Bản Final Fantasy VII gốc, phát hành từ năm 1997, là một trong những tựa game nhập vai được yêu thích nhất mọi thời đại. Tuy rằng phần thứ bảy của series Final Fantasy được giới phê bình và cả cộng đồng game thủ đánh giá là những giá trị nghệ thuật có thể sống mãi với thời gian. Song trước sự phát triển không ngừng nghỉ của công nghệ, cũng như thị hiếu của người chơi giờ đây đang dần thay đổi, các studio game lớn nhỏ luôn phải tìm cách hòa nhập nếu không muốn bị bỏ lại và chìm vào quên lãng. Và thế là sau 23 năm, siêu phẩm Final Fantasy VII Remake đã ra đời.
Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng Mọt Game tìm hiểu thêm về một chút tiểu sử, cũng như quá trình “dậy thì thành công” của các nàng thơ đã từng xuất hiện trong bản Final Fantasy VII năm 1994 và bản Final Fantasy VII Remake năm 2020 nhé!!!
Tifa Lockhart
Trước hết chúng ta sẽ bắt đầu với Tifa Lockhart, một trong những bóng hồng của series Final Fantasy. Kể từ lần đầu xuất hiện, với mái tóc nâu sẫm, gương mặt xinh đẹp và bộ trang phục đặc trưng, để lộ những đường cong cực kỳ quyến rũ, Tifa đã nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của rất nhiều anh em game thủ trên toàn thế giới và trở thành một trong những cô vợ quốc dân được yêu thích nhất mãi cho đến tận bây giờ.
Nhưng trước khi bàn đến bản VII remake của năm 2020, chúng ta cần phải quay ngược thời gian và tìm hiểu xem cô nàng đã thay đổi như thế nào trong suốt hơn 23 năm qua. Tất nhiên nếu xét theo trình tự thời gian, Tifa tuy không phải là một trong những nhân vật đầu tiên của loạt game Final Fantasy, nhưng chắc chắn một điều rằng cô nàng đã để lại rất nhiều ấn tượng khó phai trong bản Final Fantasy VII gốc (1997), cũng như những trong những tựa game được ra mắt sau này.
Về bối cảnh của Tifa, cô sinh ra và lớn lên cùng Cloud (nhân vật chính của phần game Final Fantasy VII và bản Remake) ở Nibelheim, một ngôi làng nhỏ nằm ngay dưới chân núi Nibel. Đây cũng là nơi một thảm họa kinh hoàng đã xảy ra, khiến cho cả hai cô cậu mất liên lạc với nhau trong một khoảng thời gian dài. Nhiều năm trôi qua cuối cùng thì Tifa cũng gặp lại được Cloud. Ngay lập tức, cô và các chiến hữu trong Avalanche của mình đã “rủ rê” Cloud cùng nhau chiến chống lại Tập đoàn Năng Lượng Shinra (Shinra Electric Power Company) – những kẻ đã khiến cho quê hương của họ lâm vào cảnh khốn cùng.
Đến với bản VII phát hành hồi năm 1997, bây giờ nhìn lại thì chắc hẳn mọi người cũng cảm thấy quá lạ mắt với chất lượng đồ hoạ khối hộp low-poly thời bấy giờ. Dẫu vậy Tifa của chúng ta vẫn rất đáng yêu với dáng người nhỏ bé, xinh xắn, dịu dàng, dễ thương và thường xuyên xuất hiện trong quán rượu cùng một số nơi khác trên bản đồ. Về cơ bản thì đây là lần “debut” đầu tiên của cô nàng võ sĩ tóc dài váy ngắn, nên hầu hết mọi ánh mắt đều đổ dồn về hai đặc điểm chính: ngoại hình và những kỹ năng trong lúc chiến đấu.
Thật sự mà nói thì nếu so sánh cả hai bản game VII gốc và VII Remake, thì trong suốt hơn 23 năm qua, ngoại hình của cô nàng hầu như không thay đổi quá nhiều. Tifa vẫn là một cô gái năng động với mái tóc nâu dài óng mượt, luôn diện một chiếc áo ba lỗ thể thao trắng và váy ngắn màu đen. Đến với những kỹ năng cá nhân của Tifa, mọi chiêu thức và thông số đều được thiết kế xoay quanh lối chơi cận chiến của class Võ sư (Monk). Nghĩa là các chỉ số gây sát thương vật lý của cô nàng thường sẽ mạnh hơn và cao hơn thông số sát thương của phép thuật tuy nhiên, đôi khi cũng cần phải lưu ý bởi lượng máu của cô thường ít hơn so với đồng đội trâu bò như Cloud và Barret chẳng hạn.
Hồi năm 1997, những đòn tấn công và bộ kỹ năng đặc biệt (gọi là Limit Breaks) dành riêng cho Tifa cũng tương đối khác so với đa đa số các thành viên khác trong đội. Cụ thể thay vì chọn một chiêu thức từ bảng skill, thì cô nàng sẽ liên tục tấn công đối thủ bằng các đòn Limit Break theo thứ tự đã được thêm vào trước đó và cứ mỗi một lần đánh, Tifa sẽ gây sát thương vật lý cho một đối thủ ngẫu nhiên. Kiểu combo LB này tiếp tục được truyền thừa và phát huy bởi Zell Dincht trong bản FF8 sau đó với chuỗi chiêu thức khác nhau để tạo thành các đòn tấn công đặc biệt.
Tất nhiên sẽ có cách để người chơi có thể kiểm soát được những kỹ năng Limit Breaks, đó chính là hệ thống quay thưởng Slot machine (giống như những chiếc máy đánh quay thưởng trong các sòng bạc). Trong trường quay mà bị “miss”, hành động đó sẽ không được thực hiện, còn nếu “hit” thì những chiêu thức sẽ được kết nối và trở thành một chuỗi những đòn tấn công khác nhau tuy nhiên, sẽ không có bất cứ đòn nào gây được sát thương chí mạng. Nhưng nếu quay trúng “Yeah!” thì đòn chí mạng sẽ xuất hiện ở lần đánh tiếp theo.
Một số loại kỹ năng Limit Breaks mà Tifa sở hữu là Beat Rush, chạy lên và đấm kẻ địch một vài lần xong quay trở lại với vị trí ban đầu; Somersault, đá văng địch lên không trung và tiếp tục gây sát thương trong một khoảng thời gian ngắn; Meteordrive, một đòn đánh đậm chất đô vật Mỹ, cho phép cô nàng nâng kẻ thù lên và vật hắn thẳng xuống đất.
Còn trong bản FFVII Remake ra mắt vào năm 2020, ngoài việc chất lượng đồ hoạ được nâng cấp một cách đáng kể và “biến hóa” nàng thơ low-poly Tifa trở thành một trong những bóng hồng quyến rũ, đẹp như người thật ở độ phân giải full HD cực sắc nét, thì gameplay cũng được thay đổi để phù hợp với thế hệ game thủ hiện đại. Giờ đây chúng ta đã có thể tùy ý điều khiển Tifa trong những trận đánh mà không phải bị giới hạn bởi lối chơi đánh trận kích hoạt kỹ năng theo lượt của dòng game nhập vai Nhật Bản cổ điển (JRPG).
Rõ ràng mỗi thể loại đều có những cái hay riêng, nhưng theo Mọt nghĩ cũng chính vì bây giờ chúng ta đã có thể tự do điều khiển tất cả các nhân vật trong party, nên nàng võ sĩ đã có thể tỏa sáng được trong những trận chiến căng thẳng. Và sau hơn 23 năm trôi qua, Tifa vẫn giữ cho mình những chất riêng trong lúc chiến đấu, sức mạnh của cô nàng vẫn xoay quanh lối đánh cận chiến, kèm theo đó là tốc độ di chuyển tương đối cao, giúp cho cô có thể tiếp cận và tấn công kẻ thù và sau đó nhanh chóng rút lui để giữ khoảng cách an toàn.
Chưa dừng lại ở đó, một số chiêu thức từ bản gốc của Tifa vẫn sẽ tiếp tục được đưa sang bản remake đồng thời animation cũng được trau chuốt một cách kỹ càng, khiến cho những đòn đánh trông vô cùng đẹp mắt. Điển hình như Beat Rush, Somersault nhưng đặc biệt nhất chắc có lẽ là Dolphin Flurry. Sau khi thực hiện chuỗi đòn tấn công, Tifa sẽ kết thúc bằng cách triệu hồi một chú cá heo từ dưới chân kẻ địch và tạo ra một lượng sát thương tương đối lớn. Ở bản Final Fantasy VII gốc chúng ta có thể thấy được hình dáng của chú cá heo nhưng ở phần làm lại, con cá thực chất là được tạo ra từ những cột nước từ phía dưới mặt đất.
Ngoài ra, Tifa còn xuất hiện trong Final Fantasy VII: Advent Children, một bộ phim CGI được thực hiện bởi chính nhà phát triển Square Enix. Lấy bối cảnh 2 năm sau khi những sự kiện ở phần game gốc đã xảy ra. Lúc này phản diện Sephiroth đang cố gắng hấp thụ Lifestream (huyết mạch và linh hồn của hành tinh Gaia) để có thể trở thành một tên ác thần hùng mạnh nhưng cuối cùng hắn đã bị ngăn chặn và đánh bại bởi Cloud Strife (nhân vật chính) và những người bạn đồng hành của anh.
Về cơ bản thì Tifa trong Advent Children vẫn là cô nàng võ sĩ năng động và dũng cảm như trong game nhưng thay vì chọn áo thun thể thao màu trắng và váy ngắn màu đen, để lộ những đường cong gợi cảm, thì giờ đây nàng ta đã quyết định sẽ khoác lên người bộ trang phục đồng nhất một màu đen, tô điểm bằng đôi giày thể thao có dây màu trắng, trông rất chi là ngầu. Chắc có lẽ đây cũng là lần đầu tiên người hâm mộ được ngắm nhìn Tifa trong bộ dạng mới, kín đáo hơn phiên bản trong game nhưng không hề kém phần quyến rũ.
Tifa còn là một trong những nhân vật quan trọng của bộ anime Last Order: Final Fantasy VII của Square Enix và xưởng phim anime Nhật Bản MadHouse. Được biết, bộ phim hoạt hình này có liên quan đến Compilation of Final Fantasy VII, một series gồm các phần tiền truyện và phần tiếp theo của bản FFVII gốc. Dù vẫn chưa được công nhận là tác phẩm thuộc bộ series nói trên, Last Order vẫn được đưa vào bộ sách hướng dẫn chính thức.
Không những vậy, Tifa còn được xuất hiện trong nhiều sản phẩm khác của Square Enix. Một vài ví dụ điển hình như những tựa game đối kháng thuộc thương hiệu Dissidia Final Fantasy, bao gồm Dissidia Final Fantasy (2008), Dissidia 012 Final Fantasy (2011) và Dissidia Final Fantasy Opera Omnia, game nhập vai dành cho thiết bị di động chạy hệ điều hành Android và iOS. Ngoài ra Tifa còn là nhân vật khách mời của nhiều dòng game khác, chẳng hạn như series Kingdom Hearts nổi tiếng của Disney và Square Enix.
Yuffie Kisaragi
Yuffie Kisaragi là một trong những thành viên trẻ tuổi nhất trong cả hai bản Final Fantasy VII (gốc và remake). Cô nàng này vừa là một ninja mà còn là một siêu trộm cực kỳ láu cá, sinh ra và lớn lên tại Wutai – một quốc gia cực kỳ hùng mạnh trong thế giới Final Fantasy. Tuy nhiên, sau khi thất bại trong cuộc chiến chống lại Tập đoàn Năng lượng Shinra, Wutai giờ đây chỉ còn là một nơi nghỉ mát, phục vụ cho khách du lịch. Kể từ khi đó trở đi, Yuffie luôn nuôi ước vọng được lật đổ tập đoàn Shinra và tiêu diệt những kẻ đứng sau, đồng thời khôi phục quê nhà của mình trở lại thời hoàng kim của hoàng của nó.
Về cơ bản Yuffie rất ngổ ngáo, tự phụ và thẳng tính y hệt một đứa con trai, chưa kể đến việc tính tình đôi lúc khó ưa tuy vậy, cô nàng ninja này rất thân thiện với mọi người xung quanh và luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng đội trong những lúc khó khăn. Sau khi gặp được Cloud và Tifa, Yuffie biết được quê hương của cả hai người này cũng đã bị tàn phá bởi Shinra, nên cô rất đồng cảm với những nỗ lực họ.
Tương tự như Aerith, ngoại hình và trang phục của Yuffie cũng thay đổi trong mỗi tựa game, bộ phim mà cô nàng xuất hiện. Đa phần người hâm mộ đã quá quen thuộc với thân hình nhỏ nhắn đáng yêu trong chiếc áo len cổ cao màu xanh và chiếc quần short ngắn, đầu thì quấn băng cài màu trắng cùng với mái tóc đen cắt ngắn toác lên vẻ tinh nghịch của nữ nhẫn giả. Theo đó, đặc điểm nổi bật nhất của cô nàng đó chính là bộ giáp sắt bảo vệ (thường dùng làm khiên đỡ) bao bọc cả cánh tay trái, còn bên tay phải thì lúc nào cũng vác một cây fuma shuriken với kích thước quá khổ.
Xét theo bức hoạ chân dung gốc của Yuffie, thì mắt cô có màu tím nhưng khi xuất hiện trong bộ phim CGI Advent Children và trong tựa game bắn súng góc nhìn thứ ba Dirge of Cerberus: Final Fantasy VII (2006), thì mắt của cô lại là màu nâu đen. Tuy Mọt tui không rõ đây có phải là chủ ý của nhà phát triển Square Enix hay không nhưng nói chung thì cũng khá là thú vị khi được thấy một nhân vật sở hữu đến hai màu mắt.
Riêng phần Advent Children, Yuffie quyết định sẽ đi theo phong cách thể thao năng động với chiếc áo tank-top có hoạ tiết bông hoa, khoác bên ngoài là bộ vest da màu đen dành cho nữ và cuối cùng là đôi ủng thể thao màu hồng với đôi tất đen cao đầy cá tính. Còn trong trò chơi Dirge of Cerberus, trang phục của Yuffie là một chiếc áo ống (tube top) màu xanh biển để lộ phần bụng với dây thắt màu đen vàng và một chiếc quần short vải denim màu cam.
Nếu xét riêng hai phần Final Fantasy VII, cả bản gốc lẫn remake, game thủ có thể dễ dàng thấy được sau hơn 23 năm, không có quá nhiều sự thay đổi về ngoại hình của cô nàng ninja ranh ma láu cá. Điểm khác biệt duy nhất ở đây (tương tự như Tifa và Aerith) là ở phần game ra mắt vào năm 1997, Yuffie được tạo ra từ những khối hộp low-poly đơn giản, còn ở phần làm lại và nâng cấp đồ hoạ, nàng ta đã “lột xác” trở thành một thiếu nữ đẹp như người thật.
Như đã nói ở trên, Yuffie sở hữu một cây shuriken khổng lồ, hoạt động giống như một chiếc boomerang, nghĩa là sau khi dùng nó để ném đến vị trí của kẻ địch thì nó tự động sẽ bay ngược về tay cô nàng ngay lập tức. Vì là ninja nên đa phần những thông số chiến đấu đều được thiết kế xoay quanh tốc độ ra đòn và di chuyển, theo đó chỉ số May Mắn của Yuffie cũng được nâng lên cao nhất nhóm và hầu hết các đòn tấn công của cô đều có thể sử dụng tầm xa, giúp cô nàng dễ dàng tác chiến với đồng đội, bất kể khi bị đẩy lùi về hàng sau của đội hình.
Bên cạnh đó, bộ kỹ năng Limit Break của Yuffie cũng được thiết kế tương đối đặc biệt. Trong phần game gốc, mỗi chiêu thức đều sở hữu một thuộc tính độc nhất và đa số đều có khả năng đánh trúng nhiều kẻ thù trong cùng một lúc và ví dụ điển hình nhất đó chính là All Creation. Với đòn đánh đặc biệt này, Yuffie không chỉ có thể tấn công tất cả kẻ địch trước mặt bằng một đòn tấn công nguy hiểm, mà lượng sát thương gốc của nó còn được nhân lên đến những 8 lần.
Tuy nhiên, về late-game thì kỹ năng All Creation bắt đầu trở nên yếu dần vì chỉ có thể đánh được duy nhất một lần. Trong khi đó đối với những chiêu thức Limit khác, như Doom of the Living chẳng hạn, lại có thể đánh nhiều lần và gây ra một lượng sát thương lớn gần bằng (trong một vài trường hợp có thể là hơn) với All Creation. Không những thế, nếu Aerith không có mặt để hỗ trợ, Yuffie có thể sử dụng Clear Tranquil để hồi phục một nửa lượng máu cho mọi thành viên trong đội.
Quay trở lại với bản Final Fantasy VII Remake, nói chính xác hơn là bản nâng cấp đồ hoạ dành riêng cho hệ máy PS5. Tương tự như Tifa và Aerith, một số đòn đánh của Yuffie trong phần game gốc sẽ được giữ nguyên và tối ưu để đưa vào bản làm lại. Không những vậy, với hệ thống ra đòn để tạo chuỗi combo, cô nàng còn có thể liên tục tấn công kẻ thù trên không trung mà không cần phải đặt chân xuống mặt đất.
Ngoài ra, Yuffie còn xuất hiện với vai trò nhân vật khách mời trong tựa game đối kháng Dissidia Final Fantasy, ra mắt vào năm 2008. Trong series Kingdom Hearts, nàng ninja xinh đẹp sẽ kề vai sát cánh với Squall Leonhart (nam chính trong bản Final Fantasy VIII) và Aerith để giúp nhân vật chính Sora đánh đuổi bọn Heartless. Còn với tựa game đối kháng trên võ đài Ehrgeiz: God Bless the Ring, người chơi có thể mở khoá Yuffie bằng cách “phá đảo” game khi điều khiển Cloud Strife.
Nhìn chung thì vẫn còn rất nhiều điều mà Mọt tui muốn chia sẻ với các anh em game thủ nhưng cũng vì thời lượng có hạn, nên chắc có lẽ chúng ta sẽ tạm dừng chủ đề này tại đây. Mong rằng qua bài viết này, anh em sẽ có được những phút giây thư giãn sau khi phải đối mặt với biết bao bộn bề lo toan trong cuộc sống hằng ngày. Tất nhiên cũng đừng quên giữ sức khỏe cho bản thân và gia đình trong mùa dịch này nhé!
Aerith Gainsborough
Xuất hiện lần đầu trong bản Final Fantasy VII, cô gái bán hoa (đúng nghĩa đứng đường cầm hoa bán cho thiên hạ, cầu Thượng Đế tha thứ cho đứa nào xuyên tạc) Aerith đã nhanh chóng “hớp hồn” anh em game thủ bằng nét hồn nhiên đầy sức sống trong bộ đầm hồng và chiếc áo khoác nhỏ xinh xắn. Tuy sinh ra tại thị trấn Icicle Inn thanh bình nhưng Aerith lại không có được một cuộc sống hạnh phúc như bạn bè cùng trang lứa.
Cô là đứa con gái đầu lòng của Tiến sĩ Gast Faremis và người Cetra (còn gọi là Ancient – một chủng tộc cổ xưa, hay được nhắc đến trong cả hai phần Final Fantasy VII và Remake) cuối cùng là Ifalna. Khi Aerith chưa tròn 20 ngày tuổi, thì cha đã bị giết chết, cô và mẹ thì trở thành vật thí nghiệm của tiến sĩ Hojo (một trong những nhân vật phản diện của game) và bị giam cầm tại một tòa nhà khổng lồ thuộc quyền quản lý Tập đoàn Năng lượng Shinra.
Bảy năm sau, cả hai mới có cơ hội trốn thoát nhưng Ifalna đã bị thương quá nặng nên đành phải giao con gái của mình cho Elmyra Gainsborough – một người phụ nữ sống tại Sector 5, để chăm sóc và nuôi dạy. Nhiều năm trôi qua, Aerith giờ đây đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, dịu dàng và vô cùng đáng yêu. Và rồi cái ngày định mệnh đó cũng đến, ngày mà cô gặp được Cloud. Cả hai cùng với Tifa, Barret (lãnh đạo của quân kháng chiến Avalanche) và nhiều nhân vật khác bắt đầu lên đường để tiêu diệt Sephiroth, cũng như ngăn chặn những mưu đồ thâm độc của Tập đoàn Shinra.
Tuy nàng Aerith không có nhiều “đất diễn” trong bản gốc, ngoại hình thì được tạo ra từ những khối hộp đơn giản (tương tự như Tifa và những nhân vật khác), nhưng bằng sự tỉ mỉ trong thiết kế một cách tỉ mỉ và phong cách phối màu cực kỳ tinh tế của bộ trang phục (đã được nhắc đến ở trên), nhà phát triển đã rất thành công trong việc mang đến cho người chơi những cảm xúc khó quên mỗi khi cô nàng bán hoa xinh đẹp xuất hiện trên màn ảnh. Chưa kể đến những khoảnh khắc thổn thức khó quên khi người chơi được chứng kiến Aerith “lột xác” và trở thành một thiếu nữ xinh đẹp trong bộ đầm dạ hội ở bản remake.
Nếu nhớ không lầm thì ông Tetsuya Nomura, hoạ sĩ đại tài đảm nhận trách nhiệm thiết kế nhân vật cho studio Square Enix, đã từng nói tuyên bố rằng gương mặt của cô nàng trong phim Advent Children đã được giấu rất kỹ và chỉ cho xuất hiện trong những cảnh phim cuối cùng. Để rồi khi cô nàng quay lại và mỉm cười trước ống kính và “đốn tim” hàng chục ngàn người hâm mộ, lúc đó hầu hết mọi người mới cảm thấy vô cùng nể phục với phong cách dẫn truyện hấp dẫn của nhà phát triển Nhật Bản.
Nói về tính tình, Aerith là một cô gái rất lạc quan, vui vẻ và không ít lần khích lệ tinh thần các thành viên khác trong đội. Tuy cô luôn khẳng định rằng mình là một người có thể tự lo cho bản thân và luôn biết cách tự vệ khi buộc phải đối mặt với hiểm nguy, nhưng thật ra trong lòng Aerith cảm thấy rất cô độc vì là người Cetra duy nhất còn sống. Bằng chứng cho thấy nàng ta đã từng thổ lộ nỗi lòng và cảm xúc của mình với anh chàng Cloud trong bản FFVII.
Mọt đã từng nghe ai đó nói về việc những người lúc nào cũng chất chứa nhiều tâm sự trong lòng, thường sẽ cười rất tươi và thường tỏ ra rất yêu đời. Sở dĩ như vậy là vì họ nghĩ rằng họ có thể che lấp đi nỗi buồn của chính mình, đồng thời truyền năng lượng lạc quan đến với những người xung quanh để giúp mọi người có thể sống tốt hơn. Trong một phút suy nghĩ bâng quơ, Mọt nghĩ Aerith là một trong những người như vậy, cô nàng luôn muốn mọi người được vui, được hạnh phúc nhưng mấy ai biết được đằng sau nụ cười ấy là những nỗi lòng không biết tỏ cùng ai.
Quay trở lại với hai bản Final Fantasy VII và bộ kỹ năng Limit Break của Aerith. Phong cách chiến đấu của cô nàng bán hoa trong suốt quãng thời gian qua hầu như không có gì thay đổi. Cô thường sử dụng gậy và quyền trượng để chiến đấu với vai trò hỗ trợ hồi máu cho các thành viên khác trong đội. Nói một cách dễ hiểu, Aerith thuộc về class pháp sư, mà pháp sư thì thường không có chỉ số vật lý cao nhưng bù lại, chỉ số Phép thuật (Magic) của cô nàng lại cao nhất cả hội. Qua đó người chơi nên để ưu tiên trang bị cho cô những viên material (một dạng tài nguyên trong game) Magic và Summon.
Bởi vì là lớp nhân vật hỗ trợ, nên đa phần các loại phép Limit Break của Aerith chỉ xoay quanh việc hồi máu, tăng cường (buff) sức tấn công và tốc độ chiến đấu cho các thành viên còn lại trong nhóm, gây ra hiệu ứng bất lợi cho quân thù. Một số ví dụ điển hình như Healing Wind và Pulse of Life (skill này cần phải cày để mở khoá) đều giúp phục hồi sinh lực cho team, hay với Seal Evil, Aerith có thể làm tê liệt kẻ địch và ngăn không cho chúng tấn công trong một khoảng thời gian ngắn. Hoặc là Breath of the Earth sẽ giúp chữa toàn bộ những hiệu ứng bất lợi mà quân ta đang bị ảnh hưởng.
Tương tự như Tifa, bộ chiêu thức đặc biệt của Aerith trong bản Final Fantasy VII Remake cũng được chăm chút và cải thiện một cách vô cùng tỉ mỉ. Tuy vẫn tập trung vào nhiệm vụ hỗ trợ đồng đội, nhưng lần này cô nàng pháp sư của chúng ta còn được phép sử dụng ba loại kỹ năng tấn công mới. Đầu tiên là Ray of Judgement, giúp tăng sát thương cho kẻ thù đang bị choáng, tiếp đến là chiêu thức gây sát thương diện rộng Sorcerous Storm và cuối cùng là Fleeting Familiar, giúp tăng sát thương cho tất cả những đòn đánh của Aerith.
Bên cạnh đó, Aerith còn xuất hiện trong rất nhiều tựa game nổi tiếng khác của hãng Square Enix và mỗi lần như vậy, cô đều diện một bộ trang phục mới. Ví dụ như trong Crisis Core: Final Fantasy VII (2007), cô mặc một bộ đầm màu trắng xanh, bên dưới là một chiếc áo thun hai dây màu đỏ, chân mang đôi giày sandal với quai màu hồng. Còn trong Kingdom Hearts II (2005), Aerith mặc một chiếc áo trắng sọc đỏ với dây vải buộc quanh cổ và một bộ váy trắng hồng. Trong Before Crisis: Final Fantasy VII (2004), bộ váy của cô nàng sẽ có màu trắng xanh.
Jessie Rasberry
Jessie Rasberry là chuyên gia kỹ thuật của Barret, cô đảm nhiệm vai trò cung cấp thuốc nổ, giấy tờ tuỳ thân giả và các vật phẩm quan trọng khác cho tất cả các thành viên của quân kháng chiến Avalanche. Sau này gặp được Cloud, cô nàng dần nảy sinh tình cảm với anh chàng lính đánh thuê, thường xuyên có những hành động tán tỉnh dễ thương hoặc thậm chí còn chủ động xung phong đi nhiệm vụ cùng với anh.
Jessie chào đời vào năm 1984, cha của cô là trưởng bộ phận bảo trì của Tập đoàn Năng lượng Shinra. Từ thuở nhỏ, cô nàng luôn khao khát được trở thành một diễn viên kiêm nghệ sĩ chuyên nghiệp và biểu diễn tại Gold Saucer – công viên giải trí nổi tiếng nhất của vũ trụ Final Fantasy nói chung và bản Final Fantasy VII Remake nói riêng. Thời gian thấm thoát thôi đưa, nhờ những nỗ lực không ngừng trong học tập cũng như công việc, Jessie đã đạt được ước mơ của mình. Cô được được chọn vào vai nhân vật Công Chúa – một trong những vai diễn đắt giá nhất của Gold Saucer ngay tại thời điểm đó và điều này đã khiến cho gia đình của cô cảm thấy vô cùng tự hào.
Tuy nhiên ngay trước đêm khai mạc, trong lúc làm việc cha của Jessie bất ngờ đột quỵ vì quá sức, ông ngã gục ngay cạnh lò phản ứng Mako của tập đoàn Shinra và rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Sự việc này đã phần nào làm thay đổi con người, cũng như tính cách của Jessie. Cô nàng đã quyết định sẽ giã từ sự nghiệp diễn xuất và đến nhờ sự giúp đỡ của quân kháng chiến Avalanche, với mục đích không chỉ muốn tìm cách để giúp cho cha mình tỉnh dậy, mà còn để giúp ngăn chặn sự bành trướng của Tập đoàn Năng lượng Shinra.
Scarlet
Cuối cùng chúng ta sẽ đến với Scarlet – nữ phản diện mưu mô xảo quyệt nhưng không kém phần gợi cảm của cả hai phiên bản, Final Fantasy VII và Remake. Bà chị này là Trưởng bộ phận Phát triển vũ khí của Tập đoàn Năng lượng Shinra. Không những thế, Scarlet còn là một người phụ nữ cực kỳ tàn nhẫn, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để hoàn thành được nhiệm vụ được giao hoặc cho đến khi nào tiêu diệt được mục tiêu của mình.
Tuy rằng đây là nhân vật phản diện, song với ngoại hình “chuẩn mlem”, đôi gò bồng đảo căng mọng và những đường cong vô cùng gợi cảm (chuẩn gái Tây), Mọt tui cảm thấy sẽ thật là bất công nếu không đưa bà chị vào danh sách những bóng hồng của Final Fantasy VII.
Trong bản làm lại của phần VII (Final Fantasy VII Remake), ra mắt vào ngày 10 tháng 4 năm 2020, người hâm mộ còn có cơ hội được hiểu thêm về con người cũng như tính cách của nhân vật Scarlet. Bà chị không chỉ đơn thuần là Trưởng bộ phận Phát triển Vũ khí, mà còn là nữ Giám đốc Điều hành đầy tham vọng của tập đoàn Shinra. Không những thế, Scarlet còn là một người cực kỳ say mê với những thiết bị máy móc hiện đại, cũng như các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt.