Đế Chế: Câu chuyện thú vị về tựa game có tuổi đời gần ¼ thế kỷ Update 12/2024

Với một game thủ, 25 năm đầu đời tính ra vẫn còn non và xanh lắm nhưng với một trò chơi điện tử như Đế Chế (Age of Empires), đây là một con số đáng để ngưỡng mộ. Câu chuyện truyền kỳ của trò chơi bắt nguồn từ năm 1995 và đến ngày nay vẫn còn rất nhiều người không thể quên được tựa game chiến thuật thời gian thực huyền thoại, đặc biệt là thế hệ 8x và 9x.

Mọi “Đế Chế” hay vương triều đầu cần có sự khởi đầu

Chính thức ra mắt vào ngày 5 tháng 10 năm 1997 tuy nhiên câu chuyện truyền kỳ về Đế Chế phải trở về trước đó 2 năm. Khi ấy lập trình viên Tony Goodman đã quyết định thỏa mãn giấc mơ về trò chơi điện tử của mình bằng cách thành lập ra Ensemble Studio cùng với anh trai Rick Goodman và ông bạn vàng John Scott. Khởi thủy của Ensemble chỉ là dự án phụ của một công ty chuyên về tư vấn công nghệ nhưng với đam mê bất tận cùng game, Tony đã biến nó trở thành studio chuyên phát triển các trò chơi điện tử.

Đế Chế
Tony Goodman

Sau một thời gian họ chiêu mộ thêm được một anh tài khác là Bruce Shelley, nếu có đam mê to lớn với thể loại chiến thuật, hẳn bạn sẽ nhận ra ngay Bruce Shelley bởi ông đã cùng với huyền thoại Sid Meier sáng tạo ra Railroad Tycoon và Civilization. Cùng làm việc với những bộ óc thiên tài khác đã khiến sức sáng tạo của nhóm thanh niên này trở nên vô cùng mạnh mẽ, kết quả chính là những ý tưởng đầu tiên về một game chiến thuật thời gian thực lấy cảm hứng từ Civilization mang tên Đế Chế đã ra đời.

Những ý tưởng đầu tiên phác thảo bối cảnh về một vùng đất xa lạ nào đó nơi những người sống sót phải tận dụng mọi tài nguyên để xây dựng căn cứ. Tiếp đến là những yếu tố huyễn tưởng đậm chất game từ các đối thủ trên thị trường như Warcraft, Starcraft, Command & Conquer hay Civilization. Nhưng nếu đi theo con đường fantasy hoặc sci-fi hẳn sẽ rất khó khăn bởi hai trò chơi của Bạo Tuyết đã làm quá tốt công việc của mình thế nên nhóm phát triển tại Ensemble quyết định sẽ sử dụng yếu tố lịch sử và cuối cùng thì Age of Empires đã ra đời như thế.

Đế Chế

Nói tóm lại, tựa game Đế Chế được tạo ra từ khát vọng kết hợp hai yếu tố trứ danh là chiến thuật thời gian thực và lịch sử nhưng vẫn phải đặt yếu tố giải trí lên hàng đầu để bán được đĩa. Nghe đồn sau khi game ra mắt vài năm, một tạp chí game uy tín đã bầu chọn danh sách 50 game chiến thuật thời gian thực nổi tiếng nhất. Việc AoE nằm trong danh sách đó là điều đương nhiên nhưng điểm đáng sợ là sau một phần tư thế kỷ, nhiều game RTS ngày đó đã bay màu nhưng trò chơi của Tony vẫn sống khỏe và được game thủ Việt cày cuốc mỗi ngày thông qua GPLAY, đó mới là điều đáng kinh ngạc.

Phiên bản Đế Chế đầu tiên và câu chuyện về một huyền thoại

Phiên bản đầu tiên của đế chế ra mắt vào ngày 15 tháng 10 năm 1997 được xây dựng bởi engine Genie và hỗ trợ hai chế độ chơi đơn lẫn chơi mạng (LAN). Khi solo cùng máy người ta sẽ điều khiển một trong 4 loại quân gồm Ai Cập (Greek), Hy Lạp (Egypt), Babylon và Nhật Bản (Yamato), trong khi đó phần chơi mạng kết nối đến tận 8 người chơi trong cùng một bản đồ với 8 chủng loại quân mới gồm Hittite, Minos, Assyria, Sumer, Phoenicia, Persia, Shang, và Choson.

Đế Chế

Mỗi loại quân sẽ có những loại công trình, binh chủng và công nghệ khác nhau dựa trên những dữ kiện có thật trong lịch sử lẫn hư cấu với các đơn vị lính đặc biệt cho từng phe. Tài nguyên chính trong Đế Chế bao gồm thực, đá, vàng và gỗ, người chơi cần phải thu thập tài nguyên, xây nhà, tạo lính sau đó tìm đến lãnh thổ của đối phương để hỏi thăm sức khỏe. Tất nhiên nếu đơn giản thế thì AoE còn lâu mới hấp dẫn được, điều làm nên tính chiến thuật của game là việc có thể lên đời cho nền văn minh đang điều khiển.

Cũng như ngoài đời thật, các đời hay chính xác là các thời kỳ văn minh cũng được trải dài từ hời đồ đá (Stone Age), tới thời đồ đá mới (New Stone Age), đồ đồng (Bronze Age) và đồ sắt (Iron Age). Để chiến thắng ván đấu nếu chơi LAN cùng người khác, game thủ sẽ phải tiêu diệt hết các đơn vị quân của đối phương hoặc xây dựng Wonder (Kỳ quan) và bảo vệ nó thành công trong một khoảng thời gian nhất định.

Đế Chế
Kỳ quan của từng nền văn minh trong Đế Chế

Chiến thuật như Warcraft, Starcraft, chiến lược cũng chẳng kém Command & Conquer hay Civilization, dĩ nhiên Đế Chế nhanh chóng tạo nên cơn sốt trong làng game nói chung lẫn những người đam mê thể loại chiến thuật nói riêng. Trò chơi của Tony Goodman không quá khó khăn để thâu tóm nhiều giải thưởng quan trọng vào năm 1997. Như một lẽ tất yếu, đang thành công thì phải “bào” và bản mở rộng mang tên Rise of Rome được lên kế hoạch để ra mắt sau đó khoảng 1 năm.

Tiếp nối bằng The Age of King và Age of Empires III

Đến năm 1999, Ensemble đã tung ra phần tiếp theo của game Đế Chế có tên gọi Age of Empires II: The Age of King. Khác với phần đầu tiên lẫn bản mở rộng Rise of Rome, The Age of King lấy bối cảnh thời kỳ trung Cổ với 13 vùng lãnh thổ trải dài từ Âu sang Á. Tất nhiên vì đã có giai đoạn lịch sử cụ thể chứ không còn kiểu cổ đại xa xưa như phần một, các đời của AoE II gồm thời kỳ hắc ám (Dark Age), thời kỳ phong kiến (Feudal Age), thời kỳ thành quách (Castle Age) và thời kỳ đế quốc (Imperial Age).

Đế Chế

Tại Việt Nam tuy rằng Đế Chế II cũng rất nổi tiếng từ giai đoạn ra mắt với tổng cộng 4 phiên bản gồm The Conquerors, The Forgotten, The African Kingdom và Rise of the Rajas được phát triển kéo dài trong suốt 16 năm. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, người ta vẫn ưa thích trải nghiệm phiên bản đầu tiên hơn thông qua nền tảng GPLAY. Một phần vì những ký ức đẹp của ngày xưa đã trở thành bất tử cũng có thể là lối chơi quen thuộc quen thuộc của Đế Chế dễ nắm bắt hơn phần hai hoặc tính năng mới AoE Ranking của GPLAY quá hấp dẫn chăng?

Sau thời cổ đại và Trung Cổ, Đế Chế tiếp tục sức sống mạnh mẽ của mình khi xây dựng những trận quyết chiến đầy khốc liệt trong thời kỳ thuộc địa hóa châu Mỹ của 8 cường quốc châu Âu lúc bấy giờ là Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Gameplay không có nhiều thay đổi chỉ có các đời là được đổi thay gồm thời kỳ khai phá (Discovery Age), thời kỳ thuộc địa (Colonial Age), thời kỳ đồn trú (Fortress Age), thời kỳ công nghiệp (Industrial Age) và thời kỳ đế quốc (Imperial Age).

Đế Chế

Dù vẫn ra đều đặn các phiên bản mới nhưng có vẻ sức sáng tạo của đội ngũ tại Ensemble đã không còn sung sức như trước nên dù vẫn được fan lâu năm ủng hộ nhưng AoE 3 không thể tái lập vinh quang của hai người đàn anh. Thậm chí tựa game ăn theo là Age of Mythology lấy bối cảnh tranh giành tín đồ của các các vị thần ra mắt năm 2008 cũng không được đánh giá cao. Đến năm 2009 vì tình hình kinh doanh bết bát, Ensemble đã đệ đơn xin phá sản và các bản mở rộng sau đó của Đế Chế đều là sản phẩm do các studio khác phối hợp cùng NPH Microsoft sản xuất.

Câu chuyện còn tiếp diễn tại thị trường Việt Nam

Có thể nói với bề dày lịch sử kéo dài qua một phần tư thế kỷ, khó tựa game chiến thuật thời gian thực nào lại sở hữu sống mãnh liệt như Đế Chế tại thị trường Việt Nam. Như đã nói trong các loạt bài trước về tựa game này, được du nhập vào nước ta thông qua con đường không chính thống nhưng Đế Chế lại trở thành huyền thoại tại các phòng net với hàng nghìn người tranh nhau vào room trên các nền tảng đã trôi vào dĩ vãng như Hamachi, GG Client hay vẫn sống khỏe như GPLAY ở thời điểm hiện tại.

Lý giải cho sức sống mãnh liệt của Đế Chế thì nhiều nhưng tựu trung lại có lẽ cũng nằm nằm ngoài một vài yếu tố như: ấn tượng ban đầu về một trò chơi quá sức hấp dẫn, cấu hình không cao và quan trọng là miễn phí, dễ làm quen nhưng khó chơi giỏi, phù hợp với mọi lứa tuổi và có lẽ những thứ đã thuộc về kỷ niệm thì rất khó để thay đổi. Đầu tiên, AoE ra mắt vào thời điểm chẳng có bao nhiêu tựa game chiến thực thời gian thực tiếp cận được với cộng đồng game thủ Việt.

Kế đến dù nói ra có hơi xấu hổ nhưng game này hoàn toàn miễn  phí vì đã được bẻ khóa tất tần tật và đính kèm trong các đĩa Norton Ghost bán cho các phòng net. Tiếp theo trò chơi sở hữu độ khó vô cùng phù hợp. Như đã nói ở trên là dễ chơi nhưng khó giỏi tuy nhiên ở thời điểm ban đầu thì phải làm cho người ta thích chơi cái đã còn hay mà quá khó nhằn thì chắc chắn đối tượng tiếp cận sẽ bị hạn chế rất nhiều. Bên cạnh đó, đây là một tựa game phù hợp cho mọi lứa tuổi và khác với nhiều trò chơi yêu cầu game thủ phải chuyên môn một kỹ năng nào đó thì chơi gà AoE nếu hên vẫn có thể thắng, miễn là trình đừng cách nhau quá xa.

Ở thời điểm hiện tại, tựa game huyền thoại này vẫn đang cho thấy sức sống mãnh liệt đặc biệt là qua sự sôi động của cộng đồng game thủ trên nền tảng GPLAY. Dù các trò chơi hấp dẫn vẫn ra mắt đều đặn mỗi năm nhưng nếu hỏi ở VN còn ai chơi Đế Chế không thì hẳn bạn sẽ không phải thất vọng bởi lúc nào cũng có sẵn một lượng game thủ ổn định chờ đợi người mới vào để hành cho ra bã. Đó là nói vui chứ thực tế những lão làng luôn rất nhiệt tình truyền đạt kiến thức cho các newbie để ngọn lửa Đế Chế không bao giờ tàn lụi.

Tham khảo thêm thông tin về GPLAY cũng như AoE Ranking tại:

Trang chủ: https://bit.ly/GPlay-AoERanking

Fanpage: https://www.facebook.com/gametvplus