Những thay đổi của ngành công nghiệp trò chơi điện tử – P.1 Update 04/2024

Trong suốt 50 năm vừa qua, cộng đồng game thủ đã có cơ hội được chứng kiến rất nhiều thay đổi to lớn, mang tính cách mạng nhằm mục đích giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Vậy thì những thay đổi này thực sự là gì? Chúng có phải là những thể loại (genre) hay là những tính năng đặc trưng của từng dòng game? Hãy cùng Mọt Game tìm hiểu nhé.

Game 3D và tính năng điều khiển chuyển động của nhân vật

Để bắt đầu câu chuyện về những thay đổi của ngành công nghiệp trò chơi điện tử, chúng ta sẽ cùng nói về các trò chơi được xem như là người tiên phong cho dòng game 3D. Chẳng hạn như Battlezone, một game bắn xe tăng nổi tiếng dành cho máy điện tử thùng Atari 2600 và dòng máy tính cá nhân siêu cổ IBM PC, ra mắt từ năm 1980. Hay là game giải mã mê cung 3D Monster Maze phát hành vào tháng 2 năm 1982 trên dòng máy tính gia đình Sinclair ZX81.

Trò chơi điện tử và những sự thay đổi mang tính cách mạng - P.1

Về mặt lý thuyết, tuy đó là những tựa game 3D đời đầu của ngành công nghiệp trò chơi điện tử, nhưng ngoài việc “khai hoang” và mở ra một hướng đi mới cho các nhà phát triển game, thì chúng vẫn chưa thực sự mang lại nhiều ảnh hưởng đáng kể. Mãi cho đến khi huyền thoại của mọi thời đại là game “hái nấm” Super Mario 64 của Nintendo ra đời vào năm 1996, kéo theo đó là những thay đổi mang tính cách mạng, khiến cho các hãng bắt đầu có cái nhìn mới mẻ và sáng tạo hơn trong việc phát triển game.

Và cũng có thể nói rằng đây là một trong những cái tên đã giúp đặt nền móng cho việc củng cổ những tính năng cơ bản nhất của các dòng game 3D cổ điển. Chẳng hạn như các lệnh di chuyển, tương tác đơn giản giữa nhân vật và môi trường xung quanh, cũng như cách mà các góc quay hoạt động trong không gian 3 chiều.

FPS – Game bắn súng góc nhìn thứ nhất

Khi nói về game FPS (game bắn súng góc nhìn thứ nhất) chắc hẳn đa phần mọi người sẽ nghĩ ngay đến Half-life (game thủ Việt Nam hay gọi đây là game Hép-lai), hay thậm chí phiên bản DOOM năm 1993. Ừ thì theo một nghĩa nào đó, cả hai trò chơi đúng là đã mang đến rất nhiều sự thay đổi trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử cả trước và sau thế kỷ 21. Tuy nhiên, công lao lớn nhất có vẻ vẫn thuộc về dòng game Wolfenstein, nói chính xác hơn đó chính là phần Wolfenstein 3D (Wolf 3D) – một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất, được phát hành hồi đầu tháng 5 năm 1992.

Trò chơi điện tử và những sự thay đổi mang tính cách mạng - P.1

Thật ra thì Wolf 3D không phải là tựa game FPS đầu tiên, mà chính là Maze War – một dự án được thực hiện bởi một nhóm học sinh trung học từ những năm 1970 thông qua chương trình work-study (tạm dịch: vừa học vừa làm) của NASA. Nhưng mãi về sau, khi họ chính thức vào Đại học, trò chơi mới thực sự được mở rộng và thu hút được sự chú ý của rất nhiều người. Tuy rằng Maze War đã khiến cho cộng đồng game thủ lúc bấy giờ cảm thấy hào hứng, nhưng chắc có lẽ cũng do công nghệ thời đó vẫn còn khá nhiều hạn chế, nên lối chơi bắn súng đã nhanh chóng trở nên nhàm chán. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là nó không thành công trong việc mang đến nhiều tính năng độc đáo, mới mẻ để tạo ra một thứ mà sau này chúng ta gọi là “dòng game bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS)”.

Mãi cho đến khi Wolf 3D ra đời, kéo theo đó là sự kết hợp hài hoà giữa bối cảnh không gian 3D và sự xuất hiện của các vật thể 2D được định sẵn trong bản đồ (nhiều người hay gọi đây là đồ hoạ 2.5D). Lúc này thể loại bắn súc góc nhìn thứ nhất mới thực sự “lên như diều gặp gió” và bắt đầu tạo ra nhiều thay đổi mang tính cách mạng trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử, đồng thời giúp cho các nhà phát triển game tạo ra nhiều siêu phẩm đình đám trong những năm về sau.

Thể loại Thế giới mở – Open World

Có thể nói rằng thể loại Open World, hay còn gọi là Thế Giới Mở (tránh nhầm lẫn với dòng game sinh tồn thế giới mở Survival Open World), cũng một trong những thứ đã khiến cho ngành công nghiệp trò chơi điện tử phải thay đổi một cách chóng mặt. Lối chơi của những tựa game thuộc thể loại này thường được thiết kế để cho phép người chơi tự do đi lại trong một thế giới ảo rộng lớn, đồng thời chúng ta cũng được toàn quyền quyết định khi nào và làm cách nào để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Tính đến thời điểm hiện tại, có thể nói rằng GTA (Cướp Đường Phố) là một trong những thương hiệu khai thác đề tài thế giới mở hiệu quả nhất. Nhưng về mặt lý thuyết thì series GTA không phải là “người gieo mầm” và tạo ra khái niệm “thế giới mở” cùng với các thuật ngữ liên quan, chẳng hạn như free roam (tạm dịch: đi rong tự do) và sandbox (một dạng game open world). Mà tất cả mọi thứ đều bắt nguồn từ Jet Rocket – tựa game open world đầu tiên dành cho máy điện tử thùng, được phát triển bởi SEGA và sản xuất vào cuối những năm 60 của thế kỷ 20.

Nếu nhìn ở một khía cạnh khác, thì dù cho Jet Rocket đã tiên phong và đặt những viên gạch đầu tiên để tạo nền móng cho các dòng game open world sau này, trò chơi vẫn chưa thể khiến cho cộng đồng game thủ lúc bấy giờ cảm thấy ấn tượng. Tất nhiên điều này cũng khá là dễ hiểu, bởi lẽ kỹ thuật công nghệ thời đó vẫn chưa thực sự có nhiều bước đột phá mãi cho đến những năm 1990. Nhiều năm trôi qua và khi series GTA xuất hiện, nó đã bắt đầu tập trung vào việc khai thác cũng như tiếp tục chăm chút hơn cho những gì mà người tiền nhiệm đã để lại.

Để rồi mãi về sau, thương hiệu Cướp Đường Phố cùng với những điểm đặc trưng của nó (thế giới ảo khổng lồ, môi trường mang tính tương tác, v..v…), đã trở thành những nguồn cảm hứng bất tận, giúp cho rất nhiều studio game lớn nhỏ khác nhau tạo ra vô số siêu phẩm thế giới mở đình đám, đơn cử như No Man’s Sky, series Saints Row và series Fallout… Không những vậy, loạt game GTA còn được giới chuyên môn đánh giá là yếu tố quan trọng giúp đưa ngành công nghiệp trò chơi điện tử đến với một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của thể loại game “Thế giới mở”.

Còn tiếp…