Những thay đổi của ngành công nghiệp trò chơi điện tử – P.Cuối Update 12/2024

Trong phần cuối của loạt bài những sự thay đổi mang tính cách mạng của ngành công nghiệp trò chơi điện tử, Mọt Game sẽ tiếp tục bàn luận về những tính năng đặc trưng của các tựa game thuộc các thể loại như kinh dị sinh tồn (Survival Horror), online nhiều người chơi (MMORPG) hay thậm chí là Metroidvania – thể loại phụ (subgenre) của dòng game hành động phiêu lưu. Chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu nhé!!!

Thể loại Kinh dị sinh tồn và Góc quay/nhìn Qua vai

Nếu đã nói về thể loại kinh dị sinh tồn (survival horror) và những tựa game có góc nhìn/quay qua vai (over-the-shoulder), thì chắc hẳn chúng ta không thể không nhắc đến loạt game Thành phố Ma (Resident Evil) – một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất của ngành công nghiệp trò chơi điện tử, đặc biệt nhất là bản Resident Evil 4, phát hành từ năm 2005.

Trò chơi điện tử và những sự thay đổi mang tính cách mạng - P.Cuối

Tương tự với đa phần những cái tên mà Mọt tui đã kể ở phần đầu tiên, thành thật mà nói thì chính bản thân thương hiệu Resident Evil không phải là “người tiên phong” cho dòng game survival horror, cũng như việc sử dụng góc nhìn thứ ba hay thậm chí là góc nhìn qua vai của nhân vật. Đầu tháng 8 năm 1996, nhà phát triển Riverhillsoft đã cho ra mắt Overblood, đây được xem là tựa game kinh dị sinh tồn đầu tiên dành cho hệ máy PlayStation. Đồng thời cũng có thể nói rằng nó là một trong những yếu tố quan trọng giúp tạo dựng nền móng vững chắc cho thể loại kinh dị sinh tồn hiện đại.

Chưa dừng lại ở đó, từ năm 1996 cho đến đầu những năm 2000, trong khi những bản Resident Evil đời đầu vẫn còn “dính” với lối chơi hành động kiểu cũ và bị hạn chế bởi những góc quay cố định. Thì rất nhiều tựa game góc nhìn thứ ba với góc quay nhìn từ sau lưng nhân vật, bắt đầu xuất hiện và mang đến cho cộng đồng game thủ lúc bây giờ vô vàn những trải nghiệm mới lạ. Với sự thay đổi này, game thủ không chỉ có thể tự do điều khiển mọi hoạt động của nhân vật, mà còn có thể dễ dàng quan sát môi trường xung quanh. Một số cái tên nổi tiếng như Star Wars: Shadows of the Empire (1996), MDK (1997), Duke Nukem: Time To Kill (1998) và  Duke Nukem: Zero Hour (1999).

Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng những phiên bản Resident Evil đầu tiên vẫn có cái hay riêng của nó nhưng khi nhìn ở một khía cạnh khác, có vẻ như Capcom đã nhận ra rằng về lâu dài thì cơ chế góc quay cố định sẽ không thể mang lại nhiều kết quả tốt bằng việc tìm cách tận dụng góc quay qua vai một cách hiệu quả nhất. Và thế là vào năm 2005, tựa game huyền thoại Resident Evil 4 đã chính thức được ra mắt, mang theo hàng loạt những thay đổi mang tính cách mạng cho thể loại kinh dị sinh tồn, đồng thời khiến cho cộng đồng game thủ lẫn giới phê bình hay thậm chí là cả ngành công nghiệp trò chơi điện tử phải ngạc nhiên với cơ chế góc nhìn qua vai vừa quen thuộc vừa hiện đại, chưa kể đến việc vô cùng tiện lợi cho người chơi.

Diablo 2 và tính năng Loot đồ của những game MMORPG

Thành thật mà nói thì thuật ngữ “game loot đồ” nghe có vẻ bao hàm khá rộng và hơi mang tính… chung chung. Bằng chứng cho thấy trong suốt hơn 30 năm qua, đã có rất nhiều tựa game thuộc nhiều thể loại được thiết kế xoay quanh tính năng loot đồ. Chẳng hạn như siêu phẩm nhập vai online World of Warcraft của nhà phát triển Blizzard, game nhập vai hành động (A-RPG) miễn phí Path of Exiles hay là những tựa game MMO (online nhiều người chơi) bất hủ của làng game Việt như MU, Võ Lâm Truyền Kỳ và Con Đường Tơ Lụa. Song đến tận bây giờ, có vẻ như vẫn chưa có bất cứ cái tên nào có thể vượt mặt được thương hiệu Diablo, đặc biệt nhất là Diablo 2 – một trong những tượng đài bất diệt của ngành công nghiệp trò chơi điện tử.

Trò chơi điện tử và những sự thay đổi mang tính cách mạng - P.Cuối

Tất nhiên, tuy rằng chính bản thân phiên bản Diablo của năm 1996 không phải là tựa game đầu tiên viết nên khái niệm “loot đồ” trong thế giới game. Thế nhưng theo một nghĩa nào đó, thì phần tiếp theo – Diablo 2 – chắc chắn đã rất thành công trong việc tận dụng tất cả những tinh hoa mà người tiền nhiệm đã để lại, cũng như đổi mới chúng theo nhiều cách vô cùng sáng tạo. Từ việc phân loại độ quý hiếm của vật phẩm như vũ khí và giáp, cho đến hệ thống nhiệm vụ xoay quanh việc đi raid hầm ngục và tiêu diệt kẻ thù nguy hiểm để có thể loot được nhiều món đồ mạnh hơn, khoẻ hơn hay thậm chí là đắt tiền hơn.

Cũng chính vì những điều đã nói ở trên nên đa phần mọi người (cả cộng đồng game thủ, lẫn giới phê bình) ai cũng đánh giá rằng Diablo không đơn thuần là một tựa game mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ cho dòng game hành động nhập vai nói chung và thể loại game loot đồ nói riêng. Mà còn là những yếu tố cần thiết giúp thay đổi đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp trò chơi điện tử.

Metroidvania

Metroidvania là thể loại phụ (subgenre) của dòng game hành động phiêu lưu. Thể loại này thường sở hữu những nét đặc trưng hấp dẫn lạ thường, khiến cho người chơi luôn cảm nhận được sự lôi cuốn kỳ lạ mỗi khi vào game. Về mặt lý thuyết thì Metroidvania không phải là một từ có ý nghĩa trong từ điển bởi đây là một thuật ngữ được ghép lại từ Metroid và Castlevania – hai tựa game kinh điển của Nintendo và Konami, ra mắt lần đầu vào những năm 80 của thế kỷ 20. Kể từ đó trở về sau, các nhà phát triển lẫn cộng đồng game thủ thường sử dụng từ Metroidvania để nói về những tựa game platform có đồ hoạ 2D, sở hữu bản đồ và những màn chơi rộng lớn cùng với hệ thống phát triển nhân vật phong phú.

Trò chơi điện tử và những sự thay đổi mang tính cách mạng - P.Cuối

Và như đã nói ở trên, tuy rằng thuật ngữ này bắt nguồn từ thập niên 80 của thế kỷ trước, song phải mãi cho đến đầu những năm 2000, nhờ vào lối chơi cũng như phong cách thiết kế đầy sáng tạo của các nhà phát triển game độc lập (indie), những trò chơi thuộc dòng Metroidvania mới có cơ hội chuyển mình và bắt đầu thu hút được sự chú ý của cộng đồng game thủ trên toàn thế giới. Qua đó chúng ta có thể phần nào hiểu được rằng thể loại Metroidvania đã rất thành công trong việc mang lại sự đa dạng và phong phú cho ngành công nghiệp trò chơi điện tử.

Bằng chứng là trong suốt hơn 20 năm qua, chúng ta đã có cơ hội được diện kiến sự xuất hiện của rất nhiều tựa game indie Metroidvania xuất sắc. Một số ví dụ điển hình như Shantae and the Pirate’s Curse – game phiêu lưu đi cảnh 2D với lối chơi hành động đánh quái đơn giản và dễ làm quen. Hay Ori and the Blind Forest, cũng là một tựa game phiêu lưu hành động nhưng được kết hợp với các màn chơi giải đố khá khó, và còn nhiều hơn thế nữa.