Nếu không nhắc đến hẳn nhiều người không ngờ rằng Counter Strike cũng đã bước qua 22 cái xuân xanh kể từ ngày chính thức thức ra mắt vào 18/6/1999 rồi ấy nhỉ. Về cơ bản đây là một bản mod của tựa game bắn súng Half Life do Lê “Gooseman” Minh (một lập trình viên gốc Việt) và Jess Cliffe thực hiện. Phiên bản đầu tiên thậm chí chỉ được gọi là 3rd-party Half-Life Modification, tuy nhiên Counter Strike nhanh chóng nổi tiếng vì cách chơi chia phe đối kháng đầy hấp dẫn và được tách biệt hoàn toàn khỏi tựa game gốc. Thấm thoát đã 22 năm trôi qua, thế nhưng “lão đại” Counter Strike vẫn cứ là một cái tên bất tử trong lòng mọi game thủ.
Counter Strike và mối duyên nợ đến từ… Quake
Theo những chia sẻ của Lê Minh, anh bắt đầu bén duyên với game bắn súng từ những năm 1996 với trò chơi huyền thoại Quake của id Software. Trong quá trình trải nghiệm, với góc nhìn của một lập trình viên tài năng, Minh nhanh chóng bị hấp dẫn và bắt đầu mày mò với SDK (Software Development Kit, các công cụ và phần mềm dùng để phát triển ứng dụng thông qua một nền tảng nhất định) của trò chơi để tạo ra một số bản mod đầu tay của Quake như Navy SEALs. Trong quá trình tiếp tục vọc vạch để cho ra đời bản mod Action Quake 2, Minh nảy ra ý tưởng sơ bộ về Counter Strike nhưng chưa có cơ hội thực hiện vì không kham nổi lượng công việc quá lớn.
May mắn thay, trong lúc đó anh lại làm quen với Jess Cliffe, một lập trình viên đồng thời cũng là người sở hữu trang web chuyên về các bản mod cho Action Quake 2. Hai lập trình viên tài năng bắt đầu hợp tác với nhau để đặt những viên gạch đầu tiên cho trò chơi huyền thoại mà đến giờ vẫn sống khỏe. Tuy nhiên ban đầu dự tính của Lê Minh lại không hề dính líu gì đến trò chơi điện tử. Theo những bài phỏng vấn trước đây, Minh thi vào trường đại học với giấc mơ trở thành một lập trình viên và làm việc trong một công ty kinh doanh phần mềm. Game chỉ là một ngã rẽ bất ngờ vào thời điểm đó và bản thân anh cũng chỉ coi đây là một hình thức để rèn luyện tay nghề vì không cho rằng làm game có thể kiếm ra tiền.
Tuy nhiên sau vài năm lăn lộn trong nghề Lê Minh nhận ra nếu tập trung làm tốt công việc đó thì lập trình game vẫn có thể hái ra tiền như bất kỳ ngành nghề nào. Bên cạnh cũng không thể phủ nhận rằng sự thành công của Counter Strike đã thuyết phục Minh và gia đình rằng có thể xem làm game như một công việc nghiêm túc. Tất nhiên bây giờ tổng kết lại thì thấy mọi việc khá là đơn giản như mọi câu chuyện cổ tích mà chúng ta từng nghe kể nhưng thực tế để hoàn thành Counter Strike, Minh đã làm việc hơn 20 giờ một tuần thực hiện bản mod. Nhiều lần thanh niên này đã suýt tạch đại học vì chăm chú cho việc lập trình game quá nhiều mà bỏ bê bài vở ở trường.
Vào thời điểm đó việc lập trình một trò chơi dù không còn bí hiểm như hồi thập niên 80, vốn chỉ dành cho những công ty chuyên làm game. Tuy nhiên với một lập trình viên tự do thì công việc này cũng không đơn giản chút nào. Theo lời kể của bạn bè, khi thực hiện Counter Strike, Lê Minh đã khá vất vả với với engine GoldSrc trong khi anh đang học giữa năm thứ tư tại đại học Simon Fraser. Ít cuối cùng thì trò chơi cũng ra mắt bản beta 1.0 đã được phát hành vào tháng 6 năm 1999, riêng bản thân chàng lập trình viên vẫn tốt nghiệp đúng hạn.
Những câu chuyện thú vị về Counter Strike tại phòng net
Thời điểm những năm 2000 có thể xem là giai đoạn hoàng kim của thể loại game bắn súng góc nhìn thứ nhất lẫn chiến thuật thời gian thực tại thị trường Việt Nam. Vào cái thời tươi đẹp ấy, vào bất cứ phòng net nào cũng có thể nhìn thấy hầu hết các máy tính đang chơi game nếu không phải Counter Strike thì cũng là Đế Chế hay Warcraft. Khi đó không hiếm gặp các hình ảnh về những dãy máy toàn những game thủ đang thi thố tài năng trong map Mansion, một biểu tượng đã trở thành miền ký ức cho tuổi thanh xuân của game thủ Việt ở bất kỳ quán net nào. Có thể nói dù Half-Life mới là tựa game gốc nhưng thực tế, Counter Strike lại cực kỳ thành công và phổ biến, tới mức hầu hết các game thủ khi nói về trò chơi yêu thích đều quên luôn đây chỉ là một bản mod.
Trong những năm tháng xa vời ấy, mạng internet tốc độ cao vẫn là điều gì đó khá xa xỉ, tốc độ đường truyền thì vô cùng xập xệ và có thể rớt mạng bất cứ lúc nào vì những lý do trời ơi đất hỡi nên việc chơi game trực tuyến là gần như không thể. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đều tập trung đủ khiến các game hỗ trợ nhiều người chơi trong mạng nội bộ (LAN) lại lên ngôi. Phiên bản CS phổ biến nhất có lẽ chính là 1.0 và 1.1, cùng với đó là bản đồ cs_italy. Dù cs_mansion và cs_assault xuất hiện trước và làm mưa làm gió tại phòng net nhưng thực tế khi đã lên chuyên (thi đấu nghiêm túc có kèo cọt trà nước đàng hoàng) thì cs_italy mới là lựa chọn của đại đa số game thủ.
Những địa điểm huyền thoại trong bản đồ với tên gọi Việt hóa đã theo ký ức game thủ đi cùng năm tháng như “cổng vòm” hay “nhà hoa” đều đã trở nên quá quen thuộc với mọi người. Thậm chí những chú gà mái tội nghiệp túc tắc kiếm ăn xung quanh chợ cũng trở thành đối tượng tìm diệt của mỗi phe trong từng màn chơi cân não. Từ món ăn tinh thần để giải trí một cách trái phép trong giờ học vì đa số dân chơi lúc đó đều có bệnh chung là thích trốn học, không biết tự bao giờ Counter Strike đã trở thành nhân chứng cho những bước đi đầu tiên của làng eSports chuyên nghiệp Việt Nam, với những trận đấu trong khuôn khổ giải đấu World Cyber Games danh tiếng.
Đáng tiếc sau thành công vang dội của Counter Strike 1.1 lứa đàn em tiếp nối là phiên bản 1.6 và Source lại không thể tái lập được kỳ tích của người tiền bối. Nguyên nhân thì nhiều, cả khách quan lẫn chủ quan nhưng có lẽ sự bão hòa của các game FPS, cũng như việc xuất hiện nhiều game MMO vào thời điểm đó đã khiến game thủ bị xao nhãng với người tình năm nào cũng nên. Giờ đây không ít game thủ thuộc thế hệ 8x, 9x vẫn luôn mong được một lần quay trở về tuổi thơ, cũng như được một lần được thưởng thức những điều tuyệt vời mà tựa game này đã mang lại. Với sự trợ giúp của GPLAY, tất cả những giấc mơ của chúng ta cuối cùng cũng sẽ thành hiện thực.
Dành cho những anh em chưa biết, cổng game GPLAY là nền tảng hỗ trợ game thủ kết nối trực tuyến cùng bạn bè để trải nghiệm những tượng đài bất hủ, chẳng hạn như Counter Strike 1.1, Đế Chế và cuối cùng là Warcraft 3 (DDAY, DotA). Không những thế, bằng cách chuyển đổi mạng để vào các phòng game ảo, game thủ ở mọi nơi có thể tham gia vào các giải đấu bất cứ khi nào họ muốn. Mặc cho những cái tên cùng thời như Quake đã đi vào dĩ vãng, với sự hỗ trợ từ GPLAY, Counter Strike vẫn còn đó, sừng sững như một tượng đài bất khuất trong làng eSports.
Tham khảo thêm thông tin về GPLAY tại:
Trang chủ: https://bit.ly/GPlay-AoERanking
Fanpage: https://www.facebook.com/gametvplus