Top nhân vật phản diện khiến game thủ vừa sợ vừa… thích vì quá độc – P.1 Update 04/2024

Nhân vật phản diện và sự yêu thích nghe có vẻ hơi kỳ lạ vào buổi bình minh của ngành công nghiệp game. Cũng dễ hiểu vì ngày xưa, game thủ chưa có nhu cầu tìm hiểu tâm tư tình cảm hay động cơ nào khiến kẻ đó trở thành người xấu. Công việc chính của kẻ phản diện chính là xuất hiện trong một khung cảnh đầy hắc ám, thốt ra những câu đe dọa sáo rỗng cùng điệu cười bỉ ổi và rồi… nằm bẹp dưới đất sau khi bị nhân vật chính tẩn một trận ra trò. Thế đấy, thảm hại như thế nên chẳng một ai có đủ nhã hứng để tìm hiểu xem cái đám đó đang suy nghĩ về cái gì cả, vì trước sau gì cũng là end-game mà thôi.

Thời gian như thấm thoát thoi đưa, vật đổi sao dời nhanh như một cú lật bánh tráng. Gu thưởng thức của đại chúng ngày một cao khiến những người làm nội dung phải đầu tư chất xám nhiều hơn. Ngay cả anh hùng giờ đây giới mộ điệu cũng có những góc nhìn khác nhau, không phải cứ vào vai anh hùng là phải đường đường chính chính. Ở lĩnh vực điện ảnh chúng ta thấy có khá nhiều ví dụ cụ thể, người xem giờ đây đã chán các anh hùng một màu, những kẻ mà làm gì thì trước sau cũng đúng.

Dù anh thổi tung cả một trung tâm thương mại hay khiến cả thành phố rơi vào vòng nguy hiểm thì đám dân thường thiện lành có tư cách gì mà phán xét anh. Từ sự chán nản của công chúng, các nhân vật kiểu phản anh hùng hay còn gọi là anti-hero như Deadpool bắt đầu ra đời và có đất diễn. Người ta hâm mộ hắn vì những hành động và suy nghĩ rất “con người”, tức là vẫn có đủ hỉ nộ ái ố dù bản thân là kẻ có siêu năng lực. Người ta thích vì hắn vẫn thường xuyên phạm sai lầm và phải trả giá đắt, chứ không phải kiểu lúc nào cũng ending bằng cách “họ mãi mãi sống hạnh phúc về sau”.

Với trò chơi điện tử, sự khó tính của game thủ ngày một cao kéo theo việc các hãng game phải nâng cấp chất lượng của trò chơi. Ngoài đồ họa, gameplay thì cốt truyện dĩ nhiên là phần được quan tâm nhất. Người ta không còn dễ tính tới mức sẵn sàng xem một gã như Duke Nukem làm mấy trò càn quét như Rambo sau đó vỗ tay hoan hô như hồi đầu thập niên 90. Nhân vật chính bây giờ phải dark, phải deep, phải có chiều sâu cùng những động cơ mà có khi chơi đến cuối game mới hiểu được. Như một lẽ tất yếu, nhân vật chính được xây dựng kỹ lưỡng ắt nhân vật phản diện cũng phải được nâng cấp theo.

Ồ, có thể bạn cho rằng cả câu chuyện cứ ném cho vai chính gánh là được, miễn nó hay. Nếu có suy nghĩ đó thì bạn nhầm hơi bị to vì cứ xem qua hai nhân vật phản diện là Necron (Final Fantasy IX) hay Zoran Lazarevic (Uncharted 2) thì sẽ thấy hậu quả nhãn tiền. Kẻ trước có động cơ không rõ ràng, lý lẽ nhàm chán kiểu muốn về nước thì phải đánh bại nó và hết, có ai hiểu vì sao tôi phải đánh bại cái gã cứ đứng im như bức tượng này hay không?

Top nhân vật phản diện khiến game thủ vừa ám ảnh

Chưa kể còn khuyến mãi thêm quả tạo hình và chuyển động vô cùng kém hấp dẫn. Việc thêm trùm phụ Necron không những gây phiền nhiễu mà còn phần nào đó làm loãng cốt truyện chính. Còn Zoran Lazarevic thì quá nổi danh với những màn đối thoại dài dòng nhàm chán, cùng với nhiều sai lầm chiến thuật của kẻ phản diện này khiến Uncharted 2  không mang lại cảm giác lo lắng, sợ hãi hay gây kịch tính cho người chơi. Rõ ràng một vai phản diện tệ hại, được xây dựng qua loa bằng những công thức lỗi thời có thể trở thành tử huyệt của bất cứ trò chơi nào.

Dĩ nhiên ngoài mấy nhân vật phản diện nhàm chán được xây dựng cho có, không thể không kể đến những ác nhân được NSX xây dựng quá chân thực và điên cuồng, khiến cho nhiều game thủ khó mà quên được, thậm chí là cảm thấy sợ hãi và ám ảnh. Như một tài tử xi-nê nào đó từng nói, đóng vai hiền cho người ta ghét đã khó, đóng vai ác mà người ta thích lại càng khó hơn. Những tựa game có ác nhân quái dị mang lại cảm giác sợ hãi, nguy hiểm đến mức ám ảnh ngay cả khi đã hoàn thành trò chơi, chắc chắn sẽ khiến người ta nhớ mãi (dù doanh số có lẹt đẹt). Hãy cùng xem qua những nhân vật đó và xin lưu ý rằng thứ tự xuất hiện chỉ là sở thích của Mọt mà không phải thước đo phản ánh mức độ độc địa của nhân vật.

Như thường lệ là 3 phút cho Youtube: Nội dung hôm nay khá dài nên nếu đang bận việc gì đó mà chưa thể đọc ngay bài viết được, bạn có thể xem qua video clip tóm tắt do Mọt thực hiện. Ngoài ra trong danh sách các video Top Game do Mọt thực hiện vẫn còn rất nhiều thứ khác chờ đợi bạn khám phá, hãy >>>NHẤN VÀO ĐÂY<<< để ủng hộ chúng mình cũng như xem thêm các clip thú vị nhé!

Dylan Fuentes – Dead Rising 3

Đầu tiên vì ưu ái Mọt Thương 2k5 nên chúng ta sẽ bắt đầu với một nhân vật vô cùng “thú vị”, đó chính là gã tâm thần bệnh hoạn Dylan Fuentes trong Dead Rising 3. Để các game thủ chưa chơi qua tựa game này có chút khái niệm thì hầu hết các con trùm của phiên bản thứ 3 trong series game Dead Rising đều được xây dựng dựa theo thất hình đại tội theo quan niệm của Kitô giáo. Đó là Kiêu ngạo – Pride, Lười biếng – Sloth, Tham ăn – Gluttony, Đố kỵ – Envy, Thù hận – Wrath, Tham lam – Greed, Dâm Tà – Lust. Trong đó Dylan Fuentes đại diện cho Tà Dâm và y nổi bật hơn cả so với các “tội lỗi” còn lại.

Top nhân vật phản diện khiến game thủ vừa ám ảnh

Là nhân vật phản diện tượng trưng cho tội lỗi mà nhiều học sinh của cô giáo Eimi Fukada mắc phải thế nên cả tạo hình lẫn vũ khí Dylan sử dụng đều mang tính hoang dại và buông thả, tượng trưng cho mọi dục vọng sâu kín của nhân loại. Về mặt tạo hình, y ăn bận như một tay vũ công thoát y chuyên múa cột cùng cái mặt nạ giống hệt Ken Kaneki trong Tokyo Ghoul. Về vũ khí thì quả thật Mọt không dám miêu tả chi tiết vì nếu nói rõ ràng thì video clip này sẽ không dành cho đại chúng nữa. Đại khái là hắn dùng một khẩu súng phun lửa nhưng được cách điệu lại với vòi phun giống hệt như “bé ciu” và hai bình nhiên liệu thì chả khác gì hai hòn bi cả.

Trong khi những kẻ tâm thần khác của Dead Rising 3 luôn gào thét những điều gì đó có liên quan đến đại dịch xác sống thì gã này thường xuyên mời gọi đối thủ của mình chat xiếc hoặc đóng phim pỏn bằng thứ ngôn ngữ với văn phong vô cùng tục tĩu. Thông qua mớ hổ lốn đó, người chơi có thể nhận ra nhiều điều kinh hoàng như Dylan Fuentes là một tên sadomasochistic, có vấn đề về giới tính cũng như xu hướng tình dục bệnh hoạn và y còn bị lạm dụng bởi chính cha ruột của mình. Đừng hiểu lầm, không có sự thông cảm nào ở đây cả vì ai cũng có vấn đề của mình nhưng đó không phải là lý do để trở thành một con quái vật còn kinh tởm hơn cả lũ xác sống.

Top nhân vật phản diện khiến game thủ vừa ám ảnh

Rõ ràng nhân vật phản diện này còn mắc chứng rối loạn nhân cách và gặp nhiều thất bại trong cuộc sống, dẫn đến việc hắn có xu hướng bù đắp cho tâm trí yếu đuối của mình bằng cách sáng tạo ra những kịch bản tình dục mà Dylan Fuentes là kẻ thống trị và kiểm soát những người khác. Trước khi nhân vật chính bước vào trận đấu trùm, hãy nghe xem hắn nói gì: “Cưng à! Nếu cưng không chịu nghe lời… thì anh sẽ trở thành một sugar daddy rất bạo lực đấy!” Thiệt là hết thuốc chữa với thằng cha tâm thần quá sức điên loạn này luôn.

Needles Kane (Sweet Tooth) – Twisted Metal

Chú hề là một nhân vật phổ biến, xuất hiện nhiều ở công viên, rạp xiếc, trong các ấn phẩm văn hóa như truyện tranh, phim ảnh và trò chơi điện tử. Nhân vật này mang những nét vui tươi, hài hước, luôn đem lại tiếng cười sảng khoái cho cuộc sống. Thế nhưng lại có một hội chứng kỳ lạ mang tên Coulrophobia khiến người mắc phải luôn bị ám ảnh với tạo hình của những chú hề vui vẻ. Những người bị mắc hội chứng này mang nỗi ám ảnh sâu sắc với gương mặt của chú hề. Ở mức độ nhẹ, người bệnh sẽ có cảm giác bất an. 

Trường hợp nặng hơn, họ sẽ có phản ứng cực đoan như khóc, ngất xỉu… khi nhìn thấy khuôn mặt của những chú hề. Ví dụ như trường hợp của nhân vật chính trong bộ phim Zombieland, gã có một bộ quy tắc sinh tồn cực đỉnh để sống sót trong những ngày hậu tận thế. Ngoại trừ một điểm yếu chí mạng, đó là chứng sợ hề. May sao dưới sức mạnh của tình yêu, cuối cùng gã cũng khắc phục được nhược điểm đó để trở thành anh hùng.

Dĩ nhiên các NSX nội dung chả dại gì mà bỏ qua cơ hội khai thác triệt để yếu tố ấy, còn gì hấp dẫn hơn một nhân vật phản diện khiến người ta vừa sợ lại vừa thích thú cơ chứ? Nếu trong mảng điện ảnh, chúng ta có Pennywise (trong vũ trụ IT) đã quá nổi tiếng thì lĩnh vực game cũng không chịu thua kém. Lần lượt những cái tên, từ khá xa lạ với đại chúng như Jaxson deBox (Snacks ‘N Jaxson), cho đến quen thuộc hơn là Kefka Palazzo (Final Fantasy VI) và cuối cùng là Hoàng tử tội phạm Gotham mà ai ai cũng phải biết dù có chơi game hay không. Có thể nói những tên hề đầy ám ảnh đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa đại chúng.

Tuy nhiên hôm nay nhân vật mà chúng ta tìm hiểu không phải những kẻ nói trên mà là Needles Kane hay Sweet Tooth, thằng hề điên loạn trong tựa game đua xe thì ít mà bắn nhau thì nhiều mang tên Twisted Metal. Về cơ bản có thể coi Twisted Metal là một kiểu game Battle Royale đời đầu, nhưng nếu so sánh thì mức độ cuồng loạn thì các màn đua xe bắn súng trong Twisted Metal hoàn toàn ăn đứt mọi thứ sau này. Bọn gà hay newbie mới tập chơi dù có lấy được súng xịn nhưng toàn chạy vòng vòng tìm chỗ nấp một cách thảm hại và hèn nhát, thì làm gì có cửa để so sánh được với các anh trai độ xe như quái vật, lắp cả súng 6 nòng lẫn… tên lửa để tìm mọi cách bắn tung đối thủ lên trời được chứ.

Đua xe bắn súng thực tế chưa bao giờ là một bộ môn thể thao nhằm tăng cường tính đoàn kết và thịnh vượng trong game. Nó sở hữu đủ mọi thứ bậy bạ từ bạo lực, tính may rủi, liều lĩnh và mức độ mất cân bằng thì thôi đừng hỏi. Mọt đang tự hỏi làm thế quái nào mà cái anh trai cởi trần với hai cái bánh xe gắn hai bên có đủ tự tin tới vậy, khi lao vào đấm nhau tay bo với một đám siêu xe bọc sắt từ đầu tới chân, thậm chí có đứa còn vác cả xe tăng lẫn đĩa bay vào quật nhau nữa, thật là một sự dũng cảm kinh hoàng.

Bất chấp những điều mất cân bằng và thiên vị rõ ràng giữa đối thủ, thì đua xe bắn súng vẫn tạo ra một môn thể thao kinh điển trong tâm trí những đã từng chơi qua game này trên PlayStation. Trò chơi là thứ tuyệt hảo để tay bo cùng bạn bè khi đứa nào vào game cũng chăm chăm tìm cách chọn xe xịn trước, sau đó đi nhặt rocket để bắn tan tành tất cả mục tiêu trên bản đồ. Twisted Metal còn là nguồn cảm hứng cho rất nhiều bộ phim và các tựa game kế nhiệm sau này, trong đó nổi tiếng nhất là Rocket League.

Và không hư cấu chút nào khi hễ cứ nhắc đến Twisted Metal là người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh của nhân vật phản diện Needles Kane. Trong phiên bản gốc, y vốn là người bán kem trộn bình thường với một gia đình hạnh phúc. Đến một ngày, tâm trí của hắn bị thế lực tà ác xâm nhập. Gã đã hóa điên giết hết cả gia đình, ngoại trừ đứa con gái Sophie đã kịp cầm kéo đâm vào mắt hắn rồi bỏ trốn. Từ đó gã thề sẽ tìm và giết con gái mình, mở đường cho chuỗi ngày tàn sát và phá phách không ngừng của Needles Kane. Quả là câu chuyện mở màn hoàn hảo cho một tên hề sát nhân điên loạn khiến ai cũng phải ám ảnh.

Có thể được miêu tả về quá khứ hơi khác nhau trong từng phiên bản nhưng chung quy lúc nào Needles Kane cũng là hiện thân của sự căm ghét, điên cuồng, giận dữ và đam mê hủy diệt mọi thứ. Hiếm có nhân vật phản diện nào lại có khát khao duy trì bản ngã tàn ác của mình một cách đầy hào hứng như vậy. Theo nội dung cốt truyện của Twisted Metal: Black, Needles Kane là một kẻ giết người hàng loạt đang khủng bố các cư dân tại Midtown. Sau khi sa lưới pháp luật hắn bị kết án tử hình bằng ghế điện, theo thủ tục sẽ có linh mục tới để cầu nguyện cho linh hồn hắn được an nghỉ. Tuy nhiên do quá bức xúc với những việc làm tàn ác của y, trong lúc hành quyết, thay vì ban phước ông đã nguyền rủa rằng linh hồn của Needles Kane sẽ mãi mãi bị thiêu cháy dưới hỏa ngục.

Top nhân vật phản diện khiến game thủ vừa ám ảnh

Nước đi này đã hướng thẳng vào tâm trái đất khi hắn chẳng những không chết mà còn được hồi sinh dưới dạng nửa người nửa quỷ cùng quả đầu thương hiệu luôn bốc cháy. Không còn cách nào để giết y, người ta buộc phải chuyển Needles Kane đến nhà thương điên Blackfield Asylum. Tại đó trong khi cơn đau từ lời nguyền cứ bùng cháy trong tâm trí, hắn được Calypso mời gọi tham gia vào cuộc đua tử thần của Twisted Metal với phần thưởng là lời nguyền sẽ được gỡ bỏ. Không quan tâm đến lời mời gọi hấp dẫn kia, gã hề điên đồng ý tham gia chỉ để thỏa sức tàn phá, giết chóc mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Thậm chí hắn còn lên kế hoạch giết luôn Calypso để chiếm đoạt quyền sở hữu Twisted Metal và cuối cùng thành công với dự định đó.

Sachiko Shinozaki – Corpse Party

Người chơi hệ wibu chắc không lạ lùng gì với Corpse Party, series game sinh tồn kinh dị, phiêu lưu được phát triển bằng phần mềm RPG Maker, ra mắt lần đầu vào 1996 cho hệ máy PC-9801. Với sự thành công của trò chơi gốc, lần lượt những bản làm lại cũng như các sản phẩm ăn theo khác liên tục được ra mắt để mở rộng thêm nội dung của Thiên Chủ Đường. Từ Blood Covered, Book of Shadows, Sweet Sachiko’s Hysteric Birthday Bash, Blood Drive cho đến Corpse Party 2: Dead Patient. Tất cả đã biến tựa game này trở thành một thương hiệu không hẳn là bom tấn nhưng hễ cứ nhắc tới thì ai cũng biết.

Corpse Party mở đầu bằng việc một nhóm học sinh tại học viện Kisaragi bao gồm: Satoshi, Naomi, Yoshiki, Ayumi, Seiko, Mayu, Sakutaro quyết định thực hiện nghi lễ thắt chặt tình bạn mang tên Sachiko Ever After vì Mayu sắp chuyển trường. Nghi lễ đã thành công, nhưng cũng như bao game kinh dị học đường khác, thay vì nâng cao tình bằng hữu nó lại gọi ra nhân vật phản diện là con quỷ tên Sachiko Shinozaki để tiễn hết những người bạn lên đường. Từ đây chúng ta biết học viện Kisaragi được xây dựng trên khu đất cũ vốn là trường tiểu học Heavenly Host (dịch Hán Việt là Thiên Chủ Đường), nơi bị phá dỡ sau khi chứng kiến nhiều vụ nhân viên lẫn học sinh mất tích cũng như bị sát hại một cách đầy bí ẩn vào năm 1975.

Sau khi nghi lễ hoàn thành, con quỷ Sachiko đã lôi nhóm học sinh vào không gian quỷ ám Thiên Chủ Đường và tại nơi này, nó bắt đầu chia cắt nhóm bạn vào những chiều không gian khác nhau để dần dần thao túng, giết hại từng họ. Bên cạnh những nhân vật thực hiện nghi lễ của trường Kisaragi, được biết những ai bên ngoài thực hiện nghi lễ trên cũng đều bị cuốn vào không gian quỷ ám này. Dưới sự ám ảnh của hồn ma đám trẻ con bị chết oan, họ bắt đầu mất khống chế, có những hành vị điên loạn như sát hại lẫn nhau hay thậm chí là ăn thịt người. Để thoát khỏi nơi này, nhóm học sinh của học viện Kisaragi phải làm cho hồn ma của đám trẻ hài lòng và cũng trong quá trình đó họ sẽ khám phá ra những bí mật tạo nên không gian này.

Làm nên sự thành công cho Corpse Party, ngoài cốt truyện vừa kinh dị vừa xoắn não với mức độ giết chóc kinh người lẫn các âm mưu đen tối, không thể không kể đến đặc sản guro của Nhật Bản (là trường phái nghệ thuật Nhật Bản tập trung mô tả, khắc họa những điều quái dị, bất thường, méo mó, đáng sợ. Chủ đề thường thấy là chết, giết chóc, tự sát, tra tấn, ăn thịt người…). Trong game người ta có thể khám phá ra rằng các nhân vật có thể làm đủ trò tởm lợm khác nhau dù không được chứng kiến tận mắt như vụ ăn thịt người mình thầm yêu của Yoshiki chẳng hạn. Trong Corpse Party: Blood Covered Repeated Fear, ở Chapter 2 – Bad Ending 4, nhân vật chính Yoshiki phát hiện crush của mình là Ayumi nằm chết trên sàn, cơ thể thì bị kẻ nào đó cắn xé và ăn thịt. Trong quá trình tìm kiếm các manh mối để giải đáp cho sự việc này, Yoshiki hoàn toàn tuyệt vọng khi tìm ra mảnh giấy khẳng định rằng chính cậu là kẻ ăn thịt Ayumi.

Tất nhiên một game kinh dị hay không thể nào thiếu thốn một kẻ phản diện ra trò nếu không nó chỉ là sản phẩm hạng B với các pha hù dọa rẻ tiền. Trong Corpse Party thì con quỷ Sachiko Shinozaki với bộ dạng thánh thiện ngây thơ chính là kẻ như vậy. Được thiết kế tạo hình với nhân dạng một đứa trẻ, Sachiko có vóc dáng bình thường, mái tóc đen dài che mặt. Nó thường mặc một chiếc váy đỏ rách nát rất hợp gu với làn da trắng xám cùng vết hằn đỏ trên cổ. Như một luật lệ bất thành văn của dòng game kinh dị Nhật, hễ càng có vẻ ngoài đáng yêu, vô hại hoặc trông tầm thường thì sự thật phía sau lại càng đáng sợ, khủng khiếp và Sachiko rõ ràng đáp ứng mọi điều kiện đó.

Top nhân vật phản diện khiến game thủ vừa ám ảnh

Thật khó tin khi lúc còn sống Sachiko từng được miêu tả là đứa trẻ sống nội tâm tâm, thậm chí khá nhút nhát nhưng mọi chuyện đã thay đổi sau cái chết thê thảm của mẹ nó là bà Yoshie. Kể từ lúc trở thành ác linh, Sachiko bắt đầu phô bày sự độc địa với sở thích bắt cóc, tra tấn và giết hại nạn nhân một cách tàn bạo. Nếu từng trải nghiệm Corpse Party: Book of Shadows, chúng ta có thể thấy Sachiko chưa bao giờ muốn kết liễu nạn nhân một cách nhanh gọn. Nó muốn giải trí với những kẻ khốn khổ kia, bằng cách giả làm bạn bè hay tạo cho nạn nhân hy vọng giả dối về khả năng thoát khỏi nơi quỷ quái này rồi chà đạp không thương tiếc. Về mặt nào đó điều này cũng giống như việc một đứa trẻ sẽ làm với những món đồ chơi của mình nhưng theo cách vô cùng biến thái và ám ảnh nặng nề.

Vậy tất cả những điều mà Sachiko đã làm chỉ nhằm mục đích giải trí? Không hẳn như vậy, theo tìm hiểu của Mọt, ban đầu nhân vật phản diện này chỉ muốn làm vui lòng mẹ mình, bà Yoshie Shinozaki. Vốn là một y tá tại trường Thiên Chủ Đường, bà Yoshie khi còn sống là người tốt bụng, chu đáo và yêu thích trẻ con. Sau khi bị hiệu trưởng Takamine Yanagihori sát hại sau vụ cưỡng hiếp bất thành bà muốn trả thù nên đã nguyền rủa cả gia đình Yanagihori. Một vài năm sau đó, không chống chọi được các cảm xúc tiêu cực – thuật ngữ trong Corpse Party gọi là Darkening (tiếng Nhật là Kokuka – Hán Việt là Hắc Hóa), bà đã ảnh hưởng đến linh hồn Sachiko và thổ lộ mong muốn có thêm nhiều đứa trẻ để bầu bạn.

Top nhân vật phản diện khiến game thủ vừa ám ảnh

Con quỷ nhỏ ban đầu đã hoàn thành mong muốn của bà bằng cách sát hại rất nhiều trẻ em rồi gửi linh hồn của chúng đến Thiên Chủ Đường để bầu bạn cùng Yoshie. Tuy nhiên càng về sau thì sự độc ác và méo mó trong tâm hồn của Sachiko càng lộ rõ. Chúng ta có thể thấy nó đơn thuần là lợi dụng câu chuyện về nghi thức thắt chặt tình bạn Sachiko Ever After để tìm kiếm cho mình những con mồi hay đồ chơi mới mà thôi. Dù đã được “tẩy trắng” phần nào trong Blood Drive, theo đó Sachiko cũng chỉ là một linh hồn tội nghiệp đã lạc lối khi muốn thể hiện tình yêu của mình với mẹ nhưng sau tất cả những gì con bé đã làm thì có vẻ hơi khó để thông cảm.

Nhìn chung Sachiko là một vai phản diện phức tạp với những nốt trầm buồn trong cuộc sống ngắn ngủi của con bé. Có người cũng nói rằng nếu rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã như Sachiko, có lẽ tâm trí của họ cũng vặn vẹo không kém nó là bao. Tuy nhiên cũng như trường hợp của Dylan Fuentes, Mọt vẫn bảo lưu quan điểm rằng hoàn cảnh bất hạnh trong cuộc sống không phải là cái cớ để người ta đối xử độc ác với kẻ khác. Cơ bản ai cũng có nỗi khổ của riêng mình, nếu cứ mãi dựa vào lý do vì tôi khổ quá nên tôi sẽ thế này thế kia thì xã hội này có mà loạn à? 

Một thông tin đáng lưu ý khác là nhà Mọt đang làm cốt truyện cho game này, các bạn nhớ theo dõi nhé! Sẽ sớm thôi.

Dr. Faustus – Thrill Kill

Về cơ bản Thrill Kill sẽ không quá quen thuộc với game thủ đại chúng. Lý do cũng đơn giản thôi vì sản phẩm kỳ dị này chưa bao giờ chính thức được phát hành mà chỉ đến tay game thủ theo dạng miễn phí qua những file chia sẻ tự phát trên Internet. Ra đời vào những năm 1998 của thế kỷ trước, Thrill Kill là một tựa game đối kháng nhiều người chơi cùng lúc do Virgin Interactive phát hành, hãng này về sau bị EA mua lại và dĩ nhiên quyền sở hữu Thrill Kill cũng đổi chủ luôn. Có lẽ trong suốt cuộc đời chuyên đi nuốt chửng các studio nhỏ và giết chết những seri đình đám, thì đây là trường hợp duy nhất mà EA có một chút tác dụng cho cộng đồng, khi họ đã ngăn không cho Thrill Kill được phát hành rộng rãi trên thị trường.

Chính xác hơn là game bị hủy chỉ 3 tuần trước ngày ra mắt chính thức, lý do là trò chơi quá sức phản xã hội đồng thời xúc phạm nhiều yếu tố như tôn giáo, giới tính lẫn mức độ bạo lực cao. Với các lý do ấy EA đã thẳng tay khóa chặt mọi con đường ra ngoài xã hội của Thrill Kill, phong ấn cái source game này trong kho và cấm mọi studio thứ 3 khác có cơ hội phát hành nó nhờ vào quyền sở hữu của mình. Tuy vậy các lập trình viên đã tốn sức tạo ra Thrill Kill không hài lòng với quyết định của ông chủ mới, ai đó trong số họ đã lén lút tung source của Thrill Kill lên mạng để game thủ có thể tải về miễn phí cũng như trải nghiệm nội dung của nó. Quyết định này về sau đã đi vào lịch sử, khi Thrill Kill bị xếp vào hàng ngũ những game tởm nhất mọi thời đại, minh chứng cho độ bệnh hoạn của loài người.

Những game tởm nhất mọi thời đại (P.8): Thrill Kill

Vậy Thrill Kill rốt cuộc là chứa đựng cái gì để khiến EA phải quyết liệt ngăn cấm nó ra mắt chỉ 3 ngày trước khi phát hành? Đầu tiên thì đây là một tựa game đối kháng cho phép 4 người chơi cùng lúc, nó cũng mô phỏng theo phong cách chiến đầu bạo lực cực độ của Mortal Kombat, với những màn kết liễu theo kiểu chặt đầu bẻ xương hay xé xác đối thủ để máu me tung tóe hết sức có thể. Nhưng nếu như Mortal Kombat chỉ gây khiếp đảm bằng các đòn Fatality rùng rợn nhất, thì Thrill Kill nó đã tởm lợm ngay từ khâu thiết kế nhân vật với dàn nhân vật phản diện quái thai điên rồ nhất từng xuất hiện.

Cốt truyện Thrill Kill chả có gì phức tạp, chủ yếu nói về một giải đấu kỳ lạ, nơi các linh hồn mắc đọa phải tìm cách tiêu diệt lẫn nhau, phần thưởng là một vé hồi sinh. Kẻ tổ chức ra cái giải đấu tởm bựa này và cũng là boss cuối trong game tên Marukka – một nữ thần quá rảnh rỗi không có chuyện gì làm trong mùa giãn cách. Nhàn cư vi bất thiện, mụ này trong một phút nông nổi đã tập hợp những tên sát nhân, biến thái hoặc thần kinh không bình thường lại rồi cho chúng đối đầu với nhau tới chết. Phải nói là chỉ riêng cái việc để cho lũ nhân vật phản diện này sống lại đã là quá phản nhân loại rồi, chứ đừng nói tới việc tổ chức giải đấu để chúng nó so tài nữa.

Tất cả các nhân vật trong Thrill Kill đều có 2 nhân cách, họ đều là các con người bình thường nhưng qua nhiều biến cố đã thức tỉnh bản chất tà ác trong cơ thể, để rồi trở thành những tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm. Game đã tái hiện thứ gọi là “nhân chi sơ tính bản ác” theo một vài định nghĩa nào đó hoặc có thể hiểu là người nào cũng có máu điên tiềm ẩn, chẳng qua thiếu cơ hội để nó phát tán ra mà thôi. Theo một cách hiểu nào đó thì Thrill Kill cũng khá có tinh thần… nhân văn, nhưng cách thể hiện của nó thì thực sự hết thuốc chữa.

Như các bạn cũng thấy, cách diễn tả của Thrill Kill nó hoàn toàn không tuân thủ theo bất cứ logic nào. Kiểu như các nhà phát triển chợt nghĩ ra thứ gì hay ho thì ngay lập tức đưa vào bất kể có xung đột với tổng thể hay không vậy. Có thể nói tất cả nhân vật trong Thrill Kill theo cách này hay cách khác đều là lũ cặn bã của xã hội, một đám mất nhân tính tới mức lấy việc ăn thịt đồng loại làm niềm vui hoặc như Faustus, gã bác sĩ cuồng sát, có niềm đam mê to lớn với công việc mổ xẻ đặc biệt thích mổ bụng bệnh nhân nhưng không thích gây mê khi phẫu thuật.

Top nhân vật phản diện khiến game thủ vừa ám ảnh

Lại nói về bác sĩ Faustus thì với niềm đam mê vô bờ bến của mình, dĩ nhiên con số bệnh nhân lìa đời trên bàn phẫu thuật của hắn ta chỉ có thể xác định là dương vô cùng, còn chính xác bao nhiêu thì khó mà thống kê được. Trong hồ sơ y khoa chính thức của mình, Faustus bị liệt vào sổ bìa đen vì đã “lỡ tay làm chết bệnh nhân”… 27 lần. Điều khó hiểu ở đây là tất cả các trường hợp đều được xem là phẫu thuật thất bại và y không phải chịu bất kỳ trách nhiệm hình sự nào. Có khi nào ngay cả cơ quan có thẩm quyền cũng e ngại không muốn dính líu vào thằng điên mặc mang danh bác sĩ nhưng lại thích giết người hơn là cứu người này chăng?

Như đã nói ở trên, vì đam mê mổ xẻ đến điên loạn nên Faustus không chừa một ai, kể cả chính bản thân mình. Hắn thậm chí còn làm phẫu thuật gắn bẫy gấu lên mặt thay cho khuôn hàm, và bất hạnh thay vừa phẫu thuật xong thì chết luôn. Tại sao Mọt lại nói bất hạnh mà không phải may mắn? Vì sau khi chết, nhân vật phản diện này được mụ thần rảnh rỗi cho hồi sinh để tham gia vào giải đấu bệnh hoạn trong Thrill Kill và từ đó game thủ sẽ bị ám ảnh dài dài với gã. Cái game này rõ ràng đi quá xa mặt đạo đức thông thường, khi nó hướng tới việc giết chóc vô tội vạ, dung túng cho tội ác cũng như cho những kẻ xấu xa cùng cực cơ hội thứ hai để chúng có thể tiếp tục các hành vi bệnh hoạn của mình.

Eddie Gluskin – Outlast: Whistleblower

Sau khi cho ra mắt Outlast, NSX Red Barrels tiếp tục cho ra mắt bản DLC kế tiếp có tên Outlast: Whistleblower để làm rõ về các sự kiện xảy ra trước bản game chính, cũng như giải thích kỹ lưỡng hơn về các nghiên cứu ở trại tâm thần trên núi Massive. Theo đó công ty Murkoff chính là nguồn cơn gây ra mọi chuyện, đây vốn là đơn vị được lãnh đạo bởi tiến sĩ Rudolf Wernicke, người đã chế tạo ra Morphogenic Engine, mạng lưới máy chủ trải rộng khắp bệnh viện tâm thần tại vùng núi Massive, với mục đích “điều chỉnh” trí não con người nhằm tạo ra một vật chủ phù hợp cho The Walrider (tổng hợp những con chip nano có khả năng điều khiển tâm trí).

Cốt truyện Outlast: Whistleblower: Viện tâm thần điên loạn

Vào những năm từ 1950 – 1970, trước khi hệ thống Morphogenic được tạo ra, đội ngũ nghiên cứu của Murkoff đã thực hiện hơn 1000 cuộc thí nghiệm trên cơ thể người, với đủ các loại tra tấn man rợ và vô nhân tính nhất. Mục đích của họ là kích thích làm cho não bộ của vật chủ liên tục ở trong trạng thái Lucid Dream (hay còn gọi là Mơ Tỉnh – là một loại giấc mơ mà bạn có thể điều khiển.

Điều thú vị của Lucid Dream là bạn có thể nhớ 100% tất cả mọi việc sau khi tỉnh dậy mà những giấc mơ bình thường nhiều lúc không thể vì khoảng thời gian bạn trải qua Lucid Dream là khoảng thời gian não bạn vẫn hoạt động nhưng cơ thể bạn vẫn ngủ). Do The Walrider là tập hợp của hàng ngàn con chip nano nhỏ, nên các nhà nghiên cứu phải tìm cách ép buộc não bộ của vật thí nghiệm hoạt động không ngừng, từ đó gia tăng kích thước mới đủ chỗ trống để cấy The Walrider vào vật chủ.

Còn về phần làm cách cách nào để khiến não bộ liên tục ở trong trạng thái Lucid Dream thì đám nghiên cứu bất lương đã dùng cách nguyên thủy nhất. Đó là cho vật thí nghiệm lạm dụng nhiều chất kích thích khác như rượu, ma túy cũng như tra tấn thể xác liên tục. Cuộc nghiên cứu phi nhân tính này khiến toàn bộ vật chủ lâm vào tình trạng điên loạn và có hành vi bất thường. Đỉnh điểm vụ việc xảy ra vào năm 1967, một số “bệnh nhân” đã thoát ra và giết chết 3 nhà khoa học, khiến viện tâm thần núi Massive đóng cửa, đồng thời dự án The Walrider cũng tạm dừng.

Cốt truyện Outlast: Whistleblower: Viện tâm thần điên loạn

Hơn 20 năm sau tai nạn nói trên, thí nghiệm được tiếp tục. Lần này Murkoff nhận ra kích thích não bộ bằng phương pháp truyền thống không hiệu quả và nguy hiểm. Do đó khi tạo ra hệ thống Morphogenic, họ quyết định sẽ chứa các vật nghiên cứu trong những “lồng ấp” riêng biệt, nuôi dưỡng bọn họ qua các ống dinh dưỡng nối từ bên ngoài vào. Bằng cách này đội ngũ của Murkoff có thể kiểm soát, cũng như theo dõi được các vật chủ 24/7, cũng như chặn đứng các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Morphogenic Engine hoạt động bằng cách buộc vật thí nghiệm luôn hướng mắt lên màn hình lớn, nơi liên tục chiếu các hình ảnh kinh dị tác động tới hệ thần kinh.

Như vậy khi vật chủ rơi vào trạng thái Lucid Dream và các con chip được cấy vào, họ có thể điều khiển được The Walrider thông qua sóng não được kiểm soát. Tác dụng phụ của việc này là do ngâm mình liên tục trong các dung dịch dinh dưỡng, vật chủ sẽ bị các triệu chứng bệnh ngoài da như lở loét hoặc mọc nấm mốc trên người. Trong số khoảng 300 vật chủ thử nghiệm, chỉ duy nhất một mình Billy Hope là thành công, bằng cách nào đó trong quá trình thực hiện Morphogenic, trí não của anh ta đã vượt khỏi phạm trù của nhân loại. Nhận thấy thay đổi này, các nhà khoa học của Murkoff quyết định cấy các con chip nano vào thẳng cơ thể thay vì não bộ, để chúng sống ngầm bên trong cơ thể Billy.

Cốt truyện Outlast: Whistleblower: Viện tâm thần điên loạn

Trước khi các sự kiện trong bản Outlast đầu tiên xảy ra, The Walrider vượt khỏi tầm kiểm soát của Murkoff và thoát ra khỏi cơ thể của vật chủ Billy Hope. Từ lúc này chúng bắt đầu cuộc đại thảm sát với tất cả nhân viên và bệnh nhân bên trong viện để trả thù. Điều đó dẫn tới việc khi tay nhà báo tự do Miles Upshur đến để điều tra trong phần chơi chính của Outlast thì mọi thứ đã trở thành một nhà thương điên đúng nghĩa. Trở lại với Outlast: Whistleblower cùng nhân vật phản diện biến thái của ngày hôm nay, danh hiệu đó có lẽ không ai xứng đáng hơn Eddie Gluskin hay còn được biết đến với danh hiệu The Groom (Chú rể).

Vì sao hắn lại có biệt danh ấy? Đầu tiên Eddie Gluskin là một gã rất kỳ quặc, hắn có tiền sử bị lạm dụng tình dục bởi cả bố lẫn… chú ruột. Điều này dẫn đến việc y lớn lên với hội chứng khủng hoảng về tâm lý cũng như giới tính và bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Khi The Walrider gây ra thảm họa tại khu nghiên cứu trên núi Massive, Eddie đã được tự do, hắn ngay lập tức bắt tay vào việc để thực hiện mơ ước của mình. Do hậu quả của các vụ lạm dụng tình dục từ bé nên Gluskin trở nên ám ảnh với phụ nữ, thế là hắn đi săn lùng các bệnh nhân nam để bắt họ “kết hôn” với mình.

Những kẻ địch nhìn thấy là phải chạy trong thế giới game – P.Cuối

Dù bị tâm thần nhưng trong tiềm thức của Eddie, hắn vẫn luôn mong muốn trở thành một nam nhân đích thực, mà trong bệnh viện tâm thần trá hình này thì lấy đâu ra phụ nữ nên cách giải quyết của nhân vật phản diện này là… thiến hết đám bệnh nhân để họ trở thành cô dâu đúng nghĩa. Quá trình này khá là tởm lợm khi được NSX Red Barrels miêu tả vô cùng kỹ lưỡng, khiến anh em nam game thủ lúc điều khiển nhân vật chính Waylon trải nghiệm qua phân cảnh này đều thấy lạnh cả vùng dưới thắt lưng. Có người nói thực tế Eddie Gluskin cũng là một dạng hoàn cảnh đưa đẩy với tuổi thơ như địa ngục cùng các thí nghiệm bất nhân Morphogenic Engine khiến cơ thể hắn bị xé toạc ra và tâm thần cực kỳ bất ổn, từ đó biến thành một kẻ sát nhân bệnh hoạn.

Coi nào các bạn, ai lại có thể thông cảm cho thể loại nhân vật phản diện này vậy? So với với Gluskin thì hóa ra con quỷ nhỏ Sachiko cũng có vẻ xinh xắn, điềm đạm và đáng yêu đó chứ. Thôi thì trong cái danh sách điên khùng, bệnh hoạn hoặc tởm lợm này thì kẻ nào cũng mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười hết. Nhìn chung với các nhân vật phản diện có chiều sâu và bối cảnh, dù có khi chỉ xuất hiện ngắn ngủi nhưng ấn tượng mà chúng để lại cho game thủ bao giờ cũng thật sự khó quên. Tất nhiên 5 kẻ nói trên chỉ là những nhân vật game ấn tượng mà Mọt có thể nhớ được lúc này, nếu cảm thấy có những ứng viên tiềm năng hơn, bạn có thể để lại ý kiến của mình bên dưới vì biết đâu sẽ có phần 2 thì sao?

Những nhân vật phản diện luôn là cảm hứng tuyệt vời để các NSX tạo ra đối trọng cân bằng cho nhân vật chính. Bên cạnh những gã đàn ông lực lưỡng, vai u thịt bắp, phái đẹp cũng từng khiến cánh game thủ phải xuýt xoa khi được xây dựng như một kẻ phản diện đầy ấn tượng. Muốn biết đó là những nhân vật trong tựa game nào, hãy tìm hiểu thêm tại đây.