Tuy nổi tiếng với những pha giết người, cướp bóc vô cùng tàn bạo và táo tợn nhưng không thể phủ nhận rằng những tên cướp biển đã mang đến rất nhiều nguồn cảm hứng không chỉ dành riêng cho các tiểu thuyết gia, đạo diễn, mà còn cho rất nhiều nhà phát triển game lớn nhỏ trên toàn thế giới. Để rồi từ đó họ có thể tạo ra rất nhiều siêu phẩm đình đám, chẳng hạn như loạt phim Cướp Biển vùng Caribe, Assassin’s Creed IV: Black Flag và Sea of Thieves.
Sea Of Thieves (2018)
Về cơ bản kể từ khi được công bố, Sea of Thieves đã khiến cho không ít game thủ cảm thấy vô cùng hào hứng với những ý tưởng vừa điên rồ vừa sáng tạo, nào là game online thế giới mở, nào là phiêu lưu trên biển và trở thành những tên hải tặc khét tiếng. Tuy nhiên, sau màn chào hàng vào năm 2018 có vẻ như tựa game này đã làm cho rất nhiều người cảm thấy khá là hụt hẫn.
Tuy Sea of Thieves nhận được rất nhiều đánh giá tích cực về phong cách chiến đấu trên tàu như cướp biển, kết hợp với chế độ chơi online, chất lượng đồ hoạ “xịn sò” và cách tận dụng hiệu ứng vật lý. Nhưng đa phần mọi người ai cũng phải công nhận rằng ngay tại thời điểm đó, trò chơi chẳng có gì đủ thú vị để giữ chân người chơi cả. Chẳng hạn như nội dung thì quá ít, thường lặp đi lặp lại, phần thưởng thì lại không xứng đáng nếu so với quá trình thực hiện.
Lúc đó tưởng chừng sẽ trở thành một quả bom xịt nhưng không, sau một khoảng thời gian trôi qua, Sea of Thieves bắt đầu lột xác với hàng loạt những thay đổi, cùng với những bản update cực “khủng”. Nào là bổ sung cốt truyện, rồi cập nhật thêm các chế độ chơi và tính năng mới. Chẳng hạn như Đầu trường Arena, nơi game thủ có thể chiến đấu với nhau mà không cần phải quá lo ngại về việc bị cướp hết đồ, hay là The Hunter’s Call, một công ty thương mại sẵn sàng nhận mua bất cứ thứ gì mà người chơi đang sở hữu, bất kể đó là thịt, cá hay thậm chí là các loại rương quý hiếm.
Thời gian thấm thoát trôi qua, siêu phẩm hải tặc Sea of Thieves ngày càng nhận được thêm nhiều bản cập nhật cực kỳ hấp dẫn. Mới đây trò chơi đã chính thức hé lộ sự kiện crossover với các nhân vật mang tính biểu tượng trong loạt phim Cướp Biển vùng Caribe (Pirates of The Carribean) đình đám. Chẳng hạn như Thuyền trưởng Jack Sparrow và Thuyền trường Davy Jones, chủ sở hữu con tàu Hà Lan Bay bị nguyền rủa khét tiếng.
Đến với game cướp biển Sea of Thieves, người chơi sẽ cần phải làm cùng nhau hợp tác và làm việc nhằm vận hành những con tàu của họ một cách hiệu quả. Nhưng để có thể làm được điều đó, trước hết họ sẽ cần phải phân công công việc, người thì sẽ phụ trách vai trò thuyền trưởng và điều khiển bánh lái, người thì giăng buồm thả neo, người thì leo lên tổ quạ để làm hoa tiêu, vân vân và mây mây.
Với hệ thống nhiệm vụ đa dạng, game thủ có thể lựa chọn giữa việc đi làm nhiệm vụ chính, tham gia vào các sự kiện thế giới đặc biệt, săn tìm châu báu vàng bạc quý hiếm hoặc thậm chí nếu quá lười… chúng ta còn có thể chu du trên biển và đi câu cá. Tất nhiên bất kể đang làm gì đi chăng nữa, các bạn cũng nên để ý xung quanh xem có tàu của người chơi khác hay không. Nếu có thì nên theo dõi kỹ hành tung của họ để xem họ có ý định cướp tàu mình hay không.
Mọt tui khuyên thật lòng là anh em nên chủ động cướp tàu người khác nếu họ có dấu hiệu hung hãn, biết đâu họ đang chiếm giữ nhiều món vật phẩm có giá trị cao thì sao. Dù gì thì cũng là cướp biển như nhau cả, mình không cướp của người ta thì người ta cũng cướp của mình thôi. Đúng không nào?
Assassin’s Creed IV: Black Flag (2013)
Khi nói về thể loại game cướp biển, chắc chắn rằng chúng ta không thể nào không nhắc đến siêu phẩm Assassin’s Creed IV: Black Flag. Có thể nói rằng đây không chỉ đơn thuần là một trong những sản phẩm thành công nhất của nhà phát triển Ubisoft, mà còn là một trong những trò chơi mang lại cho game thủ rất nhiều cảm xúc và khoảnh khắc khó quên xuyên suốt quá trình trải nghiệm.
Kể từ khi được phát hành vào năm 2013, chỉ với một khoảng thời gian ngắn ngủi, Assassin’s Creed IV: Black Flag đã trở thành một tượng đài của thể loại phiêu lưu, không những vậy nó còn góp một phần không nhỏ trong việc tạo ra nhiều thay đổi quan trọng nhằm đổi mới quá trình phát triển của những “hậu duệ sát thủ” sau này.
Trò chơi nói về cuộc sống cướp biển và ước mơ làm đổi đời của Edward Kenway, theo đó là quá trình thay đổi con người và thân phận của anh, từ một tay thuỷ thủ trở thành một Bậc thầy sát thủ (Master Assassin) kiêm luôn cả danh hiệu hải tặc khét tiếng và nguy hiểm nhất vùng biển Caribe.
Tất nhiên, cũng như bao tựa game thuộc series Sát Thủ của Ubisoft, nhà phát triển luôn chăm chút một cách vô cùng kỹ lưỡng với từng chi tiết, từng hiệu ứng môi trường trong game. Đến với tựa game này, người chơi sẽ cảm nhận được như thế nào là một tên cướp biển thực thụ, đồng thời có được cơ hội đế trải nghiệm cuộc sống bình yên, chu du khắp 7 biển, bên cạnh đoàn thuỷ thủ lúc nào cũng reo hò những bản sea shanty* đầy cảm xúc mỗi khi bình minh. Hay thả neo đứng giữa đại dương mênh mông và ngắm mặt trời lặn.
À mà hình như có gì đó sai sai… Chúng ta đến đây là để làm hải tặc, để đi cướp đủ các thể loại hàng hải, chứ không phải để du ngoạn ngắm cảnh hay thực hiện các hoạt động đậm chất “bánh bèo” như vậy. Trong tựa game cướp biển này, người chơi sẽ có vô số cơ hội được nghênh chiến với cả một hạm đội Hoàng gia Anh hùng mạnh. Từ những chiếc thuyền buồm bé xíu, không có sức chống cự, cho đến những con tàu “hạng khủng” như Man O’ War.
Đối với những ai đã phá đảo Assassin’s Creed IV: Black Flag, thì chắc hẳn không thể nào quên được những chiếc chiến hạm Huyền Thoại, toạ lạc ở bốn góc bản đồ. Đám tàu này vô cùng khó tiêu diệt nếu tàu của người chơi chưa được nâng cấp và trang bị những khẩu pháo hạng nặng nhưng nếu đủ kiên trì, và muốn thử thách bản thân, anh em có thể giương buồm ra đó và “tẩn” nhau với chúng, coi như là trải nghiệm lần đầu nhé.
Bên cạnh đó còn có rất nhiều những hoạt động và nhiệm vụ phụ vô cùng thú vị. Trên biển, chúng ta có thể neo đậu ở các vị trí được đánh dấu sẵn để săn bắt các loài cá quý hiếm, chẳng hạn như cá nhà táng, cá voi 1 sừng, cá mập trắng, v..v… Ngoài ra trong lúc du ngoạn khắp 7 biển, game thủ còn có thể đánh chiếm các pháo đài của quân đội Tây Ban Nha. Còn trên đất liền, chúng ta có thể tham gia các hoạt động giải trí như uống rượu, đánh cờ hoặc… đánh nhau với NPC.
Sid Meier’s Pirates! (2004)
Về lý thuyết thì Sid Meier’s Pirates! không chỉ đơn giản là một tựa game cướp biển, mà là tổng hợp của nhiều thể loại khác nhau. Trò chơi được thực hiện bởi nhà phát triển Firaxis và được hãng game 2K phát hành vào năm 2005. Với sự kết hợp hài hoà giữa dòng game hành động, chiến thuật và tông màu của thể loại nhập vai, tựa game này đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của cộng đồng game thủ trên toàn thế giới.
Trò chơi bao gồm nhiều game nhỏ nối liền mạch với nhau, trò nọ tiếp trò kia. Bạn lượn vòng trên biển tìm kiếm những cuộc phiêu lưu mới, tấn công thuyền giáp thuyền, đu lên boong tàu đối phương và đọ kiếm. Mỗi phần của cuộc chơi có sự hấp dẫn riêng tạo nên một trò chơi lớn có sức hút mãnh liệt khiến bạn cắm rễ sâu vào máy tính sau mỗi lần tự nhủ “chỉ chơi thêm vài phút nữa thôi”.
Thế thì tại sao lại gọi là “tổng hợp của nhiều thể loại khác nhau”? Bởi vì trước hết chúng ta có thể điều khiển thuyền và du ngoạn đến những vùng biển nguy hiểm, sau đó tấn công những chiếc thuyền xuất hiện xung quanh vùng biển này. Nếu muốn các bạn còn có thể ra lệnh cho thuỷ thủ đoàn áp sát tàu của đôi phương, rồi đu lên boong tàu và đọ kiếm với kẻ địch.
Lúc này Sid Meier’s Pirates! sẽ chuyển thành thể loại hành động đối kháng giữa hai nhân vật và mỗi người sẽ có 3 thế phòng thủ lẫn tấn công. Người chơi cần phải xác định được kẻ địch định tấn công như thế nào, sau đó nhanh chóng đưa ra quyết định để đỡ đòn và phản công. Nếu thắng chúng ta sẽ cướp được thuyền và chiêu mộ được thuỷ thủ đoàn của chúng, còn nếu thua thì hoặc là bạn sẽ bị bắt làm tù binh, hoặc là bị đẩy xuống biển làm mồi cho cá mập.
Ngoài ra, bộ môn thể thao cướp biển tổng hợp này còn có năm mức độ khó khác nhau. Nếu chưa quen với các tính năng và cơ chế chiến đấu, các bạn có thể chọn mức dễ nhất để được hướng dẫn nhưng một khi đã khá quen rồi thì Mọt tui khuyên nên chọn những mức độ khó hơn (liều mạng thì chơi mức khó nhất cũng được). Bởi vì độ khó càng cao, càng dễ ăn điểm, từ đó thuỷ thủ đoàn sẽ dễ dàng thăng hạng và nhân vật chính sẽ càng trở nên nổi tiếng.