Có những thứ về game đắt đến mức bán nhà cũng chưa chắc mua nổi Update 11/2024

Thiết nghĩ việc nạp cả đống tiền vào game online, mua các bản collector’s edition hay đăng ký các gói VIP dài hạn là điều mà nhiều tay chơi có máu mê thực hiện. Tuy nhiên có thể anh em chưa biết rằng đó chỉ là muỗi so với những thứ thoạt nhìn cũng “không đến nỗi đắt lắm” nhưng thực tế trị giá cả gia tài mà Mọt có livestream cầu donate cả đời cũng chưa đến 1/100.000 con số đó. Nếu anh em thắc mắc ba cái đồ quỷ đó là thứ gì đắt đỏ thế thì hãy xem qua danh sách này và cũng đừng hết hồn vì thật sự có người đã cà thẻ chi ra cả núi tiền để sở hữu chúng mà mặt không biến sắc.

Tài khoản Steam đắt nhất thế giới đâu đó khoảng 6 tỷ VNĐ

Đầu tiên tài khoản game này được gọi là đắt nhất thế giới không phải vì nó được mua đi bán lại hay số lượng game được mua mà bởi vì bộ sưu tập các huy hiệu (badge) mà nó đang sở hữu. Theo đó, tài khoản của người chơi có nickname St4ck đang sở hữu tới 6500 huy hiệu vàng cùng với 566 huy hiệu bạc với tổng giá trị lên tới 242,881 USD khiến cho tài khoản này trở thành tài khoản Steam đắt giá nhất hành tinh.

Nếu bạn là người chơi hệ PC chắc cũng nắm được sơ sơ rồi còn nếu vẫn chưa hiểu badge là cái giống gì mà đắt như vậy thì đầu tiên Steam tạo ra hệ thống huy hiệu và trading card để người dùng có thể cá nhân hóa profile của bản thân cho không đụng hàng với ai hết. Trong đó Steam trading card là vật phẩm ngẫu nhiên được trao tặng khi anh em đang trải nghiệm trò chơi hoặc nạp tiền và khi thu thập đủ thẻ chúng ta có ghép thành huy hiệu.

Game và những thứ đắt đến mức bán nhà cũng mua không nổi - Mọt Game

Ủa, chỉ vậy thôi thì mắc gì phải cày cuốc, nạp tiền hay lên chợ trao đổi chi cho cực vậy? Đầu tiên huy hiệu dùng để trưng cho đẹp profile Steam. Sau đó với mỗi cấp huy hiệu bạn sẽ nhận được 1 hình nền và 1 biểu tượng cảm xúc đặc biệt dùng khi chém gió với bằng hữu trên Steam. Giải quyết xong cái khâu đẹp kế đến sẽ là khâu oai khi ghép xong một huy hiệu bạn sẽ nhận được EXP để lên level Steam. Level Steam cao sẽ giúp bạn có thêm slot trong friendlist cũng như slot showcase trong profile. Lên đến một cấp độ nào đó sẽ được “đổi màu” Steam nữa.

Đến đây thì anh em cũng hiểu vì sao tài khoản của St4ck vì sao đắt đỏ rồi chứ? Vì thực tế không thể nào đủ thời gian cày cuốc số lượng trading card để ghép thành từng ấy huy hiệu và chắc chắn cà thẻ nạp tiền  hay lên chợ mua card về ghép huy hiệu là cách đơn giản nhất và dĩ nhiên cũng là tốn kém nhất. Ngoài ra anh chàng (hoặc cô nàng) này cũng khá chịu chi khi bỏ ra số tiền 36,232 USD để mua game, dù thực tế tài khoản này chủ yếu chỉ chơi các trò như CS: GO, H1Z1: King of the Hill, APB Reloaded và The Elder Scrolls Online, các game còn lại hầu như không được ngó ngàng đến.

Chẳng ai biết được danh tính cũng như diện mạo thật của St4ck nhưng nghe đồn y là một thành viên của hoàng gia Qatar hay thậm chí hoang đường hơn là chức sắc cấp cao trong hội kín Illuminati. Nhiệm vụ của gã là là dùng game để tẩy nào toàn nhân loại với bước đầu tiên là khiến bàn dân thiên hạ hết hồn với cái tài khoản Steam trị giá sáu tỏi VNĐ của mình.

Thẻ bài Pokemon từ trăm nghìn đến triệu đô, nhìn vào là rét ngay

Ừ thì Yugi-Oh đã phổ cập cho chúng ta khái niệm về một tấm giấy được in màu mè hoa lá hẹ có thể đắt đến mức không tưởng nhưng thực ra trước khi gã thần bài chuyên chơi hack làm mưa làm gió thì Pokemon hay xưa hơn nữa là Magic: The Gathering đã xác định một điều bất hủ, đó là cái giá phải trả khi lỡ sa chân vào thú vui này chưa bao giờ rẻ.

Còn nhớ hồi năm 2018, nhà đấu giá trực tuyến eBay đã hoan hỉ cho biết, họ đã đấu giá thành công lá bài Black Lotus trị giá 87,672 USD (tương đương 2 tỷ VNĐ). Đây là một trong số những lá bài được bán với giá đắt nhất trong lịch sử liên quan đến tựa game Magic: The Gathering này. Không thua kém người tiền bối, game thẻ bài Pokemon cũng có những lá bài chỉ nghe giá thôi mà Mọt đã muốn lên cơn nóng lạnh.

Game và những thứ đắt đến mức bán nhà cũng mua không nổi - Mọt Game

Đấu tiên hãy đến với món khai vị cùng lá bài Lugia 1st Edition Neo Genesis. Cũng giống như Mewtwo, Lugia không chỉ là một trong những Pokemon huyền thoại, mà còn là một phần ký ức tuổi thơ của nhiều trẻ em trên toàn thế giới. Chú chim này xuất hiện lần đầu tiên trong bộ phim hoạt hình Pokemon: The Movie 2000 vào năm 1999. Với tuổi thọ lâu đời, Lugia 1st Edition Neo Genesis (phiên bản đầu tiên) đã nhanh chóng trở thành một trong những thẻ bài Pokemon hiếm và đắt giá nhất trên toàn thế giới. Vào tháng 11 năm 2020, một phiên bản Lugia 1st Edition Neo Genesis đời đầu đã được bán với giá 129.000 USD trong cuộc đấu giá tại trang thương mại điện tử PWCC.

Có giá hơn trăm nghìn nhưng Lugia 1st Edition Neo Genesis cũng chỉ là sự mở đầu nhẹ nhàng nếu so với kẻ nối tiếp mang tên Pikachu Illustrator. Số là vào năm 1997, CoroCoro Comics đã tổ chức cuộc thi hội họa và phần thưởng cho những người chiến thắng chính là thẻ bài Pikachu Illustrator. Trong 5 năm sau đó, những tấm thẻ này liên tục được ‘sang tay’ từ người chơi này đến nhà sưu tập kia, với mức giá dao động từ 195.000 USD cho đến 200.000 USD. Đến năm 2020, một lá bài Illustrator đã được bán ra với giá 250.000 USD. Được biết hiện tại chỉ có 20 thẻ Pikachu Illustrator được sản xuất. Không những thế, theo các chuyên gia thẩm định, giá trị của những thẻ Pokemon này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong những năm sắp tới.

Nói về Pokemon chắc chắn không thể nào không nói đến Charizard. Ai mà không biết chú rồng lửa này thì chắc chắn chưa chơi game hay xem Pokemon bao giờ. Charizard không chỉ gắn bó với tuổi thơ của rất nhiều fan hâm mộ Pokemon, đặc biệt là đối với những dân chơi thuộc thế hệ 8x, 9x. Mà còn là một trong những sinh vật quan trọng nhất của thế giới Pokemon. Những phiên bản thẻ bài đầu tiên của Rồng Charizard (Charizard 1st Edition) được ra mắt vào năm 1999 rõ ràng là rất đắt, song vẫn không thể nào đắt bằng bản ‘Shadowless’ (phiên bản không in bóng) cùng loại.

Vào ngày 9 tháng 10 năm 2020, Logic – cựu rapper kiêm streamer nổi tiếng trên Twitch, đã trả hơn 226.000 USD cho một tấm thẻ bài 1st Edition Charizard Grade 10. Hai tháng sau, trong phiên đấu giá trên PWCC, một dân chơi đã trả 369.000 USD để mua một chiếc thẻ khác. Số tiền khổng lồ này đã khiến cho Charizard 1st Edition Shadowless Grade 10 trở thành một trong những thẻ bài Pokemon đắt giá nhất từng được rao bán, tính đến thời điểm hiện tại nhưng anh em hãy uống thuốc trợ tim đi vì nó chưa là gì so với thứ nằm bên dưới đâu.

Được biết thông thường các thẻ bài Trophy sẽ được chia làm ba loại tương ứng với ba thứ hạng cao nhất trong các giải đấu Pokemon, bao gồm Bronze (Hạng Ba), Silver (Hạng Nhì) và cuối cùng là Gold (Hạng Nhất). Các loại thẻ đặc biệt này, chính là phần thưởng vô giá dành riêng cho những người chiến thắng trong các Giải vô địch Thế giới, được tổ chức tại Nhật Bản. Theo Mọt tìm hiểu, trên toàn thế giới chỉ có vỏn vẹn 4 thẻ Trophy Pikachu Gold 1st Place và một trong số đó, hiện đang được rao bán trên eBay với giá 2.000.000 USD. Tuy nhiên, đến nay chủ sở hữu vẫn chưa tìm được người mua, chắc có lẽ cũng bởi vì giá tiền của lá bài này… quá chát.

Băng game Super Mario siêu hiếm được sang tay 660 nghìn đô

Khi nói đến các trò chơi kinh điển một thời trên hệ máy NES huyền thoại, thật khó tha thứ nếu có ai đó “dám” bỏ qua cái tên Super Mario Bros. Tựa game này này chắc chắn là một trong những sáng tạo mang tính biểu tượng của mọi thời đại mà sau nhiều năm nữa chúng ta vẫn còn nói về nó. Giá trị của Mario không chỉ nằm ở những khái niệm văn hóa đại chúng đầy trừu tượng mà còn rất thực tế kiểu cơm áo gạo tiền khi những món đồ liên quan đến tựa game này đều được các nhà sưu tập săn lùng với mức giá cao ngất ngưỡng. Trong trường hợp này là một băng cartridge được sản xuất và trung ra thị trường vào năm 1986.

Vào tháng 4/2021, nhà đấu giá Heritage Auctions đã bán thành công một băng game Super Mario Bros cực hiếm dành cho hệ máy Nintendo Entertainment System với giá 660 nghìn đô la Mỹ (khoảng hơn 15 tỷ Việt Nam đồng), phá vỡ kỷ lục thế giới trước đây được nắm giữ bởi một bản game Super Mario Bros 3 ( bán với giá 156 nghìn đô vào tháng 11 năm 2020). Có hai lý do khiến bản game này đạt được giá cao như vậy. Đầu tiên là bởi vì tình trạng của nó còn nguyên như mới.

Ngay cả tấm thẻ nhựa để treo game cũng còn nguyên vẹn. Thêm vào đó, nó cũng là một trong những băng game đầu tiên được Nintendo mở bán trong một khoảng thời gian ngắn vào năm 1986 trước khi thay đổi bao bì. Nghe đồn băng game Super Mario Bros này vốn được mua để làm quà giáng sinh vào năm 1986, tuy nhiên người mua lại để quên nó ở trong ngăn kéo trong gần ba thập kỷ. Vậy là nhờ vào trí nhớ kém của mình mà người này bỗng dưng có được cả một gia tài.

Chắc Mọt cũng nên bắt đầu đi mua đĩa game rồi giả vờ quên luôn quá. Tuy nhiên với việc giá cả của các thẻ bài và game tăng nhanh một cách chóng mặt trong khoảng thời gian gần đây. Có ý kiến cho rằng thay vì vui mừng vì giá trị của game bắt đầu được coi trọng thì game thủ nên lo lắng nhiều hơn. Vì sao? Bởi vì đặt ra những mức giá vô lý như thế này có thể gây ảnh hưởng tới khả năng lưu trữ những trò chơi hiếm của anh em trong tương lai. Không chỉ vậy, có khả năng những băng và đĩa game này cũng sẽ trở nên giống như những bức tranh cổ điển – trở thành những dụng cụ để rửa tiền.

Dĩ nhiên thể thao điện tử cũng không thua chị kém em

Tuy sinh sau đẻ muộn nhưng thể thao điện tử đã nhanh chóng chứng tỏ các đại gia trong bộ môn này cũng nhiều không kém gì băng cá voi trong những thể loại game truyền thống. Từ con dao bướm Doppler Sapphire cho đến AWP Souvenir Dragon Lore hay quái gở hơn là skin cho găng tay thể thao Pandora’s Box. Tất cả đều chứng minh một chân lý bất biến, thứ gì được mua bằng rất nhiều tiền thì thứ đó chắc chắn sẽ đắt đỏ.

Đầu tiên hãy đến với mức giá mới nhất vừa bị các nhà sưu tập Trung Quốc phá vỡ. Thật ra tôi không ngạc nhiên vụ này cho lắm bởi cái gì Trung Quốc thiếu chứ tiền thì không. Mới đầu năm nay cộng đồng game thủ CS:GO đã phát sốt với thông tin “giao dịch lớn nhất trong lịch sử của tựa game” đã được thực hiện với mức giao dịch trị giá 780.000 đô la Mẽo. Trong khi một số người chơi chờ đợi sale trong suốt cả năm để tích cóp vài skin giá rẻ cho súng lục của họ thì tại xứ sở gấu trúc có hai ông kẹ đã lạnh lùng xuống tay cho AK-47 Case Hardened và súng nhắm AWP Dragon Lore mà không có chút run rẩy nào.

Game và những thứ đắt đến mức bán nhà cũng mua không nổi - Mọt Game

Tôi không chơi CS:GO nên cũng không hình dung được vụ giao dịch này nó khiếp đến thế nào nhưng ít nhất tôi biết gần 800 ngàn đô là khoản tiền mà chắc đời này họa may trúng Vietlott mình mới có thể nhìn thấy được. Đối với những người bình thường, có thể khó mà tin rằng ai đó lại cà thẻ hết 780.000 đô la cho một món đồ ảo trong game nhưng vấn đề người giàu tiêu tiền hẳn có lý do của họ. Chúng ta chỉ đành chép miệng tiếc nuối rằng hóa ra đầu thai cũng là một môn học vấn đầy tính nhân văn mà thôi.

Ngoài phi vụ giao địch gây chấn động hồi đầu năm trong tựa game của Valve cũng vẫn có nhiều món hàng giá trị khác mà nội nghe mức giá không thôi cũng đủ thấy “rét”. Có thể kể đến một vài ví dụ điển hình như: StatTrak™ M9 Bayonet (Crimson Web) đâu đó 15.000 USD, Factory New Howl (ST) – 40.000 USD hay skin Case Hardened AK-47 (ST MW 661) có 4 biểu tượng Titan | Katowice 2014 giá 150.000 USD.

Và những thứ lặt vặt nhưng có thể đắt hơn cả vàng

Là một series game nổi tiếng vì sự hài hước và bẩn bựa của mình, Saint’s Row chưa bao giờ thiếu những trò chơi trội. Vì thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi đội ngũ phát triển Volition công bố một phiên bản game đặc biệt duy nhất có giá 1 triệu USD. Dĩ nhiên đây chỉ là một trò đùa cho vui kèm thêm hiệu ứng truyền thông để quáng bá cho tựa game khi vừa ra mắt nhưng nếu bạn giàu và sẵng lòng quẹt thẻ chịu mua thì Volition ngại gì mà không bán, vì nó quá được giá luôn.

Những vật phẩm mà bạn sẽ nhận được khi chịu chi 1 triệu USD cho bản game này bao gồm game (dĩ nhiên), một vé bay lên không gian do hãng Virgin Galactic cung cấp, 2 chiếc xe hơi Lamborghini Gallardo và Toyota Prius, vé máy bay đến Dubai, một tuần ở miễn phí tại phòng Top Royal của khách sạn Burj Al Arab (Dubai), nhiều coupon phẫu thuật thẩm mỹ, khóa huấn luyện gián điệp cùng nhiều thứ linh tinh khác bao gồm trải nghiệm bị tổ chức khủng bố giả mạo bắt cóc làm con tin (dĩ nhiên sẽ được giải cứu vì chỉ là trò chơi cảm giác mạnh). Tuy nhiên nếu có 1 triệu USD trong tay, việc mua bản game này rất phí tiền bởi theo ước tính, giá trị của tất cả những vật phẩm cùng dịch vụ này chỉ vào khoảng 630.000 USD mà thôi.

Ngoài game offline tặng kèm đồ chơi thì game online cũng không hề kém cạnh khi sở hữu nhiều vật phẩm ảo khiến người ta ngạc nhiên vì mức giá của chúng. Còn nhớ khi Diablo 3 còn tính năng giao dịch trang bị thông qua sàn đấu giá bằng tiền thật. Món vũ khí mang tên Echoing Fury, được coi là hiếm nhất và có giá trị nhất thời điểm ấy. Cây chùy đặc biệt này không hề thu hút được sự chú ý của người chơi cho tới khi giá bán của nó tăng vọt từ 250 USD lên tới 14,000 USD hay tương đương 40 tỷ tiền vàng trong game. Mức giá được đẩy lên cao thông qua vô số lần giao dịch, mua đi bán lại vài lần trước khi trở thành món hàng đắt đỏ nhất. Đáng mua hay không thì tùy nhận định nhưng một cây katana hàng thật loại mài bén vẫn xài được nhưng chủ yếu để treo làm phong thủy có giá chỉ bằng 1/10 Echoing Fury.

Cách đây tròn 10 năm, tại Trung Quốc nhà phát hành Snail Games từng tổ chức một cuộc đấu giá vật phẩm độc quyền trong game online Cửu Âm Chân Kinh hết sức đình đám. Một số món vũ khí đã được bán đi với giá từ 1,000 USD cho tới 2,500 USD, nhưng có một món hàng đã thu hút sự chú ý và làm lu mờ tất cả những thứ còn lại. Cụ thể võ lâm chí tôn bảo đao Đồ Long đã được bán đi với giá 10 vạn nhân dân tệ (tương đương 16,000 USD) cho một fan cực kỳ trung thành, người sẵn sàng chi ra cả một gia tài vì một vật phẩm ảo. Nhưng nếu Echoing Fury ít ra còn có thể dùng để đánh quái trong game thì thất chủng binh khí (7 loại vũ khí chí tôn hư cấu trong binh khi phổ cũng hư cấu nốt của Bách Hiểu Sinh) chỉ là hàng skin. Tức là đeo lên người đứng giữa thành thị và múa cho đẹp nhằm giải quyết khâu oai chứ không có bất kỳ tác dụng gì khác.

Game và những thứ đắt đến mức bán nhà cũng mua không nổi - Mọt Game

Và cũng để chốt lại nội dung ngày hôm nay, mời anh em cùng Mọt đến với vụ làm ăn có lãi duy nhất từ đầu tới giờ khi vung tiền mua đồ trong lẫn ngoài game. Được biết Entropia là tựa game nhập vai trực tuyến được sản xuất ra cho những ‘’doanh nhân’’ trong game. Trong trò chơi anh em có thể mua và bán tất cả các vật phẩm bản thân có được, bao gồm một hành tinh nếu đủ khả năng tạo ra cái đồ chơi đó. Theo thống kê thì game thủ kinh doanh thành công nhất trong quá trình làm giàu từ Entropia không ai khác ngoài thanh niên Jon Jacobs. Nhà đầu tư online này đã mua hẳn một tiểu hành tinh, rồi biến nó thành khu nghỉ dưỡng cực xịn trong game rồi đặt tên là Club Neverdie. Thông qua Club Neverdie, Jacobs thu về một khoản kha khá và nếu gã không nói xạo thì nghe đâu kiếm khoản 200,000 USD/năm từ tiền vé tham quan của khách du lịch ảo. Sau khi cảm thấy đã kiếm đủ, đến năm 2010 Jacobs sang tay luôn Club Neverdie cho nhà đầu tư khác với giá 635,000 USD. Thật đáng ngưỡng mộ!!!