ẩn nấp để trở thành một thích khách chuyên ám sát kẻ địch nhân lúc chúng chưa có sự phòng bị. Không cảnh báo, không đối mặt, chủ yếu tấn công từ phía sau cùng với cách ra đòn nhanh chóng, gọn gàng để kẻ thù không có bất cứ cơ hội phản kháng nào. Rõ ràng Way of the Ghost cực kỳ tiện lợi khi xử lý kẻ địch nhưng đồng thời nó cũng khiến Jin vứt bỏ danh dự của một samurai chân chính và cảm thấy day dứt trong suốt quá trình chiến đấu. Khi lựa chọn phong cách ẩn thân, vũ khí mà Jin sử dụng sẽ bao gồm Kunai, Tanto, hỏa dược, thuốc độc và nhiều thứ bàng môn tà đạo khác.

Trước khi manga và anime Naruto được phủ sóng ở khắp mọi nơi, chỉ có những người đam mê văn hóa Nhật hay sự huyền bí của các Nhẫn Giả mới có khái niệm nhất định về loại vũ khí này. Thường làm từ thép và hình dáng giống cái nêm, Kunai là tên gọi của loại dao găm nhỏ thường được các ninja mang theo nhiều bên mình vì có nhiều tác dụng hữu ích. Có độ dài từ 20cm đến 30cm với phần cán được tạo hình vòng tròn ở chuôi để buộc dây thừng. Trái với suy nghĩ thông thường của mọi người khi xem Naruto, ngoài đời thật Kunai không được tạo ra để làm vũ khí ném vì trọng lượng đáng kể cùng trọng tâm không cân bằng. Thay vào đó, người ta sử dụng nó chủ yếu như một công cụ hoặc vũ khí để đâm. Ngoài ra, cũng có rất nhiều cách sáng tạo hay ho như sử dụng Kunai để giăng bẫy kẻ thù hay đánh lạc hướng đối thủ.

Có lẽ hơi khó tin nhưng một trong những công dụng chính khi người ta tạo ra Kunai đó là hỗ trợ cho việc đào tường khoét vách. Vào thời kỳ phong kiến, bất kể trong giai đoạn chiến tranh hay hòa bình, lực lượng ninja luôn đóng vai trò như các đơn vị mật thám hay gián điệp thời hiện đại. Chính vì lẽ đó mục tiêu chính của họ là bí mật xâm nhập vào lãnh địa của đối phương nhằm thu thập tin tức mang về cho lãnh chúa chứ không phải chiến đấu công khai như các samurai. Trong hoàn cảnh đó, Kunai được các Nhẫn Giả xem như công cụ hỗ trợ và sử dụng nhiều trong quá trình đào đất và tạo lỗ trên tường để trốn thoát hoặc ẩn nấp. Cho nên đừng hiểu lầm bởi dù hình dạng rất giống dao găm nhưng chức năng ban đầu của nó là… xẻng đào đất phiên bản thu gọn chứ không phải vũ khí để tấn công.

Trong Ghost of Tsushima, Kunai là loại vũ khí hiệu quả nhất định trong các phi vụ ám sát khi có thể trực tiếp kết liễu những kẻ địch đã thấp máu. Với những kẻ địch di chuyển theo đám đông, Kunai còn có tác dụng gây choáng nhẹ giúp người chơi tranh thủ thời gian quyết định lao vào tiêu diệt đối thủ hoặc bỏ trốn tùy tình huống cụ thể.

Trong Ghost of Tsushima, ở thời điểm ban đầu, Tanto không có tác dụng gì ngoài việc phối hợp với Katana để trở thành một bộ vũ khí. Tuy nhiên sau khi thực hiện nhiệm vụ The Warrior’s Code trong Jin’s Journey, anh ta sẽ học được kỹ năng sử dụng Tanto để ám sát kẻ thù ở tầm gần thông qua thao tác nhấn nút nhanh theo kiểu Quick Time Event.

Tanto còn có tên gọi khác là đoản đao nhưng có tác dụng khác hoàn toàn với các loại vũ khí ngắn khác như Wakizashi (Hiếp Sai Đao) hay Kodachi (Tiểu Thái Đao). Ban đầu Wakizashi không được dùng để xác định danh tính hay độ dài cho bất cứ loại đao kiếm cụ thể nào bởi bản thân nó chỉ là phiên bản rút gọn của “wakizashi no katana” ([đao] đâm vào hông), một khái niệm được sử dụng cho mọi loại đao. Wakizashi bắt đầu sử dụng phổ biến vào khoảng thế kỉ 16, vào thời kỳ Edo, khi tầng lớp thống trị quyết định chuẩn hóa lại khái niệm về đao kiếm đồng thời xác định rõ những giai cấp nào được phép mang vũ khí công khai. Kể từ thời điểm đó, mới bắt đầu xuất hiện nhiều tên gọi riêng biệt cho từng loại vũ khí như ngày nay.

Về phần Kodachi thì trong tiếng Nhật nó có nghĩa là (thanh kiếm) Tachi nhỏ hoặc ngắn. Khác với Wakizashi, Kodachi xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử khi được nhắc đến từ đầu thời kỳ Mạc Phủ Kamakura nhưng thường xuyên bị dân ngoài nghề nhầm lẫn với nhau bởi hình dáng, độ dài cũng như kỹ thuật rèn đúc. Tuy vậy định nghĩa của hai loại binh khí này hoàn toàn khác biệt, trong khi Kodachi có chiều dài cố định và được xem là trang bị chính thì Tanto hay Wakizashi chỉ là vũ khí phụ được sử dụng cùng với một thanh kiếm dài. Mặc dù được định nghĩa như vậy nhưng thực tế tác dụng của Kodachi đến nay vẫn không mấy rõ ràng bởi nó quá ngắn để được xem là một thanh kiếm đúng nghĩa nhưng cũng quá dài so với kích thước của đoản đao.

Về phần Tanto thì đây rõ ràng là một thanh đoản đao với chiều dài rất khiêm tốn. Cũng bởi chiều dài như vậy nên Tanto phải được kết hợp chung với Katana để tạo thành một cặp binh khí. Theo nghiên cứu, loại vũ khí này vẫn có thể sử dụng trong chiến đấu. Tuy nhiên các samurai lại thường hay dùng Tanto cho nghi thức Seppuku (mổ bụng) nhiều hơn, khi họ muốn khẳng định lòng trung thành hoặc danh dự của bản thân. Bên cạnh những tác dụng trên thì Tanto cũng được vợ của những samurai dùng để tự sát nhằm bảo toàn danh tiết khi cần thiết.

Trong gần 1.000 năm, loại chất nổ được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới chính là thuốc súng. Về cơ bản thuốc súng là hỗn hợp hóa học của lưu huỳnh, than củi và kali nitrat (KNO3), được các nhà khoa học xem như một dạng chất nổ sơ khai có năng lượng yếu. Tuy nhiên nếu tạo ra phản ứng cháy của thuốc súng trong không gian kín, nhiệt lượng và áp suất sẽ tạo ra năng lượng nổ, đủ để phá tung mọi thứ hay cụ thể hơn là tạo ra lực đẩy viên đạn bay khỏi nòng súng. Với sức phá hoại như vậy, có thể nói trước năm 1847, khi một nhà hóa học người Ý tên Ascanio Sobrero thử nghiệm pha trộn glycerol với acid nitric và sulphuric để tạo ra nitroglycerin thì thuốc súng là nỗi kinh hoàng lớn nhất trong mỗi cuộc chiến.

Theo lịch sử ghi lại thì thuốc súng hay hỏa dược được phát minh ở Trung Quốc vào thế kỷ 9, bắt đầu được sử dụng rộng rãi cho nhiều mục đích ở các vùng thuộc châu Á và châu Âu vào cuối thế kỷ 13. Có thể nói quá trình phát minh ra thuốc súng cũng khá tình cờ, tương tự như việc các nhà giả kim châu Âu tìm cách điều chế đá phục sinh rồi phát hiện ra những nguyên tố hóa học vậy. Vốn dĩ các đạo sĩ Trung Hoa muốn chế tạo ra loại đan dược giúp con người trường sinh bất lão. Tuy nhiên với kiến thức khoa học hạn chế ở thời điểm đó, thay vì thuốc bổ họ lại tạo ra toàn là… thuốc độc. Trong các cuộc nghiên cứu khảo cổ những ngôi mộ quý tộc xây dựng từ thời Đông Tấn cho thấy, thành phần đan dược để bồi táng bao gồm 60% thủy ngân, 10% lưu huỳnh và 30% còn lại được làm từ các chủng loại dược liệu kỳ quái không rõ là gì.

Dĩ nhiên không một ai trên đời uống kim loại nặng như thủy ngân với lưu huỳnh mà trường sinh bất tử được nên 100% người sử dụng “tiên đan” đều thiệt mạng. Đó là một câu chuyện buồn nhưng ít nhất cũng có một điểm tích cực bởi trong quá trình nghiên cứu đan dược các pháp sư Trung Hoa đã vô tình chế tạo ra một thứ góp phần to lớn vào việc thay đổi lịch sử nhân loại mang tên thuốc súng. Theo thời gian nghiên cứu, các thuật sĩ dần nắm rõ cách thức chế tạo cũng như sử dụng thuốc. Theo ghi nhận của lịch sử, thứ đồ chơi nguy hiểm này được sử dụng lần đầu tiên cho mục đích chiến tranh vào khoảng thế kỷ thứ 10. 

Trong thời kỳ cực thịnh của nhà Ðường, dưới sự trị vì của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, các nghiên cứu về quốc phòng được khuyến khích mạnh mẽ. Thậm chí từng xuất hiện hai loại vũ khí sử dụng thuốc súng khá hiện đại là hỏa tiễn tầm gần và mũi tên mang thuốc nổ là kết quả từ các cuộc nghiên cứu đó. Hơn trăm năm sau, trong các cuộc chiến tranh liên miên giữa các thế lực Tống, Liêu, Tây Hạ, Kim và đặc biệt là Mông Cổ đã góp phần thúc đẩy quá trình nghiên cứu cũng như sáng chế ra các loại vũ khí sử dụng thuốc súng một cách nhanh chóng. Về phần Nhật Bản, do đã tạo dựng được mối quan hệ bang giao từ rất sớm với Trung Hoa thế nên không có gì bất ngờ nếu kỹ thuật chế tạo và sử dụng thuốc súng được truyền bá đến nơi đây.

Trong Ghost of Tsushima các loại hỏa dược như bom, bom dính, bom khói và pháo đánh lạc hướng đều là những ứng dụng thực tiễn từ thuốc súng. Tất nhiên sức công phá của chúng được gia giảm ít nhiều cho phù hợp bởi cơ bản đây vẫn là một game hành động chặt chém chứ không phải hành động bắn súng. Sẽ là một câu chuyện rất kỳ lạ và hoang đường nếu Jin Sakai thay vì dùng đao kiếm hay cung tên xử lý kẻ địch thì lại dùng rất nhiều thuốc nổ để thổi bay cả đạo quân Mông Cổ.

Nhìn chung khi lựa chọn làm thích khách trong Ghost of Tsushima thì điều khó chịu duy nhất với người chơi có lẽ là sự răn dạy rất thường xuyên của lãnh chúa Shimura. Sau khi được giải cứu khỏi đám Mông Cổ thì ông chú này luôn xuất hiện và thuyết giáo nhân vật chính với những tư tưởng như “tinh thần võ sĩ đạo bất diệt” hay “danh dự chính là đối mặt với kẻ thù”. Đây là một trong những điều mà các samurai bị cả thế giới hiểu lầm nhiều nhất. Đến nỗi vào đầu thế kỉ 20 nhà văn Inazo Nitobe đã hết chịu nổi và phải viết ra cuốn sách Bushido: The Soul of Japan, để giải thích rất nhiều điều mà dân ngoại quốc hay áp đặt lên samurai mặc dù trong thực tế chiến đấu thì samurai không nhất thiết phải làm như vậy.

Một trong những điều mà Bushido: The Soul of Japan đề cập chính là samurai cũng dùng mưu hèn kế bẩn, cũng biết hạ độc hay ném lựu đạn khi cần thiết, miễn là nó mang đến thắng lợi. Nói thẳng ra là samurai sẽ làm mọi cách để giành chiến thắng và chỉ có chiến thắng mới đem lại vinh quang cho gia tộc cũng như Thiên Hoàng, thế nên là mọi phương cách kể cả là tàn bạo hoặc dã man, thậm chí là đâm trộm chém lén sau lưng kẻ địch cũng không thành vấn đề. Còn khái niệm danh dự samurai phải thế này thế kia có lẽ phần nhiều đến từ những các tác phẩm văn học hay điện ảnh và được thần thánh hóa quá mức mà thôi.