Game kinh dị giống như món mỳ cay vậy, biết ăn là sẽ đau khổ nhưng không thể nào ngừng ăn, không thể nào cố gắng để “tăng cấp”. Tuy nhiên, không phải ai cũng có tinh thần thép để chơi một chiếc game kinh dị dài thật dài với tần số đau tim và căng não mỗi lúc một tăng cao (hãy thử marathon The Evil Within hay Outlast các phần là các ông sẽ hiểu).
Chính vì thế, đôi lúc những tựa game kinh dị vừa phải, vẫn đủ các món ăn chơi nhưng cốt truyện không quá lớp lang mà tập trung vào trải nghiệm “sợ” thật chân thật, thật nhanh chóng sẽ là lựa chọn tuyệt vời vào những ngày dân chơi thèm một chút thú đau thương. Và The Night Way Home chính là một chiếc game như thế.
The Night Way Home và nhà sản xuất Chilla’s Art
The Night Way Home với tựa tiếng Nhật là 帰り道 được sản xuất bởi hãng game độc lập Chilla’s Art. Đây là một hãng game độc lập ở Nhật, được sáng lập và vận hành chỉ bởi hai anh em. Điểm đặc biệt nhất của những game của Chilla’s Art nằm ở chỗ:
Cũng như tất cả những tựa game trước đó từ Chilla’s Art, The Night Way Home có cách chơi đơn giản: thu thập vật phẩm, tìm chỉ dẫn, chạy trốn quái vật. Không có quá nhiều thứ mà bạn có thể làm trong game, gần như gameplay hoàn toàn nhằm để phục vụ cho việc xây dựng không khí và kể câu chuyện trong game.
Một trong những tựa game gần đây khá nổi của Chilla’s Art mà có thể mọi người đã biết chính là Night Delivery. Nếu bạn đã chơi qua Night Delivery thì có thể nắm khá rõ phong cách và thể thức vận hành của The Night Way Home rồi. The Night Way Home hiện đang được sale off trên Steam đến 10%, anh em có thể cân nhắc để rước ẻm về trải nghiệm. Ngoài ra, để cập nhật những artwork và thông tin về những dự án khác của Chilla’s Art, thì đây là twitter chính thức của họ: Chilla’s Art|チラズアート.
Sau khi tìm hiểu sơ lược về The Night Way Home và NSX Chilla’s Art, các bạn có thể xem cốt truyện của trò chơi này do Mọt thực hiện trong video clip bên dưới:
Cốt truyện The Night Way Home
Nhân vật chính của The Night Way Home là một nữ sinh tên Rina. Bắt đầu vào một buổi sáng bình thường, Rina tỉnh dậy với sự chán chường thường nhật khi nhận ra chỉ có một mình ở nhà. Người mẹ của cô không như những người mẹ khác mà chúng ta hay gặp trong phim ảnh truyện tranh, sẽ chuẩn bị bữa sáng cho con mình, chúc con một ngày tốt lành. Mẹ Rina đã đi từ sớm. Rina uể oải xuống nhà thì bắt gặp tin tức trên thời sự, nói về một vụ nữ sinh bị mất tích.
Theo thông tin từ thời sự, một nữ sinh trung học tên Setsuna Funamori đã mất tích trên đường về nhà sau khi đi học thêm, thời gian mất tích ước chừng là lúc 8 giờ tối. Rina vì trễ học nên chỉ kịp vội vàng đến trường. Trong giờ giải lao, Rina cùng bạn mình tán gẫu về sự kiện đáng buồn của nữ sinh nọ. Cô bé ấy là học sinh trường kế bên trường họ. Đến hiện tại vẫn chưa tìm được tung tích nữ sinh ấy. Theo những gì góp nhặt được, cô bé có thể bị mất tích trong ga tàu điện. Lần cuối cùng bạn bè nhìn thấy cô bé là khi họ chia tay nhau ở ga tàu.
Tuy nhiên mọi chuyện có lẽ không đơn giản khi sự thực được hé lộ là Setsuna ngay từ đầu đã không muốn về nhà. Họ phỏng đoán rằng rất có khả năng cô ấy đã cố tình bỏ nhà ra đi, vì có tin đồn rằng Setsuna đã bị bạo hành bởi chính gia đình của mình. Rina lập tức tỏ thái độ thông cảm và chính cô cũng bảo là “Nếu là tớ thì tớ cũng muốn bỏ nhà ra đi.”
Câu chuyện về nữ sinh nọ cứ quẩn quanh trong suy nghĩ của Rina cho đến tận khi cô trên đường đi về nhà. Cô cứ nghĩ mãi đến chuyện Setsuna không muốn về nhà, cô cảm thấy đồng cảm vì chính Rina cũng vô cùng cô độc khi trở về mái nhà của chính mình, nơi có người mẹ lạnh nhạt và theo như lời Rina nói, không hề yêu thương hay thích cô.
Ngay sau đoạn này của The Night Way Home, chúng ta sẽ theo chân Rina chính thức bước vào game khi đi xuống ga tàu điện ngầm. Không khí và khung cảnh bên dưới đối lập hẳn với bên trên. Nếu từ đầu đến giờ màu sắc trong găm tươi sáng rực rỡ, thì giờ khi vừa đặt chân xuống bên dưới ga tàu điện, bạn sẽ liền cảm thấy sự u ám và quỷ dị khi mọi thứ đều tối mù lại, với một làn sương lờ nhờ lạnh lẽo bao trùm.
Cô bé đi loanh quanh trong ga tàu điện vắng hoe đến đáng ngờ, dù trong lòng tự nhủ đã trễ rồi phải về nhà thôi, nhưng mỗi khi bạn điều khiển Rina đến lối ra thì cô sẽ lại bảo vẫn chưa muốn về nhà (?!). Trong khu vực sẽ có những buồng điện thoại công cộng (chốt để save game), Rina sẽ phải đi đến phòng vệ sinh nữ vì cô cần đi vệ sinh. Nhưng khi bước ra khỏi buồng vệ sinh, cô sẽ bắt gặp một cô gái tóc dài đứng khóc thút thít trong góc.
Tiếng khóc của cô nữ sinh này nghe rất quái dị, nó vừa réo rắt lặp đi lặp lại, vừa nhiều lúc nghe giống như… tiếng cười? Rina lân la lại gần và hỏi thăm cô ấy có ổn không, vì sao lại đứng khóc ở đây. Cô ta trả lời rằng vì mình không muốn về nhà, Rina liền cảm thấy đồng cảm nên cũng bảo bản thân mình cũng không muốn về nhà. Đột nhiên cô ta bảo, chúng ta thật giống nhau. Dường như đã nhận ra được gì bất thường, Rina mới bảo “Nhưng tớ phải về nhà thôi…”
Chỉ tiếc, có lẽ mọi thứ đã quá muộn, cô gái kia liền nói “Cậu không được đi khỏi đây.” rồi đột ngột quay lại, mỉm cười nham hiểm và chụp lấy tay Rina.
Mọi thứ sau đó đều trở nên trống hoác. Rina lờ mờ tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trên sàn phòng vệ sinh đầy những vết đen đúa đáng sợ. Phía trước mặt là cây đèn pin, Rina lượm lấy nó và từ đây, hành trình về nhà đầy cam go của cô bắt đầu. Khi bước ra ga tàu, trời bên ngoài đã tối hẳn. Màn đêm bao phủ từng ngóc ngách làm chúng trở nên sâu hun hút và đầy nguy hiểm. Một thanh đo độ hoảng loạn (PANIC) sẽ xuất hiện phía trên màn hình. Nếu Rina đi lòng vòng trong bóng đêm quá lâu, thanh này sẽ tăng lên nhanh và khi đến cực hạn, Rina sẽ rơi vào trạng thái nguy hiểm khi không thể di chuyển nhanh lẹ, dễ té ngã, đồng thời dễ dàng bị đánh hơi bởi linh hồn tà ác. Và linh hồn đó trông như thế này.
Nếu tinh ý, bạn sẽ nhận ra ngay hồn ma trong The Night Way Home có nhiều điểm tương đồng với cô gái mà Rina đụng độ trong phòng vệ sinh khi nãy: mái tóc dài, bộ đồng phục với váy caro. Chỉ khác bây giờ cô ta cao lều khều, thường xuyên đuổi theo bạn với tốc độ bàn thờ, và phát ra âm thanh kẽo kẹt như tiếng kéo cửa nhức óc. Tất cả mọi cửa trong khu vực đã khóa, để trốn thoát khỏi đây thì nhiệm vụ trước mắt của Rina sẽ là đi tìm chìa khóa dự phòng của bảo vệ nằm ở khu tủ khóa phía Tây nhà ga. Tất nhiên, dưới sự truy sát của con ma này.
Một điểm thú vị là Rina sẽ không chết, dù bị con ma này tấn công trực diện. Cô sẽ chỉ mất rất nhiều thời gian để di chuyển, vì vậy để dễ dàng làm được nhiệm vụ bạn phải giúp Rina tránh xa con ma hết sức để không bị làm phiền. Phải. Chúng ta chỉ có thể chạy đến chỗ sáng mà thôi. Thứ khiến tâm trí bạn dễ dàng phát điên lúc này chính là mò mẫm trong một khu vực tối tăm, trông na ná nhau và có nguy cơ đâm đầu vào một con ma có thú vui chơi ú òa khiến tim bạn nhảy lambada hết lần này đến lần khác.
Một khi đã tìm đến được khu tủ khóa ở phía Tây nhà ga, bạn sẽ thấy mẩu giấy có ghi một dãy số bằng mực đỏ. Bạn sẽ phải điều khiển Rina đi tìm chiếc buồng điện thoại (nằm gần khu nhà vệ sinh ở đầu game) để gọi dãy số này. Dù có người bắt máy nhưng tuyệt nhiên không có ai trả lời bạn đâu, chỉ có cánh cửa tủ khóa nơi bạn tìm ra mẩu giấy sẽ tự động được mở ra với chìa khóa dự phòng trong đó.
Sau khi có được chùm chìa khóa, chúng ta sẽ phải giúp Rina tìm được phòng bảo vệ (Security Room). Căn phòng này là một cánh cửa nhỏ rất dễ bỏ lỡ nằm ở hành lang phía Tây phòng tủ khóa nơi chúng ta tìm ra chùm chìa khóa.
Trong phòng bảo vệ, Rina sẽ phải tìm đến bảng điều khiển để mở cửa sập đóng cổng nhà ga, giúp cô bé có thể thoát khỏi tầng hầm này. Sau khi xong xuôi, đi ra khỏi phòng bảo vệ và lần nữa, chạy trốn con ma để tìm về phía lối ra ở đầu game, nơi có cầu thang đi lên mặt đất với những chốt soát thẻ tàu chặn ngang (ban đầu bạn sẽ không đi qua được, nhưng giờ thì đã có thể). Rina thoát khỏi tầng thấp nhất, bắt đầu thử thách tiếp theo là đi tìm xe đạp ở trong bãi giữ xe.
Cơ chế của các phần chơi trong The Night Way Home tương đối giống nhau. Trong từng tầng của bãi xe sẽ có những khu vực tối và những khu vực được đèn chiếu sáng. Hãy đảm bảo Rina giữ được bình tĩnh thật lâu để lục lọi nhiều tầng của bãi giữ xe, xe đạp của cô bé bị để ở một xó xỉnh tận những tầng bên dưới của bãi giữ xe. Rina phải đi khắp các tầng xe, và trên đường đi có thể đụng độ con ma quen thuộc hoặc những linh hồn trong các cầu thang thoát hiểm giữa các hầm.
Khi tìm đến được một khu vực có ánh sáng xanh lá, với hàng rào và dòng chữ parking lot thì Rina đã tìm được đúng chỗ để xe đạp của mình rồi đấy. Nhưng đừng chớ vội mừng, vì bạn phải xem xét tình trạng của chiếc xe ấy lúc này nữa.
Chiếc xe đạp màu hồng của Rina đã bị phá hỏng, rõ ràng cô không thể dùng nó để về nhà được nữa. Rina bật khóc rấm rứt, vì sau bao nhiêu khó khăn để tìm được chiếc xe nhưng rốt cuộc cô vẫn sẽ phải tiếp tục chiến đấu với bóng tối. Lúc này, cánh cửa sập bất thình lình hé mở ra. Rina nhận thấy mình hoàn toàn chui qua khe hở đó để ra ngoài, đây chưa phải là kết thúc cho cô.
Rina theo lối này để ra khỏi khu nhà ga điện ngầm. Tuy nhiên, có lẽ sẽ vội mừng khi nghĩ rằng mình đã thoát vì đường về nhà còn xa lắm, mà thành phố bên trên cũng không có vẻ bình thường như mọi khi nữa. Thứ đầu tiên Rina sẽ bắt gặp khi bước ra ngoài là một điện thần, cô thầm nhủ sẽ phải bắt xe buýt để về nhà vì không thể nào đi bộ nổi. Đồng thời, Rina sẽ nhận được một cây phất trần trừ tà (harae) và từ giờ Rina đã có thể chống trả lại linh hồn tà ác kia.
Đi ra khỏi khu điện thần với cây phất trần trong tay, bây giờ Rina bước qua một cửa ải khác: lang thang trên một dãy phố đen kịt và mờ mịt tựa như game Silent Hill, tìm kiếm những đồng tiền lẻ rơi vãi trên đường để có thể đi xe buýt về nhà. Như vòng chơi dưới ga tàu, bạn có thể save game khi cho Rina đến tương tác với những buồng điện thoại công cộng trong khu vực. Những ngọn đèn đường cũng rất quan trọng để giúp Rina bình tĩnh lại, và lúc này Rina đã có thêm cây phất trần trừ tà để dễ dàng đuổi hồn ma đáng sợ kia đi. Mỗi khi dùng năng lực của cây phất trần, ánh sáng từ ngọn đèn pin trên tay Rina sẽ chuyển thành màu xanh.
Số tiền mà Rina cần có để mua được vé xe bus trở về nhà là 400 yên. Để tìm đủ số tiền này, cô bé phải đi đến các ngõ vắng và tối trong khu vực, nơi giữa các tòa nhà và thường có máy bán hàng tự động. Lượm đủ 4 đồng 100 yên thì Rina đã có thể lên được xe bus.
Trong lúc đi tìm đồng xu, Rina có thể lần nữa gặp lại hồn ma đứa bé gái trong cầu thang thoát hiểm ở chỗ hầm xe. Cô bé đúng trong một con ngõ tối không đèn đường và rất dễ bị bỏ qua.
Tiếp nối cốt truyện The Night Way Home, Rina sẽ lên được xe buýt và trở về khu phố buôn bán. Khu phố này cũ kỹ và đầy rác rến, những bức tường dài hẹp phủ đầy rêu mốc. Chưa hết, ở màn chơi này, Rina bị buộc phải để lại cây phất trần đã giúp cô xua đuổi hồn ma ngay từ đầu khi cô vừa xuống xe bus. Và linh hồn cô bé gái quen thuộc cũng xuất hiện ở chỗ dễ thấy hơn hẳn những đoạn trước.
Cả ba lần gặp mặt cô bé này luôn nói về những ký ức buồn liên quan đến mẹ mình. Đây là một chi tiết đặc biệt thú vị mà Mọt tui sẽ giải thích kỹ hơn ở đoạn sau. Điều kinh khủng không ngoài dự đoán, hồn ma tóc dài quái quỷ kia vẫn theo chân Rina đến tận đây và quan ngại hơn, nó đã tự update cho mình skill mới: bò trên mặt đất.
Rina cần thoát khỏi khu vực này bằng cách tìm lấy chiếc chìa khóa ở sân chơi cát của trẻ em, dùng nó để mở cổng cánh cửa sắt nằm ẩn giữa các dãy tường sau nhà chật hẹp. Khi chạy được khỏi khu vực gần trạm xe buýt này, Rina ra đến một khu vực có nhiều cây cầu bắc ngang, thoáng đãng trống trải hơn. Khi đến đây, Rina sẽ thấy linh hồn đứa bé gái một lần nữa.
Ở đây, Rina cần phải đi qua một bãi giữ xe để đến được khu vực gần đường ray tàu chạy qua. Đoạn chơi này nghe dễ nhưng vô cùng mất thời gian, vì điều kỳ lạ xảy ra khi mỗi lần Rina đến gần để băng qua thanh chắn đường ray, ma nữ dài thòng kia lại xuất hiện và cản trở không ngừng. Rõ ràng nó đã có một chấp niệm to lớn nào đó với đường ray ấy.
Cuối cùng sau khi băng qua được dải đường ray đó, Rina sẽ đến được khu chung cư của nhà mình. Nhưng một chuyện kỳ lạ xảy ra là RIna không thể nhớ được bản thân nhà mình là ở đâu? Trong khi quẩn quanh giữa các tòa nhà, Rina sẽ nhận thấy trên bảng thông báo trước mỗi tòa chung cư luôn có một mẩu tin nhắn với cùng một nội dung:
“Cô gái sống ở tòa nhà số 35 mỗi sáng đều vẫy tay chào mình qua cửa sổ, nhưng cô ấy lại ở tầng 2 và thật khó mà nhìn rõ mặt cô ấy ở chỗ mình. Mình sống ở ngay tòa chung cư đối diện. Mình đã bảo cô ấy hãy lên tầng 4 để mình có thể nhìn mặt cô ấy rõ hơn.”
Đây chính là chỉ dẫn để Rina tìm đường về nhà trong The Night Way Home. Chúng ta phải đi tìm tòa nhà số 35, rồi tìm tòa nhà nằm đối diện với hướng cửa sổ của nó, lên tầng 4 và thử mở khóa cửa. Nếu tìm đúng chỗ, cửa phòng sẽ tự mở ra và Rina sẽ được về nhà.
Bạn nghĩ đến đây là đã kết thúc? Chắc chắn bạn đã vội mừng rồi. Rina sau khi bước vào nhà thì không có một sự ấm áp an toàn nào chào đón, ngược lại, cả căn nhà lạnh lẽo tịch mịch, không một dấu vết của sự sống. Cô bé lục soát khắp nơi nhưng tuyệt nhiên chưa một ai về nhà dù có lẽ đã khuya lắm rồi.
Rina bắt đầu cảm thấy tủi thân và cô đơn vô cùng. Cô đi loanh quanh trong nhà. Và nếu có chuyện gì kỳ lạ, thì đó chính là đoạn đường về nhà cuối cùng này bình yên một cách khác thường. Rina không hề gặp lại ma nữ quái quỷ kia trong lúc dạo quanh khu chung cư để tìm nhà mình. Đó là vì ả đã buông tha cô chăng?
Quả là một suy nghĩ ngây thơ cho những ai lầm tưởng như thế. Vì sự thật, ả ta đã đến nhà Rina trước cả cô, rình rập trong chính nơi mà cô nghĩ là an toàn nhất thế giới. Ả ta nằm yên trong sự yên lặng lạnh lẽo đó. Chờ đợi bạn chủ quan sơ hở, và…
Sau lần tấn công cuối cùng này, Rina chìm vào hôn mê. Cô lịm đi rất lâu cho đến khi có tiếng động ồn ào nào đó thức tỉnh cô. Rina khẽ hé mắt nhìn thì thấy mẹ mình xuất hiện, bà nhìn cô hoang mang và hốt hoảng vô cùng. Mẹ bảo rằng cô bị thương, và bà chạy vội đi lấy đồ sơ cứu cho Rina.
Rina bất giác nhìn xuống tay mình, nhận ra vết rạch dài và máu đỏ nhuộm ướt cả chăn nệm. Mẹ Rina vội vàng đi lấy dụng cụ băng bó, bà gấp đến nỗi vấp ngã trong nhà làm đủ thứ đổ lăn ra sàn. Rina không biết vì sao mình bật cười trước cảnh tượng ấy. Mẹ bắt đầu băng bó cho cô, bà không nhìn vào mắt Rina mà chỉ lặng nhìn vết thương. Bà hỏi rằng vì sao cô lại làm như thế này? Có phải là cô đã có một ngày tồi tệ hay không? Rina không nói gì, cô nhận thấy mắt mẹ mình nhòa nước.
Cuối cùng, mẹ Rina bật khóc và hỏi cô “Có phải là lỗi của mẹ không? Mẹ khiến con phải làm thế này?”. Trái ngược với mọi hờn giận tủi hổ, khi nhìn thấy mẹ mình rơi lệ, Rina lại đau lòng không thôi. Cô ôm chặt mẹ và cả hai cùng khóc. Mẹ Rina xin lỗi vì đã khiến cô phải đau khổ một mình như vậy. Bà nói yêu con mình, và Rina chỉ lặng lẽ chấp nhận. Cô nghĩ về linh hồn cô gái tóc dài kia, tự hỏi chuyện đau đớn nào mà cô ấy phải chịu đựng. Ắt hẳn nó còn khủng khiếp hơn cô. Nhưng lúc này, trong vòng tay ấm áp của mẹ, Rina hiểu rằng mình vẫn ổn. Cô vẫn sống và The Night Way Home kết thúc.
Phân tích về các nội dung ẩn ý trong The Night Way Home
Liên kết về những đầu mối nội dung được úp mở trong The Night Way Home, chúng ta có thể đoán ngay được linh hồn ma nữ tóc dài theo đuổi Rina trong suốt game rất nhiều khả năng là cô gái Setsuna Funamori bị mất tích từ đầu. Theo phỏng đoán của Mọt tui, có thể Setsuna đã tự sát ở ga tàu, vì theo lời kể lại thì cô ấy bị bạo hành tại nhà và đã khổ sở rất nhiều.
Chi tiết Setsuna trở nên hung tàn hơn khi Rina đến gần đường ray ở đoạn chơi thứ ba, cho thấy nhiều khả năng cô đã nhảy xuống đường ray, thi thể tan nát nên hoàn toàn không còn tìm được. Khi đã chết đi rồi, linh hồn Setsuna vẫn vất vưởng ở trong ga tàu ấy vì sự uất ức. Rina vô tình cũng đang mang một tâm trạng tương tự khi bước vào ga tàu vào hôm sau: cô độc, buồn bã vì cảm giác bị mẹ bỏ rơi, tuyệt vọng và không muốn về nhà. Chính những năng lượng u ám ấy đã thu hút Setsuna đến gần Rina, bắt Rina vào thế giới của mình, để Rina ở đó với cô mãi mãi.
Ngoài đời thực, tại Nhật cũng lưu truyền một truyền thuyết đô thị về linh hồn của nữ sinh lang thang ở ga tàu điện, nó có tên là Teke Teke. Câu chuyện này hơi khác Setsuna trong game một chút, khi nữ sinh ấy không bị bạo hành bởi gia đình mà lại là nạn nhân của nạn bạo lực hay bắt nạt học đường. Có nhiều dị bản khác nhau về câu chuyện này. Có người kể rằng cô gái ấy thường xuyên bị bạn bè cùng trường trêu chọc, lần đấy là một trò chơi khăm khi một người bạn lén bỏ gián/bọ vào áo cô khi cô đang đứng chờ tàu.
Trong lúc hoảng loạn, cô đã trượt chân rồi ngã vào đường ray, bị tàu chạy ngang nghiến làm đôi. Dị bản khác thì kể rằng, bọn trẻ bắt nạt lôi cô ra một ga tàu cũ, sau khi đánh đập thì trói cô trên đường ray. Nhưng chúng không ngờ là tuyến tàu đó còn hoạt động nên vô tình gây ra cái chết cho cô bé. Trước Teke Teke, người Nhật đã truyền tai nhau câu chuyện của Kashima Reiko, cô gái này cũng là một linh hồn chết vì té xuống đường ray xe điện. Nhưng thay vì bị cắt đôi người, Kashima Reiko bị văng mất chân. Từ đó, linh hồn của cô vất vưởng trong phòng vệ sinh các ga tàu, đi hỏi người khác có nhìn thấy chân của mình ở đâu không.
Chi tiết này liên hệ trực tiếp đến lần gặp gỡ đầu tiên của Rina và Setsuna trong, cũng là trong một phòng vệ sinh trong ga tàu. Ắt hẳn Chilla’s Art đã biến tấu một chút câu chuyện này để tạo ra Setsuna của The Night Way Home, nhằm phù hợp hơn với chủ đề của câu chuyện là nạn tự sát của thanh thiếu niên ở Nhật vì sự thiếu thốn tình thương, quan tâm từ gia đình. Như mọi người đã biết, tỉ lệ tự tử ở Nhật luôn nằm trong top đầu thế giới và liên tục gia tăng. Điều đáng báo động hơn là tuổi tự sát của người Nhật mỗi lúc một trẻ hóa, và đối tượng thường xuyên nảy sinh việc tự hoại này tập trung chủ yếu ở thanh thiếu niên – các em học sinh trung học và thậm chí tiểu học.
Điều này đã khiến Mọt tui đi đến một giả thuyết khác về cốt truyện của The Night Way Home, có thể ngay từ đầu, Rina đã “chết”. Cô đã quyết định rạch tay ngay từ buổi sáng hôm đó, tất cả những gì xảy ra phía sau đều là tiềm thức của cô. Hành trình Rina tìm đường về nhà có thể chính là hành trình của linh hồn Rina lang thang trong cõi vô minh, cố tìm lại lý do cuộc sống của mình. Rất nhiều lần, dù Rina thường xuyên bảo mình không muốn về nhà, nhưng tiềm thức cô luôn nhắc nhở “Mình phải về thôi.” Nó chính là bản năng sống của mỗi con người, ngay cả một người đau khổ nhất, khi đứng trước làn ranh của sự sống và cái chết, họ vẫn có một chút muốn sống.
Nếu để ý kỹ hơn, linh hồn đứa bé gái mà Rina đôi lần tình cờ bắt gặp trên đường có rất nhiều điểm tương đồng với Rina: cô nhóc cột hai chùm, mặc đồng phục nữ sinh, và luôn kể về mẹ. Mẹ là đối tượng Rina yêu thương hết mực, và vì vậy cô đau khổ khi nghĩ rằng mẹ không còn thương mình, mẹ bỏ bê mình. Tuyệt nhiên không có sự xuất hiện của người cha, ta có thể đoán được rằng ông ta ngay từ đầu đã không ở bên cạnh mẹ con họ. Những điều mà linh hồn em bé gái nói với Rina, Mọt tui nghĩ rằng đó chính là những ký ức của cô.
Cô có thể đã từng khóc một mình trong cầu thang bãi giữ xe ở ga tàu, nhớ về con gấu bông mẹ tặng để tự an ủi. Cô có thể đã từng khóc thầm ở khu phức hợp đô thị, khi đi làm thêm lần đầu vào năm lớp hai để đỡ đần cho mẹ. Cô đã khóc vì cô đơn trên đường về nhà, mong rằng mẹ sẽ bế và dỗ dành mình, biết bức tranh cô vẽ là hình ảnh một con ếch. Dù đau buồn oán trách mẹ, nhưng trong Rina tình yêu thương mẹ lại to lớn hơn hết thảy. Chính tình yêu đó mới là động lực khiến Rina tìm đường về nhà, tìm đường trở lại cuộc sống trong The Night Way Home.
Như bất kỳ câu chuyện nào khác của mình, Chilla’s Art luôn cố truyền một thông điệp ý nghĩa tới người chơi, nó có thể là phê phán, nó có thể là xoa dịu. Nhưng tận cùng, hẳn là họ vẫn mong mỏi con người hãy sống dịu dàng với nhau hơn, yêu thương nhau nhiều hơn. Và đó là những gì đọng lại trong Mọt tui khi hoàn thành The Night Way Home. Còn mọi người thì sao? Mọi người có giả thuyết hay suy luận về cốt truyện của tựa game kinh dị này cùng các sản phẩm khác của Chilla’s Art hay không? Đừng ngại chia sẻ ngay với Mọt Game nhé!