Chính sách của Sony khiến các hãng game indie điêu đứng? Update 12/2024

Ngày nay chúng ta không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của những tựa game có kinh phí thấp được thực hiện bởi các nhà phát triển nhỏ lẻ, hay còn gọi là game indie. Thế nhưng tại một diễn biến khác, một số tập đoàn lớn lại chỉ quan tâm và tập trung vào việc ký kết hợp đồng với những studio lớn để thực hiện những tựa game bom tấn với lượng ngân sách khổng lồ. Và có vẻ như Sony cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Lưu ý: Bài viết được thực hiện dựa trên quan điểm của tác giả.

Sony hiện đang gây khó khăn cho các studio game độc lập?

Hiện nay trong khi nhiều tựa game “khủng” đến từ các studio có tiếng tại Nhật Bản, điển hình như phần Final Fantasy VII Remake của Square Enix, luôn nhận được sự ưu ái đến từ phía Sony vì phù hợp với chiến lược đầu tư và phát triển bom tấn của hãng, thì phần lớn các studio nhỏ trong nước dường như chẳng còn thiết tha với nền tảng PlayStation.

Bằng chứng cho thấy trong suốt khoảng thời gian vừa qua, công ty gần như kết thúc mọi mối quan hệ với không ít nhà phát triển indie Nhật từng gắn bó với hãng, điều này đã khiến cho nhiều đơn vị buộc lòng phải tạm biệt nền tảng độc quyền PS và tìm đến các nền tảng khác như Xbox của Microsoft và Steam của Valve… Thậm chí một số nhà phát triển còn quyết định sẽ “tự lực cánh sinh” bằng cách gọi vốn cộng đồng.

Đầu tháng 4 năm 2021, Sony đã quyết định sáp nhập Japan Studio với Team Asobi. Dành cho những ai chưa biết thì cả hai công ty nói trên đều là những studio game first-party (các bên tự sản xuất game) của hãng, từng thực hiện nhiều tựa game đình đám. Ví dụ như Gravity Rush, game hành động phiêu lưu trên hệ máy PSVita hay siêu phẩm hành động nhập vai Bloodborne độc quyền trên PS4 và Astro’s Playroom, một tựa game 3D platformer dùng để trải nghiệm các tính năng mới của tay cầm DualSense trên PS5.

Ngay tại thời điểm đó, nhiều nguồn tin đã xác nhận ngoài Team Asobi ra, Sony sẽ không gia hạn hợp đồng cho bất cứ studio nào khác (bao gồm Japan Studio), vì cho rằng những công ty này không có khả năng mang lại đủ lợi nhuận để có thể tiếp tục phát triển những dự án ban đầu. Điều này dẫn đến việc nhiều nhân viên của Japan Studio chính thức nói lời chia tay với các hãng. Mãi đến tháng 6 năm 2021, Team Asobi (cùng với những thành viên còn lại của Japan Studio) được sáp nhập với PlayStation Studios.

Sony hiện đang gây khó khăn cho các studio game độc lập?

Sự việc nói trên đã khiến cho rất nhiều nhà phát triển game độc lập lẫn cộng đồng game thủ trên toàn thế giới chú ý. Không ít người cho rằng đó là những quyết định khá bất công đối với một studio lớn, có tuổi đời lên đến hơn 20 năm (Japan Studio) tuy nhiên, nếu xét theo góc nhìn của các tập đoàn lớn về việc kinh doanh, thì đó là những quyết định không thể tránh khỏi. Rõ ràng khi một thứ gì đó không mang lại hiệu quả như mong đợi, chúng ta sẽ có ba sự lựa chọn cơ bản nhất: một là tìm cách thay đổi, hai là đập đi xây lại và cuối cùng là dẹp hẳn để cắt lỗ.

Tương tự như vậy, những tựa game indie, bất kể là đến từ Nhật Bản hay từ các quốc gia khác, đều không thể nào mang lại lợi nhuận bằng hoặc hơn những bom tấn AAA mang tính thương mại, như Fortnite và Apex Legend chẳng hạn. Nói trắng ra trong một ngày chúng có thể kiếm được cho Sony và các đơn vị phát hành game cả đống tiền chỉ với những bộ skin và đủ các loại phụ kiện trang trí. Trong khi đó, những game với kinh phí phát triển thấp hầu hết chỉ cần mua một lần là xong.

Trong những cuộc phỏng vấn với cánh nhà báo, không ít nhà phát triển độc lập liên tục phàn nàn về cách thức hoạt động và các chính sách cấp phép của Sony. Vì lý do bảo mật danh tính, Mọt tui sẽ không nêu tên cụ thể nhưng đại khái câu chuyện là như thế này. Đại diện của một công ty game chia sẻ: “Ừ thì hiện tại trên thị trường đang có Nintendo, Microsoft và nhiều tập đoàn lớn khác luôn hết lòng hỗ trợ chúng tôi (các studio game indie), nhưng chỉ riêng ông Sony là quan tâm đến số tiền mà cái đống game 3A thu về mà chẳng quan tâm gì đến mọi người xung quanh.”

Tiếp đến là nhận định đến từ phía một nhà phát triển khác: “Tất nhiên chẳng có nền tảng nào là hoàn hảo cả nhưng riêng Sony thì phải nói là rất tệ. Điều khiến nhiều người cảm thấy khó chịu nhất là ngay cả bản thân họ cũng nhận thức được điều đó, nhưng cho dù cứ nói hoài nói mãi, họ vẫn chẳng chịu thay đổi và câu chuyện cứ quanh đi quẩn lại chỉ có thể.”

Bên cạnh đó, cũng có nhiều chia sẻ nói về việc Sony luôn sẵn lòng thu phí các bộ dev kits (bộ công cụ dùng để phát triển game) nhưng lại không cung cấp những tính năng cơ bản nhất để giúp đỡ các công ty nhỏ trong việc phát hành game. Chẳng hạn như những bài đăng và trang web giới thiệu sản phẩm. Trong khi đó với những nền tảng khác như Steam của Valve, Switch của Nintendo hoặc Xbox của Microsoft, họ được hỗ trợ gần như từ A đến Z và hầu hết các dịch vụ, các bộ công cụ đều được cung cấp hoàn toàn miễn phí.

Ngoài ra các studio nhỏ thường phải chờ hồi âm từ phía Sony (nhiều khi phải mất đến một hoặc hai tháng), chưa kể đến việc nếu muốn bán game, họ buộc phải chờ hãng mời vào chương trình bán hàng. Điều này cũng chính là một trong những yếu đố đã làm ảnh hưởng đến doanh số của những tựa game indie. Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại, người hâm mộ đôi khi cũng cần phải hiểu rằng mục tiêu mà Sony đang muốn tập trung vào, đó chính là đẩy mạnh thị trường game AAA cao cấp. Thế nên có thể nói đây là những chuyện hết sức bình thường, hay thậm chí là xảy ra như cơm bữa trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử.

Sony hiện đang gây khó khăn cho các studio game độc lập?

Nhưng nếu đối xử không công bằng hoặc không tốt với các đối tác kinh doanh thì đó chắc chắn sẽ không phải đường lối phát triển lâu dài, chí ít thì theo Mọt tui nghĩ như vậy. Sự việc tương tự cũng đã từng xảy ra với Nintendo. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, tuy Nintendo dẫn đầu thị trường game gia đình với hệ máy NES nhưng với chính sách cấp phép ngặt nghèo, các đơn vị thuộc bên thứ ba buộc lòng phải phản ứng dữ dội.

Không những vậy ngay tại thời điểm đó, hãng game còn phải đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế tại Nhật Bản, cùng với sự cạnh tranh đến từ đối thủ lâu năm là SEGA và tên tuổi mới xuất hiện là Sony. Thế là họ bắt đầu trở nên yếu thế trong suốt ngần ấy năm và mãi cho đến khi hệ máy chơi game cầm tay Switch xuất hiện, Nintendo mới thực sự trở lại với cuộc đua trên thương trường và giành lại được sự tin yêu từ người hâm mộ.

Về phần Sony, khi quay ngược dòng lịch sử, chúng ta có thể thấy rằng thực chất từ trước đến nay, hãng chỉ luôn tập trung vào những thương hiệu đình đám, bất kể đó là sản phẩm đến từ bên thứ nhất hay là thứ ba. Và rõ ràng điều đó đã cho chúng ta thấy được sự thành công cũng như sức ảnh hưởng mà họ đã mang đến cho ngành công nghiệp trò chơi điện tử.

Tất nhiên, trong khoảng thời gian gần đây đã có rất nhiều lời phàn nàn về chính sách và cách thức hoạt động của Sony, nhưng luôn tồn tại một yếu tố khiến cho những người trong ngành luôn cảm thấy hài lòng mỗi khi có cơ hội được hợp tác và làm việc cùng với hãng, đó chính là sự tiếp đón nồng hậu của công ty dành cho tất cả mọi người. Hầu hết các studio game đều cảm nhận được rằng bất kể họ có làm gì đi chăng nữa, thì tất cả cống hiến của họ ít nhiều gì cũng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền tảng PlayStation.

Sony hiện đang gây khó khăn cho các studio game độc lập?

Thành thực mà nói thì điều đó rất đáng để hoan nghênh tuy nhiên, nếu như những tình trạng nói trên cứ tiếp tục kéo dài mà không có hướng giải quyết hiệu quả, thì sớm muộn gì các hãng game độc lập cũng sẽ nói lời chia tay với hãng và trong trường hợp xấu nhất, những công ty sinh sau đẻ muộn sẽ cảm thấy vô cùng ái ngại mỗi khi nhắc đến vấn đề hợp tác cùng Sony.

(Lược dịch từ GamingBolt)