Còn nhớ hồi tháng 8 năm ngoái, dân tình phát sốt khi Game Science tung trailer đầu tiên giới thiệu Black Myth: Wukong (Hắc Thần Thoại: Ngộ Không). Tựa game thoạt nhìn mang phong cách chặt chém u tối rất đặc trưng của dòng Souls-like nhưng lại diễn ra dựa trên bối cảnh mà bất cứ game thủ Việt nào cũng quen thuộc, đó chính là Tây Du Ký.
Tôn Ngộ Không bị Lục Nhĩ Mi Hầu thế vai?
Con boss đầu tiên mà game thủ nhìn thấy trong Black Myth: Wukong là Lang Yêu Giáo Đầu, nhưng nó lại chỉ niệm toàn Phật hiệu và thậm chí còn nhắc tới chuyện “thanh tu”, “chính quả”. Bên cạnh đó món vũ khí mà con yêu này sử dụng cũng mang nhiều ẩn ý về Phật môn bởi Xích Triều trông rất giống cách các nhà sư dùng thiền trượng để hàng yêu phục ma. Trong khi đó, vị thổ địa xuất hiện sau trận đấu boss tự giới thiệu mình là thổ địa núi Hắc Phong, gợi cho chúng ta nhớ đến hồi 16 của truyện, khi Đường Tăng ghé qua Quan Âm thiền viện của Kim Trì Trưởng Lão và gặp bộ ba yêu tinh Hắc Hùng, Bạch Xà, Thương Lang.
Con sói lực lưỡng mà nhân vật (chưa rõ danh tính nhưng cứ tạm gọi là Ngộ Không) gặp được trong video có tên là “Linh Hư Tử,” cũng chính là Thương Lang trong bộ ba yêu quái. Các động tác mà con trùm này thể hiện cho thấy nó có trí tuệ khá cao, chẳng hạn tỏ ra sợ hãi khi Ngộ Không chuyển sang dùng Xích Triều với thuộc tính lửa, biết dùng đòn tấn công số đông khi bị bao vây bởi đám khỉ con mà Ngộ Không biến hóa ra,… Quá trình chiến đấu giữa Ngộ Không với Thương Lang có chút tương đồng với dòng game Dark Souls, bởi xét về tổng thể thì nhân vật được xây dựng có thiên hướng tấn công vũ bão đúng nghĩa Đấu Chiến Thắng hơn là đỡ đòn phản công.
Điều thú vị nhất nằm ở cuối đoạn trailer của Black Myth: Wukong, khi nhân vật chính đã đánh bại và muốn vung gậy kết liễu Thương Lang thì bị một cây bổng khác chặn lại. Trên thân gậy lóe lên dòng chữ “Như Ý Kim Cô Bổng” sau đó phát sáng rực rỡ. Với tạo hình hoa mỹ hơn, rõ ràng đây mới chính là vũ khí trứ danh của Mỹ Hầu Vương Tề Thiên Thiên Đại Thánh mà chúng ta từng biết. Ngoài ra kẻ xuất hiện sau đó tiếp tục khẳng định nghi vấn này khi khoác trên người bộ Tỏa Tử Hoàng Kim Giáp chói lọi, chứ không phải bộ trang phục có phần xấu xấu bẩn bẩn cùng món vũ khí hết sức bình thường từ đầu trailer.
Lúc này game thủ sẽ cảm thấy có phần khó hiểu bởi nếu có hai Ngộ Không thì ai thật ai giả, đó là chưa kể đến việc trong nguyên tác, mãi đến hồi thứ 57 thì Ngộ Không mới bị Lục Nhĩ Mi Hầu giả mạo. Vậy Ngộ Không bảnh bao vung gậy cản nhân vật chính sát hại Thương Lang trong game lại là ai và tại sao lại xuất hiện quá sớm như vậy? Nếu các bạn còn nhớ về nội dung của tập phim này thì trong tam giới gần như không ai có thể phân biệt được Ngộ Không nào là thật và giả. Tuy nhiên trong tiểu thuyết có đoạn, hai Ngộ Không đến nhờ Đế Thính phân định thật giả, Đế Thính dùng tai nghe được nhưng phán “Ta xem ra, nhưng không dám nói”.
Vậy Lục Nhĩ Mi Hầu là kẻ nào mà tài phép đến mức Đế Thính, vật cưỡi của Địa Tạng Vương Bồ Tát, kẻ có khả năng nghe thấu khắp cả Tam giới: “Núi sông xã tắc, động tiên, phúc địa nơi Tứ Đại Bộ Châu”, cũng không dám nói ra sự thật? Để làm rõ điều đó trước hết chúng ta cần nhớ Phật Tổ Như Lai đã nói rằng: Trời đất có ngũ Tiên gồm Thiên, Địa, Thần, Nhân, Quỷ. Có ngũ Trùng gồm Luy, Lân, Mao, Vũ, Côn; còn Hỗn Thế Tứ Hầu thì không thuộc vào mười loại này”. Hỗn Thế Tứ Hầu tức bốn con khỉ được sinh ra từ hỗn độn bao gồm Linh Minh Thạch Hầu, Lục Nhĩ Mi Hầu, Xích Khào Mã Hầu và Thông Tý Viên Hầu.
Trong đó Linh Minh Thạch Hầu chính là Tôn Ngộ Không, tục truyền y thông biến hóa, nhận biết thiên thời, thông hiểu địa lợi, di tinh hoán đẩu. Nhưng thực tế bản lĩnh lại kém nhất so với 3 kẻ còn lại bởi thời gian ra đời ngắn nhất trong khi những con khỉ kia đã xuất thế từ thời Hồng Hoang. May nhờ vào cơ duyên trở thành một trong 4 người có phúc duyên được đi thỉnh kinh để hoàn thành thiên đạo công đức, y mới được thánh nhân thu làm đệ tử học nhiều phép thần thông và tạo điều kiện cho ăn đủ thứ thiên tài địa bảo như bàn đào, linh đan, nhân sâm… nên miễn cưỡng có thể đánh nhau với Lục Nhĩ Mi Hầu.
Kẻ từng trực tiếp đối đầu với Ngộ không là Lục Nhĩ Mi Hầu lại giỏi về lắng nghe, biết quan sát, hiểu rõ chuyện trong quá khứ cũng như tương lai của Tam giới, tinh tường vạn vật. Phép thuật biến hóa giả dạng người khác của hắn cao cường đến mức có thể qua mặt được kính chiếu yêu đặt tại Nam thiên môn và tuệ nhãn của đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Ngay cả người tu hành vạn kiếp như Hạo Thiên Ngọc Đế cũng không thể nhận ra thật giả. Khi hai Ngộ Không đánh xuống địa phủ, Đế Thính và Địa Tạng Vương Bồ Tát tuy phân biệt được thật giả nhưng cũng không dám hé lộ chân tướng, chỉ có thể giao lại cho Như Lai xử lý.
Về Xích Khào Mã Hầu và Thông Tý Viên Hầu dù rất mạnh mẽ nhưng lại ít được đề cập đến trong các tác phẩm thần thoại Trung Hoa nên nhiều người không biết sự khủng bố của hai con khỉ này. Xích Khào biết âm dương, hiểu chuyện đời, giỏi xuất nhập, thoát tử diên sinh. Từ lúc Bàn Cổ khai thiên lập địa (trước thời kỳ Hồng Hoang) đã xuất hiện và được nhiều bậc đại năng xưng là Thủy Viên Đại Thánh vì tài khống chế nước. Còn Thông Tý từng xuất hiện ngắn ngủi trong đại chiến Phong Thần với tên gọi Viên Hồng. Hắn sử dụng Bát Cửu Huyền Công đánh bại rất nhiều cao thủ Xiển Giáo, cả Nữ Oa thánh nhân cũng không làm gì được gã nhưng vì khinh địch nên cuối cùng chết thảm dưới dưới Trảm Tiên Phi Đao của Lục Áp Đạo Nhân.
Chính vì những cơ sở đó nên sau này nhiều người cho rằng ở hồi thứ 57, Ngộ Không hay chính xác là Linh Minh Thạch Hầu đã chết thảm dưới tay của Lục Nhĩ Mi Hầu và con khỉ gian manh này ung dung thế chỗ đồng loại của mình để hưởng trọn công đức phổ độ chúng sinh từ việc đi thỉnh kinh. Nhiều luận điểm có vẻ thú vị được đưa ra như tại sao phải dùng Đại Thiên Am nhốt lại rồi sau đó mới âm thầm phân thật giả, tại sao cả Tam giới biết bao bậc đại năng không ai có thể nhìn ra bản thể của Lục Nhĩ, tại sao cả Đế Thính lẫn Địa Tạng đều vô cùng e ngại khi nói bản thân không thể xử lý việc này… Có thể nói đây chính là những điểm mấu chốt để Game Science tạo ra nội dung rất đáng ngờ khi hai con khỉ đối mặt trong trailer đầu tiên của Black Myth: Wukong.
Tất nhiên rốt cục chuyện này là như thế nào vẫn phải chờ đến khi trò chơi chính thức ra mắt mới có câu giải đáp. Tuy nhiên vài năm trở lại đây thuyết âm mưu về việc phân chia công đức trong hành trình đi thỉnh kinh cũng như bộ mặt thật đầy hắc ám của các thế lực lớn thống trị tam giới như Thiên đình, Phật môn lẫn các tiểu thế lực như Tứ hải Long vương rất được người xem ưa chuộng. Thế nên cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu như Game Science cho chúng ta biết rằng tất cả chỉ là âm mưu của thế lực nào đó nhằm thống trị Tam giới.
Điển hình nhất là những câu nói vô cùng ẩn ý lão hòa thượng gầy yếu trông rất giống khỉ ở đầu trailer Black Myth: Wukong. Có người nói hắn theo phò trợ Đường Tăng lấy được chân kinh, trở thành Đấu Chiến Thắng Phật và không bao giờ rời khỏi Linh Sơn. Cũng có người nói Tề Thiên Đại Thánh đã chết từ ngày khom lưng quỳ gối trước Như Lai ở Ngũ Hành Sơn hay bỏ mạng đâu đó dọc đường thỉnh kinh rồi. Nhưng chắc người chưa bao giờ nghe câu chuyện của ta đúng không, câu chuyện bắt đầu từ kẻ có pháp danh Kim Thiền Tử.
Hoàng Mi Đại Vương và bí ẩn về Tiểu Tây Thiên
Trailer thứ hai vừa ra mắt của Black Myth: Wukong, chẳng những không giải đáp bất kỳ câu hỏi nào của người tiền nhiệm, thậm chí còn khiến người xem cảm thấy hoang mang hơn về sự thật đằng sau chặng đường thỉnh kinh của 4 thầy trò Đường Tam Tạng. Trong những giấc mơ kỳ lạ, các ngươi, những kẻ xa lạ buộc phải tụ họp lại cùng nhau dù trong lòng mỗi người đều có mục đích riêng. Có người muốn hoàn thành nghiệp lớn, công đức viên mãn tu thành chính quả; có người vì lưu danh thiên cổ trở lại tiên ban; có người lại khát vọng siêu thoát tam giới, tự do tự tại; còn ngươi chỉ mong được một bữa cơm chay no bụng là niệm thiện tai rồi. Các ngươi lúc nào cũng luôn miệng đại nghĩa nhưng thâm tâm cũng chỉ vì danh lợi tầm thường mà thôi.
Dù không nêu đích danh về ai nhưng rất rõ ràng nội dung dẫn chuyện trong phần đầu trailer Black Myth: Wukong đã nói rõ mục đích thầm kín của từng nhân vật trong đoàn thỉnh kinh. Không chỉ châm chọc mục đích đi Tây Thiên, đoạn cuối trailer nhân vật dẫn chuyện bí ẩn này còn không ngừng trào phúng các giáo lý của đức Thế Tôn về bát giới gồm: không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không dối trá… Nếu trong trailer đầu tiên, người dẫn chuyện có thể là Ngộ Không thật thì trong trailer thứ hai có thể đây là tiếng nói của Hoàng Mi Đại Vương. Y vốn là đồng tử của Phật Di Lặc, lén hạ giới để lập thành Tiểu Lôi Âm Tự hay Tiểu Tây Thiên với khát vọng thay thế Đường Tăng lập một đội thỉnh kinh riêng để được trường sinh bất lão, tu thành chính quả.
Hoàng Mi Đại Vương, Hoàng Mi Lão Quái hay Hoàng Mi Lão Phật là đứa trẻ có chân mày (lông mày) vàng đảm nhận việc giữ chiếc khánh vàng và túi ngũ trùng của đức Phật Di Lặc. Nhân lúc Di Lặc đi tham dự hội bàn đào, ý đã lấy cắp nhiều pháp bảo rồi trốn xuống hạ giới lập nên thế lực riêng và tự xưng là Hoàng Mi Lão Phật. Yêu quái này vì muốn thành Phật nên đã lập Tiểu Lôi Âm Tự để lừa Đường tăng vào chùa bái lạy thì bắt giữ. Y có pháp lực cao cường từng nhốt Ngộ Không vào cái khánh vàng, phải nhờ cái sừng của Cang Kim Long của một trong Nhị thập Bát tú mới thoát được. Khi đánh nhau với Ngộ Không và các thần tiên thì lấy túi hút tất cả vào nên không thể đánh bại được. Sau cùng, Ngộ Không mời Phật Di Lặc đến thu phục y.
Trong đoạn cuối của trailer Black Myth: Wukong, game thủ có thể thấy nhiều chi tiết chứng tỏ điều này. Từ tên thổ địa nửa người nửa chim đầy tà khí với câu chào đón: “Thổ địa Tiểu Tây Thiên, nghênh đón người mang thiên mệnh”. Cho đến việc trong đại điện là một bức tường với những sinh vật có vẻ giống các vị La Hán ở Tây Thiên nhưng hành vi của bọn chúng rất kỳ quặc. Ở giữa bức tường là một gã hòa thượng áo vàng mặt mũi nham hiểm, khi nhân vật chính bước vào hòa thượng xoay người lại nói: “Đã thấy vị lai, tại sao không quỳ”. Chi tiết này giống hệt một cảnh trong phim Tây Du Ký khi Ngộ Không bước vào Tiểu Lôi Âm, Hoàng Mi Đại Vương cũng quát hỏi y như vậy, trong khi bản thân Phật Di Lặc cũng có tên gọi khác là Vị Lai Phật nên chi tiết này có thể được Game Science tận dụng để gây thêm kịch tính cho trò chơi.
Nếu vẫn còn nghi ngờ thì sự xuất hiện của bức tượng Cang Kim Long, một trong Nhị Thập Bát tú, nhóm thần tiên từng đến giúp đỡ Ngộ Không đối đầu với Hoàng Mi sẽ chứng minh toàn bộ đoạn trailer này đều đấy nội dung trong hồi thứ 65. Tất nhiên NSX không bê nguyên xi mà khéo léo lồng ghép vào đó nhiều câu hỏi mở để game thủ tự suy luận cho đến ngày game chính thức ra mắt. Ví dụ trên mái của một tòa kiến trúc có hình ảnh bức tượng điêu khắc Phật Di Lặc, tuy nhiên bức tượng lại bị trói chặt bằng dây xích. Đó có phải là bản thân của Di Lặc đang bị Hoàng Mi giam cầm hay chính Di Lặc đã ma hóa để trở thành phản diện trong Black Myth: Wukong? Nghi vấn nào cũng có khả năng xảy vì gần cuối trailer chúng ta đã nghe được giọng dẫn chuyện không ngừng trào phúng các giáo lý của đức Thế Tôn.
Kết
Sau hai đoạn trailer cách nhau một năm, cùng vô số bài phỏng vấn khác nhau với ông Vưu Tạp, giám đốc điều hành của Game Science, chúng ta có thể thấy rằng đúng như tên gọi Black Myth (Hắc Thần Thoại), trò chơi đã mang đến những góc nhìn hết sức tối tăm về một tác phẩm mà tuổi thơ của mỗi chúng ta từng ưa thích. Thiên Đình không hào nhoáng lộng lẫy như vẻ bề ngoài, chúng tiên chẳng hiền lành lương thiện như những câu chuyện thần thoại, thậm chí Phật môn cũng là một thế lực không thể xem thường trong Tam giới bởi bất kỳ kẻ nào cũng tỏ ra e ngại mỗi khi nhắc về Nhiên Đăng, Như Lai hay Di Lặc.
Từ trailer đầu tiên của Black Myth đã cho thấy, nhân vật chính rất có thể không phải Tôn Ngộ Không mà chúng ta từng biết. Có thể đó là Lục Nhĩ, kẻ khao khát cướp đoạt cơ duyên của đồng loại, cũng có thể đó là hậu duệ của Đại Thánh muốn tìm đến để giải thoát tổ tiên khỏi xiềng xích của Phật môn. Liệu Đấu Chiến Thắng Phật chính là Tôn Ngộ Không nhưng Tôn Ngộ Không có còn là Tề Thiên Đại Thánh hiên ngang giữa trời đất thuở ban đầu hay chỉ là kẻ giả mạo luồn cúi dưới tòa sen chỉ vì thiên đạo công đức quá lớn khiến y khó có thể chối từ? Điều này phải chờ thêm những thêm tin từ NSX Game Science mới có thể kết luận được.
Nếu Tôn Ngộ Không được xem là chiến thần của phương Đông thì ở các nền văn hóa khác cũng có những vị thần có sức chiến đấu không thua gì Tề Thiên Đại Thánh. Các bạn có thể xem qua danh sách các chiến thần khác tại đây.