Gia đình “cực phẩm” trong thế giới game và may là nó chỉ xuất hiện trong game Update 12/2024

Gia đình không chỉ đơn thuần là tổ ấm của mỗi người, là nơi chúng ta tìm về sau những giờ làm việc và học tập căng thẳng, mà còn là nơi nuôi dưỡng, hình thành và góp phần phát triển nhân cách con người. Chủ đề gia đình cũng là một trong những yếu tố cực kỳ cần thiết trong việc phát triển tính cách của các nhân vật trong trò chơi điện tử. Không ai tự nhiên vừa sinh ra đã trở thành bựa nhân kiểu Anatoly Cherdenko trong Red Alert 3 hay nhìn mặt với nghe cái giọng ẻo lả thôi đã muốn cho ăn đấm như gã Adoring Fan của Oblivion.

Mọi cá nhân đều có một bối cảnh nhất định để xây dựng nên những tình huống oái oăm đồng thời dẫn dắt game thủ đến với vô vàn những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn. Và dĩ nhiên gia đình là phần không thể thiếu để giải thích cho việc vì sao “cái thằng cha ấy lại khó ưa như vậy”, cho nó hợp tình hợp lý. Để chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam (28/06/2021), Mọt tui đã tổng hợp được một vài kiểu gia đình “cực phẩm”, có một chút sự kỳ quặc mà ít nhiều gì các anh em cũng đã có cơ hội được gặp trong thế giới game, hoặc thậm chí là cả bên ngoài đời thật. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nào.

Tín ngưỡng là điều tốt nhưng cuồng tín thì không

Chúng ta sẽ bắt đầu với gia đình nhà Kenway trong hai phần Assassin’s Creed III và cả Assassin’s Creed Black Flag. Có thể nói rằng đây là một trong những gia đình khiến cho người hâm mộ của dòng game sát thủ phải nuối tiếc bởi những câu chuyện chẳng ai có thể ngờ tới được. Nhà Kenway hay đối với game thủ thì thú vị nhất vẫn là Edward Kenway (nhân vật chính của Black Flag),

Gã được xem là nhân vật quan trọng trong cuộc chiến trường kỳ giữa Hội Sát thủ và Hội Templar xuyên suốt từ Thời kỳ Hoàng kim của Cướp biển (từ năm 1650 cho đến năm 1730), Cuộc chiến Bảy năm (từ năm 1756 cho đến năm 1763) giữa liên minh của Vương Quốc Anh với liên minh Vương quốc Sachsen, cùng với Pháp, Áo, Nga, Thụy Điển và cuối cùng là Cách mạng Mỹ (từ năm 1775 cho đến năm 1783).

Ngày Gia đình 2021: Những kiểu gia đình "cực phẩm" trong thế giới game

Riêng về bản thân của Edward thì đây là một trong những nhân vật vô cùng nổi tiếng của dòng Assassin’s Creed, nên Mọt tui sẽ không nói quá nhiều về ông này nữa. Hầu hết chúng ta đều biết được vì ước mơ muốn đổi đời, cũng như muốn mang đến cho người vợ một cuộc sống xa hoa phú quý, nên y đã dứt áo ra đi và quyết tâm làm giàu bằng cách trở thành thuỷ thủ đoàn của một con tàu tư nhân làm việc cho chính phủ. Để rồi định mệnh bất ngờ đưa chân gã đến với hội Sát thủ và trở thành Master Assassin (Bậc thầy Sát thủ).

Mãi về sau, khi tất cả những sự kiện của Black Flag đã kết thúc, Edward quay về nước Anh và cưới một người phụ nữ tên là Tessa Stephenson-Oakley, sau đó họ sinh ra một bé trai kháu khỉnh tên là Haytham Kenway. Nghe quen quen hem? Đúng rồi thanh niên này có màn đóng vai chính ngắn ngủi ở phần dẫn nhập của Assassin’s Creed III đó. Haytham cũng chính là thành viên của Hội Templar và luôn muốn tìm cách để xoá sổ cả Hội Assassin. Tại sao ư? Nói chung thì câu chuyện khá là dài dòng nhưng mà tóm gọi lại thì sẽ như thế này.

Kể từ khi sinh ra, Haytham đã được chính tay Edward dạy dỗ và nuôi nấng rất kỹ càng, với hi vọng rằng một ngày nào đó, đứa trẻ sẽ trở thành một trong những thành viên sáng giá nhất của Hội Sát Thủ và tiếp tục chiến đấu vì chính nghĩa theo góc nhìn của Hội. Tuy chính bản thân Edward lại là một người cha vô cùng nghiêm khắc, thường cấm cản cậu con trai giao du với những đứa trẻ hàng xóm nhưng Haytham không hề cảm thấy ghét bỏ mà vẫn cực kỳ tôn trọng và yêu thương cha mình.

Bằng chứng là mãi cho đến năm lên 8 tuổi (lúc này cậu bé chưa biết sự tồn tại của hội Assassin), sau khi Edward bị ám sát bởi hội Templar, Haytham đã rút kiếm ra và giết chết tên sát nhân. Tuy nhiên sau đó, cậu lại được kẻ chủ mưu của cuộc tấn công nhận nuôi và tên này đã gieo vào đầu óc của cậu những tư tưởng kiểu Templar là tốt Assassin là xấu và dần dần Haytham trở thành một trong những thành viên nguy hiểm nhất của Hội Templar tại Vương quốc Anh. Vốn chưa có cơ hội tiếp xúc với tín điều của Assassin, lại bị quán xuyến các tư tưởng cực đoan liên tục, giờ đây tất cả các thành viên của Hội Sát thủ đều là kẻ thù không đội trời chung trong mắt cậu.

Sau khi đặt chân đến Tân thế giới, trong khi thực hiện nhiệm vụ, Haytham đã phát sinh quan hệ thể xác với một người phụ nữ da đỏ mạnh mẽ và thông minh tên Kaniehtí:io và vô tình tạo ra “sản phẩm” mang số hiệu Ratonhnhaké:ton (Connor Kenway) mà không hề hay biết. Về phần Connor, từ nhỏ đã nung nấu mối thù với Templar vì cho rằng Charles Lee đã đốt làng trong quá trình tìm kiếm ngôi đền của Nền văn minh thứ Nhất. Thực tế đây chỉ là một vụ hiểu lầm nhưng dẫu sao thì bà Kaniehtí:io đã chết trong vụ hỏa hoạn khiến Connor – khi đã trưởng thành, quyết định sẽ gia nhập Hội Sát thủ để bảo vệ ngôi làng và những người thân yêu nhất của mình.

Đến khi Haytham phát hiện được Connor là máu mủ ruột thịt của mình, gã đã lén theo dõi mọi hành tung của cậu con trai. Dù cho lúc này hắn đã rất tự hào khi thấy Connor trở thành một chiến binh dũng mãnh, sẵn sàng xả thân để cứu giúp người vô tội nhưng cũng bởi vì tín ngưỡng về sự tự do của cả hai cha con hoàn toàn khác biệt nên cả hai cha con không thể cùng nhau đồng hành trên cùng một đường. Đó là sự nuối tiếc lớn lao bởi trong quá trình hợp tác họ tỏ ra vô cùng ăn ý khi người này gần như hiểu rõ phương thức hành động của người kia dù chưa từng luyện tập với nhau ngày nào.

Thậm chí khi xung đột về lý tưởng lên đến đỉnh điểm và không thể dung hòa, vì tín ngưỡng Haytham sẵn sàng xuống tay giết Connor nhằm bảo vệ cho những kế hoạch của Hội Templar được an toàn. Để rồi cuối cùng hắn đã chết dưới lưỡi dao sát thủ của cậu con trai. Nói chung là gia môn bất hạnh, gia chủ bất lực. Ông nội thì làm Sát thủ, đẻ ra đứa con tưởng chừng sẽ nối nghiệp gia đình ai ngờ nó lại đi làm Templar. Đã vậy ông thần này còn sinh ra thêm đứa cháu trở về với cội nguồn và bi kịch nhất là nó còn phải tự tay kết liễu ông cha của mình.

Haiza, thế mới nói tín ngưỡng là tốt vì có tín ngưỡng người ta mới có cơ sở và động lực để hướng thiện nhưng một khi đã tôn thờ tín ngưỡng đến mức trở thành cuồng tín thì nhiều hành vi rất khó lý giải và chấp nhận sẽ xuất hiện. Gần đây nhất bạn có nhớ cái Hội thánh truyền dịch gì đó hay không? Cũng là một trong những tác hại của việc cuồng tín đấy.

Thay vì yêu thương, họ trao nhau nắm đấm (và nhiều vũ khí khác)

Nhắc đến hai anh em song sinh của nhà Sparda (Vergil Dante) thì Mọt tui lại nhớ về mấy ông anh của mình cùng với mấy đứa em ruột của mấy ổng. Suốt ngày cứ như chó với mèo, không cãi nhau thì đánh nhau, y hệt với 2 thanh niên trong game Devil May Cry, tất nhiên là trừ đi cái khoản biến hình thành “quỷ form” để gia tăng sức mạnh và cầm kiếm “xiên” nhau.

Về cơ bản thì cả Dante và Vergil đều là con lai khi có mẹ là bà Eva (một người phụ nữ bình thường nhưng xinh đẹp tuyệt trần) và kỵ sĩ quỷ huyền thoại Sparda. Nếu đã từng xem Inu Yasha thì bạn biết rồi đó, mấy thằng con lai nó được buff kinh khủng đến cỡ nào. Thế nên hai ông thần song sinh nhà Sparda đều sở hữu đủ các loại năng lực dị thường kinh khủng khiếp. Và như một lẽ tất nhiên của mọi cuốn sách, bộ phim hay trò chơi hành động nào đó, lý tưởng của cả hai anh em song sinh này kiểu gì cũng hoàn toàn trái ngược nhau.

Dante thì theo kiểu old school tức là nguyện bảo vệ thế giới loài người dù muốn anh có thể thống trị nó cái một. Thằng anh Vergil thì bị kịch bản cho tẩy não với nhiều lý do nên rất muốn được thừa hưởng tất cả những thức sức mạnh bóng tối đến từ vương quốc quỷ của cha mình. Điều này đã phần nào tạo ra sự bất đồng giữa hai bên, đúng như câu nói “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Những mâu thuẫn cá nhân không thể được giải hoà lại tiếp tục tạo ra hiềm khích, để rồi căng thẳng dâng cao và cuối cùng là dẫn đến những trận đánh nhau, chém giết lẫn nhau.

Tôi cảm thấy cái kịch bản này nó khá là xàm lông khi mô tả Vergil là kẻ chối bó nhân tính trong con người anh và đi theo những di sản quỷ quyệt mà cha anh đã để lại. Ok, vậy thì theo lý thuyết ông anh quỷ quyệt với mái tóc bạch kim mượt mà như dùng OMO này phải là kẻ bất chấp thủ đoạn, kệ bà nhân tính vì là ác quỷ thì làm quái gì cái gọi là chơi đẹp hay phong độ nữa đúng không? Chỉ cần đạt được mục đích thì có cái nịt anh cũng cũng bán nốt. Nhưng rõ ràng trong nhiều trường hợp, khi Dante bị thương nặng, ta có thể thấy anh đầu bạc Vergil thường không chủ động tấn công chú em, mà chỉ đứng phòng thủ rồi nói nhảm sau đó thua cuộc như một lẽ tất yếu cái xấu bị trừng trị hay thâm thúy hơn là phản diện chết vì nói nhiều.

Lúc này ta cần nói thêm một chút về mối quan hệ giữa hai anh em với Sparda. Tuy rằng ông bô của nhà này được mệnh danh là một “con quỷ dũng mãnh”, nhưng đối với người đời và ngay cả gia đình, thì ông là một hiệp sĩ kiên cường, bất khuất, nguyện hi sinh thân mình để chiến đấu vì chính nghĩa. Không những vậy, Sparda từng một tay chống lại và tiêu diệt Đoàn Đế Mundus (còn gọi là Hoàng tử Bóng đêm – Kẻ cai trị của vương quốc quỷ) cùng với cả binh đoàn của hắn.

Và như đã biết ở trên, Vergil sẵn sàng tiếp bước cha mình để có cơ hội sở hữu sức mạnh quỷ dữ, nên chính bản thân thanh niên này tất nhiên cũng sẽ rất tôn trọng và noi theo những chiến công mà người cha đã để lại. Nhưng riêng đối với Dante thì mọi chuyện lại không hề đơn giản như vậy. Sau khi mẹ Eva bị quỷ tấn công và cướp đi mạng sống, Dante rất ít khi nào chủ động kể về cha của mình. Anh căm ghét cái danh xưng hào nhoáng hiệp sĩ bóng đêm vì cho rằng theo một nghĩa nào đó, ông ta đã không màng đến sự an nguy của gia đình và để mặc cho người vợ thân yêu bị giết chết. Bằng chứng cho thấy ngay trong lần chạm trán đầu tiên với anh trai (Vergil), Dante đã chua chát thốt lên “không có người cha nào cả”.

Nhưng “Lời nói đầu môi, anh ơi chót lưỡi đầu môi” càng đi sâu hơn vào cốt truyện của Devil May Cry, chúng ta sẽ càng thấy được thực chất trong lòng Dante không hề nghĩ như vậy. Thanh niên nhìn qua có vẻ phớt đời và bất cần mọi thứ này vẫn cảm giác được sự cô đơn thậm chí có chút mong ngóng về tình thân của cha mình. Bằng chứng là trong trận tỉ thí võ công cuối cùng với người anh trai (bản DMC bao nhiêu tôi quên rồi), người chơi có thể thấy rằng không chỉ riêng Vergil, mà ngay cả Dante cũng rất tự hào vì được mang dòng máu và cả linh hồn của Sparda. Chưa kể đến việc Dante còn trêu rằng chí ít thì tính cách của Sparda không xấu như ngoại hình của ông (ý nói là ông là con quỷ gớm ghiếc).

Suy cho cùng thì dù có ghét nhau, hận nhau như thế nào đi chăng nữa nhưng khi nhìn lại thì cả Dante lẫn Vergil vẫn là anh em một nhà, mà đã là anh em một nhà thì phải biết chăm sóc và giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, chỉ có như vậy mới trọn nghĩa của hai chữ “gia đình”. Bằng chứng cho thấy ở phân cảnh cuối game Devil May Cry 5, Dante và Vergil quyết định sẽ bỏ qua hiềm khích và cùng nhau kề vai sát cánh tiêu diệt các thế lực hắc ám để bảo vệ thế giới loài người.

Gia đình rủ nhau đi ăn cướp và thân tới mức thân ai nấy lo

Tiếp đến là một gia đình cũng chuyên đi cướp bóc tương tự như đám cướp biển vùng Carribean trong Assassin’s Creed Black Flag. Đó chính là băng cướp Van Der Linde trong cả hai phần game Red Dead Redemption và Red Dead Redemption 2, cùng với những tên thủ lĩnh khét tiếng như Dutch van der Linde, Hosea Matthews và cuối cùng là Arthur Morgan (nhân vật chính của game).

Thực tế gọi nhau là gia đình nhưng cái đám này hoàn toàn không có dây mơ rễ má gì với nhau về huyết thống cả, chủ yếu là huynh đệ tỷ muội kết nghĩa, cao lắm là yêu đương linh tinh thôi. Nguồn gốc của băng cướp này cũng khá là buồn cười, vào khoảng giữa những năm 1870, Dutch gặp Hosea trên đường đến Chicago. Hosea lúc này định bày mưu tính kế để cướp Dutch, nhưng thanh niên này chẳng thể ngờ được rằng Dutch cũng đang định cướp ngược lại mình. Quá ấn tượng với những kỹ năng của đối thủ, cả hai nhanh chóng kết duyên, trở thành anh em kết nghĩa và thành lập băng cướp Van der Linde.

Ngày Gia đình 2021: Những kiểu gia đình "cực phẩm" trong thế giới game

Dutch vì muốn cải tà quy chánh và rũ bỏ cuộc đời phạm pháp của mình, nên gã đã thuyết phục Hosea trở thành một kiểu Robin Hood miền viễn Tây, từ nay chỉ cướp của người giàu chia cho người nghèo. Tất nhiên ai cũng biết chuyện đó xạo ke 100% vì ăn cướp là ăn cướp, chứ làm quái gì có thể loại cướp của nhà giàu – ủa giàu rồi ăn hết cả nhà ông Dutch hay gì mà cứ đòi cướp người ta, xài gần sạch tiền mới chia lại một ít cho đám cùng khổ rồi gọi đó là hành vi hiệp nghĩa. Về cơ bản thì gã này tự xem bản thân mình là một người có suy nghĩ mang tính cách mạng và nếu thành công thì băng đảng của mình sẽ trở thành tấm gương sáng cho đám cướp đường nhỏ lẻ khác noi theo.

Một thời gian sau, băng Van der Linde bắt gặp một đứa trẻ 14 tuổi mồ côi cha mẹ tên là Arthur Morgan. Dutch và Hosea đã nuôi nấng và dạy cho đứa trẻ cách đọc, viết và thậm chí là cách sử dụng đủ các loại súng để trở thành một trong những tay cao bôi thiện xạ nhất cả băng đảng. Nhiều năm trôi qua, gã thủ lĩnh Dutch đã chiêu mộ được rất nhiều thành viên tài năng vào “gia đình bé nhỏ” nhưng cực chất của mình.

Những người này bao gồm Micah Bell, một thanh niên bốc đồng và khó đoán đồng thời cũng là một trong những tay súng cừ khôi nhất hội tuy nhiên, không ít người hoài nghi sự trung thành của hắn đối với Dutch, chí ít thì Micah vẫn được mọi người xem là thành viên trong gia đình. Pearson, đầu bếp chính của băng đảng với tiêu chí chăm lo cho các thành viên ăn no mặc ấm, buồn buồn thì cùng Arthur đi săn, ông này nói chung rất hài lòng với những gì mà Dutch đã và đang làm cho mọi người.

Tiếp đến là Sean MacGuire, một thanh niên thích “chém gió” về những cuộc chạm trán giữa băng Van der Linde với kẻ thù, dù cho chính bản thân gã này bị mù chữ và cũng là người có ít kinh nghiệm đọ súng nhất hội. Thanh niên này rất thích đi “chọc tức” người khác, chẳng hạn như anh hay gọi Arthur là “thằng cha người Anh (English)” hoặc là “Vua Arthur (trong truyền thuyết Vua Arthur)”. Không những vậy, Sean cũng rất thích bầu bạn với Lenny (thành viên da màu duy nhất trong hội) bởi anh chàng này chịu dạy chữ cho mình.

Ngoài ra, chúng ta còn có Sadie Adler, một cô gái rất trung thành với Dutch và Arthur tuy nhiên, cô còn là một người phụ nữ bất cần đời, đôi khi còn chẳng màng đến sự an toàn của đồng đội, thậm chí còn thường xuyên liều mạng khiến cho nhiều người gặp nguy hiểm. Dẫu vậy, Sadie lại rất quan tâm đến tất cả các thành viên trong gia đình tội phạm của mình. Cô thường hỏi Arthur rằng bao giờ thì họ bắt đầu thực hiện phi vụ cướp cửa hàng trong thị trấn, điều này cho thấy Sadie rất muốn chứng minh với mọi người rằng cô cũng có thể trở thành trợ thủ đắc lực cho cả hội.

Ngoài ra còn có những thành viên khác như Javier Escuela, Charles Smith, Uncle (Ông chú), John Marston. Và tuy rằng mỗi người mỗi tính nhưng chắc chắn rằng đa phần thì họ đều rất trung thành với Dutch, cũng như băng Van der Linde. Bởi vì đối với tất cả mọi người, họ không xem Van der Linde là một băng đảng tội phạm, mà là một gia đình dành cho những kẻ sống ngoài vòng pháp luật. Họ quan tâm chăm sóc, động viên lẫn nhau, họ thoải mái chia sẻ cảm nghĩa và quan điểm của mình hoặc thậm chí là cùng nhau thực hiện vô số những phi vụ cướp tiền ở khắp mọi nơi trên nước Mỹ.

Nhưng rõ ràng thế giới tươi đẹp về Robin Hood mà Dutch vẽ ra mãi mãi chỉ là bức vẽ bởi khi áp vào hiện thực nó xấu xí và tàn khốc hơn rất nhiều. Các thành viên băng băng Van der Linde, lớp chết, lớp thì ẩn dật, người hoàn lương mong sống cuộc đời bình phàm, kẻ vẫn tiếp tục trò chơi sinh tử khi dùng mạng để kiếm tiền. Chẳng biết Rockstar có chủ ý về vấn đề này hay không nhưng bản thân tôi sau khi trải nghiệm cái game này đã tự rút ra cho mình bài học đó là thượng bất chính hạ tắc loạn. Bạn có thể hành động nhân danh mọi thứ cao đẹp nhưng sơ tâm ban đầu phải đoan chính thì mới có quyền trông mong vào kết quả tốt, còn đi ăn cướp mà vẫn mong được về hưu yên bình, sau này nếu rãnh thì nuôi cá và trồng thêm rau thì đi ngủ sớm cho khỏe vì trong mơ muốn gì cũng được hết.

Gia đình quan trọng nhất vẫn là tình yêu thương

Bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục với nhà Ashford trong tựa game Resident Evil: Code Veronica, cũng như đổi gió một tí sang thứ gì đó “bệnh hoạn” nhé. Tất cả mọi chuyện đều bắt đầu với Tiến sĩ Alexander Ashford, Bá tước đời thứ 6 của Gia tộc, đồng thời cũng là một nhà di truyền học làm việc cho tập đoàn Umbrella. Bản thân ông này thực chất chẳng có thành tựu gì nổi bật mãi cho đến khi ông quyết định sử dụng tế bào DNA của tổ tiên là Nữ bá tước Veronica Ashford, để tạo ra hai đứa trẻ song sinh là AlfredAlexia.

Tuy nhiên, trí thông minh của hai đứa trẻ lại cách xa nhau một trời một vực. Kể từ khi được tạo ra, Alexia đã chứng minh cho tất cả mọi người thấy rằng mình là một thần đồng hoàn hảo, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, đặc biệt nhất là không tính nhẩm nhanh và chuẩn như Vozer. Thế nên khi mới 10 tuổi cô bé đã nhanh chóng được chiêu mộ bởi Tập đoàn Umbrella và trở thành Trưởng nhóm nghiên cứu tại Cơ sở Nam cực. Trí tuệ thiên tài của Alexia chính là nguyên nhân làm cho William Birkin trở nên ganh tị, gián tiếp dẫn đến việc anh ta điên cuồng nghiên cứu G-virus và gây ra thảm kịch ở thành phố Raccoon trong Resident Evil 2 và 3.

Ngày Gia đình 2021: Những kiểu gia đình "cực phẩm" trong thế giới game

Tuy vậy do quá thông minh, Alexia bị cô lập khỏi xã hội và chỉ thân thiết với duy nhất người em sinh đôi của mình là Alfred. Về phần Alfred, dù rằng được đánh giá là thông minh hơn người nhưng cũng chỉ hơn người bình thường thôi chứ cậu bé còn lâu mới có thể đạt được đến cảnh giới tối cao, tam hoa tụ đỉnh, ngũ khí triều nguyên, đăng phong tạo cực như bà chị Alexia của mình. Chưa kể đến việc thanh niên này còn có xu hướng yêu chị mình một cách điên cuồng, thậm chí có lúc bấn quá còn đi giả gái để thử trở thành chị của mình cho nó cực khoái. Đúng kiểu gia đình… không được bình thường cho lắm.

Lại nói về ông già Alexander, thay vì tự hào với sự thành công của Alexia và Alfred, thì ông này lại sợ hãi trước viễn cảnh vào một ngày nào đó, cả thế giới sẽ biết được sự thật về cách mà hai đứa trẻ đã được sinh ra. Thế là gã tiến sĩ đã quyết định sẽ giấu tất cả hồ sơ liên quan đến các cuộc thí nghiệm của mình vào một căn phòng bí mật tại Cơ sở Nghiên cứu Nam Cực. Hay lắm, thằng cha nào viết kịch bản có lẽ đã phê pha hơi quá liều khi nghĩ rằng cho lão Alexander giấu hồ sơ tuyệt mật tại nơi mà chính con gái thiên tài của mình đang làm việc, chắc là con bé sẽ không để ý đâu. Kiểu như nơi nguy hiểm nhất chính là nơi nguy hiểm nhất, còn âm mưu này thành hay bại thì kệ nó, kiểu gì cũng phải bị phanh phui mới có chuyện mà kể tiếp vậy.

Ừ thì đúng là chẳng sao cả cho đến khi mọi chuyện đổ vỡ và Alfred phát hiện ra rằng hoá ra cậu chỉ là sản phẩm lỗi ngoài ý muốn của Alexander mà thôi. Cô chị song sinh Alexia lúc này đang mải mê với việc nghiên cứu T-Veronica virus (một biến thể bậy bạ gì đó từ Progenitor virus) thì biết chuyện và thế là cả hai quyết định sẽ trả thù bằng cách bắt giam và tiêm loại virus đó vào cơ thể của người đã tạo ra mình. Thật không may, T-Veronica cần thời gian thích ứng, có lẽ hàng thập kỷ, trước khi vật chủ có thể sử dụng đầy đủ sức mạnh của nó. Nếu không có sự chuẩn bị trước thì sẽ đột biến thành một con quái vật tâm thần và khát máu. Thất vọng với kết quả này, hai chị em nhà Ashford đã nhốt ông ta trong một căn phòng bí mật ở căn cứ Nam Cực. Tất nhiên họ cũng chẳng đau buồn mấy cho Alexander, thậm chí còn khinh bỉ rằng ngay cả khi trở thành vật thí nghiệm, ông ta vẫn là thứ đồ thất bại.

Nói chung đây là một kiểu gia đình bệnh hoạn, mà nếu đã nói về độ bệnh hoạn thì chắc là gia đình Baker trong Resident Evil 7: Biohazard “no door” (không có cửa) với Gia tộc Ashford. Bởi các thành viên của nhà Baker thực chất chỉ là bị lây nhiễm bởi một loại nấm biến dị (nấm Mold) có khả năng tẩy não và biến mọi người trở thành thành nô lệ của Eveline, phản diện chính của phần RE7. Còn mấy thanh niên nhà Ashford thì đã bệnh sẵn từ lúc mới được sinh ra rồi, cha tạo ra con từ phòng thí nghiệm với ý đồ phục hưng vinh quang của gia tộc, con thì đứa thông minh đến mức coi mạng người như cỏ rác, đứa thì có xu hướng loạn luân và cả hai đứa rất vui lòng đem cha của mình đi thử nghiệm virus, quá là cực phẩm.

Tất nhiên những gia đình “cực phẩm” nói trên chỉ là thiểu số cả trong game lẫn ngoài đời thật. Bởi vì cho dù như thế nào đi chăng nữa, thì “gia đình” vẫn là hai từ thiêng liêng, là nơi mà chúng ta tìm về sau những ngày dài mệt mỏi với biết bao bộn bề lo toang trong cuộc sống hằng ngày, là nơi sẵn sàng dang rộng vòng tay để ôm lấy những đứa con lạc lối trên cuộc đời đầy sóng gió.

Có thể thi thoảng mọi người sẽ cảm thấy chán nản, mệt mỏi hay thậm chí là trở nên nóng giận với những thành viên trong gia đình không vì chuyện này thì cũng vì chuyện khác, không lớn tiếng với anh chị em trong nhà thì cũng cãi nhau với cha mẹ, ai rồi cũng sẽ có những lúc như vậy cả. Nhưng nói chung thì đó vẫn chỉ là những cảm xúc nhất thời mà mỗi người chúng ta đều phải trải qua dưới áp lực cuộc sống đầy vất vả. Để là gia đình của nhau, có kiếp này chưa chắc đã có kiếp sau, thế nên hãy trân trọng và đừng làm những điều ngu ngốc không thể cứu vãn để rồi sau này phải cảm thấy hối tiếc bạn nhé!