Tình trạng nghiện game của giới trẻ hiện nay: Do ai và vì đâu? Update 11/2024

Tình trạng nghiện game của giới trẻ hiện nay luôn là đề tài nóng của truyền thông, học đường và gia đình. Đã từng có thời điểm video game trở thành vấn nạn bị cả xã hội lên án. Chỉ cần cụm từ “trò chơi điện tử” xuất hiện là hầu hết mọi người đều gắn cho những điều xấu xa, tồi tệ nhất. Video game đã từng bị cho là nguồn cơn của mọi tệ nạn ở giới trẻ.

Ngày nay, cộng đồng game thủ đã trưởng thành hơn. Video game đem lại nhiều lợi ích về nghề nghiệp, tiền tài, danh tiếng nên xã hội đã không cái nhìn quá khắt khe như trước nữa. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển của cộng đồng game thủ, vẫn còn rất nhiều bạn trẻ có cái nhìn sai lệch về trò chơi điện tử. Chính cái nhìn sai lệch đó đã khiến các bạn trẻ có những quyết định và hướng đi sai lầm và bế tắc. Dù cho cộng đồng người chơi game có cố gắng phát triển tới đâu thì chắc chắn vẫn sẽ có những con sâu làm rầu nồi canh, khiến video game không bao giờ nhận được sự thiện cảm từ xã hội.

Tình trạng nghiện game của giới trẻ hiện nay

Cái sai lớn nhất của các bạn trẻ hiện nay là nhầm lẫn giữa “đam mê game” và “nghiện game”. Hai khái niệm này chỉ cách nhau có 1 sợi dây mỏng manh mà thôi. Đam mê là một yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống của bất cứ ai. Chúng ta phải có đam mê thì mới có nỗ lực, có động lực phát triển tối đa bản thân. Hay đơn giản nhất thì đam mê là thứ giúp chúng ta quên đi bao phiền muộn sau một thời gian dài gồng mình lên trong cuộc sống. Nếu đam mê đó kiếm ra tiền thì lại càng đáng quý hơn nữa.

Tình trạng nghiện game của giới trẻ hiện nay

Tuy nhiên, nếu đam mê của bạn không kiếm ra tiền, ngược lại bạn còn phải gồng gánh, vất vả kiếm tiền nuôi đam mê đó thì điều đó rất dễ biến thành nghiện. Video game là một đam mê của biết bao người từ thuở ấu thơ. Nó giống như một liều thuốc giúp bao mệt mỏi tan biến sau một ngày dài học tập và làm việc. Chơi game rất vui, nhưng nhiều bạn trẻ đã quá sa đà vào niềm vui đó mà đánh mất đi chính mình. Để rồi khi không còn khả năng nuôi cái “đam mê game” đó, các bạn trẻ đã nghĩ ra nhiều cách tiêu cực. Xã hội và truyền thông đã từng gay gắt lên án những điều tiêu cực đó khiến biết bao người đam mê game chân chính bị vạ lây.

Có một điều tôi thấy rằng những ai có niềm đam mê thực sự với trò chơi điện tử, họ sẽ không bao giờ nói quá nhiều về điều đó. Họ tham gia cộng đồng, nói chuyện về game, tìm hiểu về game với mục đích khiến bản thân thấy vui. Họ không cần đợi ai phải nhắc nhở mà vẫn ý thức được cuộc sống của mình. Còn những bạn trẻ nghiện game thì khi bị ý kiến sẽ luôn đáp lại rằng: “Đây là đam mê của tôi, các người có quyền gì mà phán xét”… từ đó tạo nên nhiều câu hỏi bức xúc về tình trạng nghiện game của giới trẻ hiện nay.

Thành công từ game: Ảo mộng của giới trẻ

Tình trạng nghiện game của giới trẻ hiện nay cũng một phần đến từ những thành công quá lớn của các streamer hay youtuber trong cộng đồng. Có thể so sánh sự thành công nhờ trò chơi điện tử giống như ảo mộng vĩnh hằng vậy. Nó khiến nhiều bạn trẻ làm tưởng rằng ai cũng dễ dàng có được thành công trong lĩnh vực này. Thậm chí có một hiểu lầm cực nguy hiểm tồn tại trong giới trẻ với nghề streamer, đó là “chỉ ngồi chơi game mà vẫn có tiền và danh tiếng”.

Nhìn vào vẻ bề ngoài của các streamer/youtuber giàu có, các bạn thấy gì? Đó có phải là lương 8 triệu nhưng mua nhà 7 tầng và đi xe Mercedes? Hay đó có phải là trong tay sở hữu vài công ty rồi ở nhà Landmark? Riêng Mọt tôi khi nhìn vào thành công của các streamer đó, tôi thấy họ đã phải nỗ lực gấp bao nhiêu so với người bình thường, họ buộc phải đánh đổi nhiều đến thế nào, hay họ đã phải tự mày mò học tập ra sao.

Tình trạng nghiện game của giới trẻ hiện nay

Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ lại bị sự thành công bên ngoài đó làm cho ảo tưởng, thậm chí tới mức hoang tưởng. Nó khiến các bạn trẻ nghiện game quên ngày đêm với một mục đích duy nhất là giàu có được như người ta. Nguy hiểm hơn, có những bạn sẵn sàng đánh đổi con đường học tập đang rộng mở của mình để chạy theo cái ảo mộng đó. Nếu các bạn trẻ này có đủ vốn, đủ kiến thức, kế hoạch dài hạn và sự quyết tâm thì không ai cấm, nhưng sự thật là đa phần các bạn sẽ gây ra thiệt hại nặng nề cho kinh tế của bố mẹ và tự mình đóng lại cánh cửa tương lai vốn đang rộng mở của bản thân bởi những quyết định bồng bột.

Thành công thực sự chỉ đến khi các bạn nỗ lực, học hỏi thực sự. Thậm chí bạn phải đánh đổi bằng máu, nước mắt, tuổi thanh xuân hay cả sức khỏe. Chứ thành công không đến từ việc ngồi quán nét phì phò điếu thuốc, tay gõ bàn phím, mồm vừa chửi vừa thưởng thức cốc sting. Hay nó cũng chẳng đến khi các bạn tự giam mình trong thế giới ảo mà quên đi thế giới thật.

Vậy nên các bạn trẻ ạ. Nếu các bạn nghĩ rằng chỉ cần chơi game thôi mà cũng có thành công rồi bỏ hết việc học hành đi thì Mọt tôi dám chắc các bạn chỉ thành công trong giấc ngủ mà thôi.

Gia đình và sự nổi loạn ở tuổi dậy thì

Chúng ta không thể quy hết trách nhiệm về tình trạng nghiện game của giới trẻ hiện nay cho xã hội được. Về cơ bản, việc các bạn trẻ tiếp nhận và đối mặt với những vấn nạn ngoài xã hội như nào đều do sự dạy dỗ của gia đình. Khi các bạn trẻ đang ở độ tuổi vị thành niên, tâm tính sẽ thay đổi và bắt đầu có sự tò mò nhiều hơn về các vấn đề ngoài xã hội. Đây cũng là độ tuổi các bạn trẻ dễ bị dụ dỗ, lôi kéo nhất vào các tệ nạn. Nghiện game chính là một điều trong số đó.

Tình trạng nghiện game của giới trẻ hiện nay

Tuy nhiên, thay vì đặt ra câu hỏi “Tình trạng nghiện game của giới trẻ hiện nay?” thì các bậc phụ huynh lại “Tao cấm mày chơi game”. Đây cũng là điều tất yếu khi đã từng có thời điểm video game bị cả xã hội và truyền thông lên án mạnh mẽ. Bố mẹ cũng có cái lý của mình khi cấm đoán hoàn toàn con cái chơi game. Mọt tôi không hề có ý kiến về việc đó. Nhưng khi các bạn trẻ đang ở tuổi nổi loạn thì cấm không phải là một phương pháp dạy dỗ hay. Ngay cả bản thân tôi khi ở tuổi dậy thì cũng càng muốn làm, càng muốn tìm hiểu những điều mà gia đình tôi cấm.

Do đó, gia đình cũng là một phần nguyên nhân khiến các bạn trẻ nghiện game. Đặc biệt là với những người có gia đình không mấy êm đềm thì trò chơi điện tử lại càng giống như liều thuốc an thần. Những bạn trẻ thiếu may mắn này luôn coi niềm vui ở thế giới ảo là nơi để mình trút bầu tâm sự giải tỏa.

Tạm kết

Bản chất của video game không xấu. Nó sinh ra với mục đích là giúp người chơi thư giãn, giải trí. Xa hơn nữa thì video game chính là nghệ thuật, truyền tải nhiều thông điệp mà âm nhạc hay điện ảnh không làm được. Ngày nay, video game còn được phát triển thành sự nghiệp, giúp các game thủ gặt hái được nhiều thành công và tiền tài, danh vọng. Nhưng bất cứ thứ gì cũng đều có 2 mặt tốt và xấu, video game không phải là ngoại lệ.

Tình trạng nghiện game của giới trẻ hiện nay

Tình trạng nghiện game của giới trẻ hiện nay là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên chúng ta không thể đổ lỗi tình trạng này cho bất cứ ai. Bởi nó là hệ quả xảy ra của rất nhiều yếu tố cộng lại. Mặc dù bản chất của trò chơi điện tử là tốt, nhưng với một số người thì nó lại là công cụ nhằm dụ dỗ, lôi kéo các bạn trẻ chưa trải sự đời.

Cá nhân Mọt tôi không phải là người có tiếng nói hay có thể thay đổi được điều gì. Với tình trạng nghiện game của giới trẻ hiện nay, nhà trường cho tới gia đình và truyền thông cần phải chung tay phối hợp với nhau giúp cho các bạn trẻ có được nhận thức tốt nhất thay vì đổ hết trách nhiệm lên một cơ quan hay một đơn vị cung cấp dịch vụ game nào đó.