Chưa đầy 48 giờ sau quyết định sa thải HLV Daeny và Zefa, người hâm mộ T1 lại đón thêm tin buồn. Trên trang chủ, T1 thông báo Giám đốc vận hành John Kim đã qua đời ở tuổi 41 vì lý do sức khỏe.
John Kim bắt đầu sự nghiệp với tư cách là người sáng lập của TSB Communications tại Vancouver, sau đó lấn sân sang Esports và tiếp quản các đội tuyển Overwatch. Với những khán giả thường xuyên dõi theo LCK, John Kim có lẽ không còn là cái tên qua xa lạ. Dù vậy, ông được biết đến như một người tập trung vào khía cạnh kinh doanh nhiều hơn là chuyên môn về Esports.
T1 là tổ chức được thành lập vào năm 2003 và đã để lại nhiều di sản cho Esports Hàn Quốc. Ban đầu, đội tuyển Starcraft đã tạo nên tên tuổi của T1. Trong nhiều năm liền, T1 hoạt động dưới vai trò là bộ phận tiếp thị của SKT Telecom trước khi sáp nhập với Comcast vào năm 2019 để có được ngày hôm nay. Thời điểm ấy, John Kim và Joe Marsh là hai nhân tố nòng cốt của T1.
Trong khi những Faker hay kkOma, Kim và gần nhất là Polt tập trung vào đội tuyển LMHT của T1, John Kim lại hết mình vì công việc kinh doanh. Trước khi qua đời, ông đã có những chia sẻ thật lòng trên JoongAng Daily về hoài bão của mình nhằm biến T1 thành tổ chức hàng đầu. Mặt khác, John Kim cũng đã biến hệ thống nhượng quyền thương mại của Esports thành một mô hình kinh doanh vô cùng thành công.
– Hãy cho chúng tôi biết đôi chút về T1. Ông đã đề cập đến việc T1 được công nhận lần đầu tiên nhờ đội Starcraft. Dù vậy, mọi người dường như đã quen thuộc với đội LMHT của T1 hơn đúng không?
Chúng tôi đã giành được 3 chức vô địch CKTG và 2 danh hiệu quốc tế khác. Ngoài ra, ở khu vực Hàn Quốc, T1 cũng đã có được 9 chức vô địch. Cho đến nay, chúng tôi là tổ chức Esports thành công nhất thế giới. Trước đây, T1 là một phần của bộ phận tiếp thị Esports trực thuộc SK Telecom, chỉ có vậy thôi. Sau đó, vào tháng 10/2019, chúng tôi bắt tay với Comcast và SK Telecom để tạo ra một công ty mới có tên là T1.
Tất nhiên, tổ chức đang sở hữu một tuyển thủ vĩ đại là Lee “Faker” Sang-hyeok. Cậu ấy được xem là tuyển thủ Esports xuất sắc nhất và những danh hiệu mà chúng tôi giành được đều có sự hiện diện của Faker. Một chàng trai bắt đầu nổi lên từ khi còn rất trẻ và đến tận bây giờ vẫn là tuyển thủ hàng đầu. Thật không dễ dàng gì để đạt được thành tựu như vậy.
T1 được sáng lập bởi một tuyển thủ tên Lim “BoxeR” Yo-hwan. Anh ấy là cha đỡ đầu của Esports, là ngôi sao đầu tiên của Esports và xuất thân từ T1. Khi chúng tôi mới thành lập tổ chức, BoxeR là một trong những bản hợp đồng đầu tiên.
– Là Giám đốc vận hành của T1, ông có vai trò thế nào trong tổ chức?
Như tôi đã đề cập, T1 đã trở thành công ty độc lập vào tháng 10/2019. Đại loại, tôi góp phần thành lập công ty độc lập ấy, đồng thời phải làm rất nhiều việc. Tôi còn tham gia điều hành một vài đội ở khu vực Hàn Quốc, chúng tôi thực sự sở hữu những tập thể tuyệt vời. Chúng tôi có đội ngũ kinh doanh, chăm sóc trụ sở mới tại Gangnam, một quán cà phê và những đội thể thao.
Chúng tôi cũng có bộ phận quản lý ấn tượng, qua đó đảm bảo cho các tuyển thủ nhận được sự ủng hộ mà họ đáng được nhận. Ngoài ra, còn phải kể đến đội ngũ sáng tạo nội dung của T1, họ cũng tuyệt vời không kém và tôi điều hành tất cả những bộ phận kể trên ở Hàn Quốc. Mặt khác, cá nhân tôi cũng phải tập trung vào khía cạnh kinh doanh của tổ chức.
– Nhiều người chỉ xem Esports đơn thuần là một game chơi trên máy tính. Làm thế nào ông đã giúp Esports có được vị thế như hiện tại?
Tôi luôn thích chơi các trò chơi điện tử từ khi còn trẻ, thông qua Nintendo với các tựa game như Street Fighter là 007. Dù vậy, tôi luôn tự giới thiệu mình là một doanh nhân. Tôi có công ty riêng ở Vancouver, điều hành công ty ấy được 10 năm và đang tìm các lĩnh vực khác để đầu tư vào. Vào năm 2014, Esports đang trên đà phát triển. Hàn Quốc là khu vực mà mọi người nghĩ rằng sẽ giúp Esports bay cao, cuối cùng kịch bản ấy đã xảy ra.
Tôi quyết định đầu tư và mua một đội tại Hàn Quốc. Tôi cũng thành lập một công ty truyền thông nhỏ chuyên đưa tin về Esports và còn một công ty khác liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI). Thông qua những nước đi ấy, tôi đã tiếp quản đội Overwatch khi ấy đang tham dự giải đấu nhượng quyền mang tên Blizzard. Cũng nhờ đó, tôi liên lạc được với Tucker Roberts, người sở hữu đội tuyển Overwatch nhượng quyền đó là Philadelphia Fusion.
Tất nhiên, công ty mẹ của Philadelphia Fusion vẫn là Comcast. Bất cứ khi nào họ đến Hàn Quốc, tôi đều dẫn họ đi tham quan và trò chuyện với Joe Marsh, người khi ấy là Giám đốc kinh doanh nhưng hiện tại là Giám đốc điều hành của T1. Khi tôi tiến hành liên doanh và bắt tay với các bên, họ muốn tôi tiếp quản công việc tại Hàn Quốc và đó là cách mọi thứ bắt đầu.
– Ông có chơi LMHT không?
Có, nhưng chỉ với mục đích nghiên cứu. Thành thật mà nói, khá lâu rồi tôi không chơi LMHT vì việc kinh doanh vô cùng bận rộn, bận rộn một cách điên cuồng. Tôi chỉ đơn giản là không có thời gian, dù vậy bản thân tôi cũng rất thích Esports. Tôi từng chơi Starcraft khi còn trẻ và khi tiếp quản đội Overwatch, tôi cũng chơi game trên PC trở lại.
– Là Giám đốc vận hành của T1, ông có những bài học kinh nghiệm nào dành cho các tuyển thủ không?
Tôi đã chơi Overwatch với một số tuyển thủ chuyên nghiệp trước đây. Bạn phải thật cẩn trọng. Khi chơi trực tuyến, họ trông như thể đang thúc đẩy hoặc nâng đỡ bạn. Vì thế, điều đó không hề tốt chút nào ở một tập thể đầy tính cạnh tranh. Tuy nhiên, cảm giác rất vui khi được sát cánh cùng các tuyển thủ chuyên nghiệp.
– Công việc văn phòng của Esports khác biệt thế nào so với các môn thể thao khác?
Về cơ bản, T1 như thể một công ty khởi nghiệp. Chúng tôi mới bắt đầu và mọi thứ đang trong quá trình thiết lập. Esports là lĩnh vực mới, thế nhưng vẫn có những nét tương đồng với các môn khác chẳng hạn như tài trợ, truyền thông hay những điều đại loại thế. Tuy nhiên, chúng tôi phải tìm kiếm cơ hội và những hình thức kinh doanh mới hơn nữa.
Nói chúng, Esports là một mô hình phát sóng trực tuyến. Cho nên, chắc chắn sẽ có những nét tương đồng với các môn thể thao khác, đồng thời cũng có sự khác biệt. Nhưng xét trong trường hợp cụ thể của T1, chúng tôi là những người mới. Vì thế, tổ chức này đang phải chạy khắp nơi. Tôi chỉ muốn nào rằng Esports ít được công nhận hơn so với các môn thể thao truyền thống.
– Vào những ngày thi đấu, lịch trình làm việc của ông có thay đổi không?
Chúng tôi luôn có tâm trạng lo lắng mỗi khi thi đấu, cùng nhau háo hức và xem các trận đấu. Bạn biết đấy, đó cũng chỉ là một ngày ở văn phòng. Ngày của chúng tôi đôi khi sẽ dài hơn khi các trận đấu diễn ra muộn. Tuy nhiên, các thành viên ở văn phòng ít khi tham gia vào lịch trình của đội tuyển, chúng tôi chỉ nắm thông tin thông qua HLV trưởng hoặc các vị trí cụ thể như nhân viên chăm sóc tuyển thủ.
– Với tư cách là Giám đốc vận hành, ông nghĩ mình can thiệp vào công tác chuyển nhượng ở mức độ nào?
Có những trường hợp cụ thể mà chúng tôi sẽ tham gia vào và liên quan ở một mức độ nhất định. Vào năm 2019, khi bắt đầu liên doanh, chúng tôi không có HLV trưởng. Đó là thời điểm tôi và CEO đi khắp nơi để tìm kiếm các bản hợp đồng mới. Chúng tôi tham gia vào quá trình ký hợp đồng, nhưng sau đó thì không còn phận sự gì nữa.
– Nói về hợp đồng, mọi người đều đang chú ý đến chuyện Faker có gia hạn với T1 hay không. Cậu ấy đã làm việc với ban lãnh đạo từ khi nắm một chút cổ phần của công ty. Làm thế nào ông đã giữ chân Faker trong một khoảng thời gian dài đến vậy?
Faker là T1, là hiện thân của T1, là tất cả giá trị của đội tuyển. Cậu ấy đã giành được vô số danh hiệu và nhờ đó, chúng tôi cảm thấy rất quan trọng nếu như Faker sở hữu một ít cổ phần của T1. Điều này giúp Faker gắn bó lâu dài với T1, rõ ràng cậu ấy là một phần rất quan trọng của tổ chức. Khi mới bắt đầu liên doanh, điều đầu tiên chúng tôi muốn làm là gia hạn với Faker, sau đó đưa cậu ấy vào thành phần của công ty.
– Làm thế nào để từ một game thủ bình thường trở thành một tuyển thủ chuyên nghiệp?
Tương tự thể thao truyền thống. Có những người rất yêu bóng rổ, thế nhưng những ngôi sao hàng đầu đều là quái kiệt ở bộ môn này. Tôi cho rằng chỉ một tỷ lệ nhỏ trong số 10 triệu người chơi LMHT là những game thủ hàng đầu. Và khi bạn tham gia T1, tỷ lệ ấy thậm chí còn nhỏ hơn. Thế nên, bạn cần phải có tài, sau đó mới nghĩ đến chuyện tập luyện nhiều cũng như có được sự kỷ luật.
– Kỹ năng quan trọng nhất khi T1 chiêu mộ cách tuyển thủ là gì?
Chúng tôi chỉ đơn giản là dựa vào sự xuất sắc trong các trận đấu của họ. Hầu hết mọi tựa game đều có hệ thống xếp hạng và bạn có thể dễ dàng nhận ra những ai đang ở các vị trí dẫn đầu. Đôi khi, họ không phải là người của các đội tuyển chuyên nghiệp. Đó là một cách mà T1 chiêu mộ nhân tài. Chúng tôi gọi đó là kế hoạch “cái thang”.
Từ bậc này lên bậc kia, họ leo khỏi cái thang và mọi thông số, dữ liệu về họ sẽ hiển thị. Một trong những tuyển thủ của chúng tôi là Cuzz đã leo Top 1 Thách Đấu hai lần, leo Top 2 Thách Đấu một lần. Một khía cạnh khác mà chúng tôi quan tâm là sự cố gắng không ngừng nghỉ. Chỉ cần bạn không bỏ cuộc và cố gắng để trở nên tốt hơn, đó sẽ luôn là điểm cộng của mọi người.
– Khoảnh khắc khó quên nhất trong sự nghiệp của ông cùng T1 là lúc nào?
Tôi là thành viên của T1 từ tháng 5/2019, chưa phải là quá lâu. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, chúng tôi đã giành 3 danh hiệu trong khu vực. Danh hiệu gần nhất mà chúng tôi giành được thực sự rất đặc biệt. Đó là một T1 hoàn toàn độc lập. Chúng tôi mất một HLV huyền thoại là kkOma vì anh ấy đến Trung Quốc, đồng thời T1 cũng đã mất nhiều tuyển thủ quan trọng. Khi ấy, ban lãnh đạo đã vấp phải nhiều sự chỉ trích. Vì thế, thật tuyệt vời khi chúng tôi lên ngôi LCK mùa Xuân 2020.
– Với tư cách là một Giám đốc vận hành, khoảnh khắc khiến ông cảm thấy tự hào nhất là khi nào?
Về mặt thành tích, chức vô địch LCK mùa Xuân 2020 khiến tôi thấy tự hào vì có rất nhiều tuyển thủ khi ấy là do tôi cùng Joe Marsh mang về. Về khía cạnh hoạt động của tổ chức, chúng tôi có những nhân viên Esports giỏi nhất thế giới. Chúng tôi đang có những chương trình phát trực tuyến với lượng người xem đáng kinh ngạc và còn đang được cải thiện.
Ngoài ra, T1 cũng có một số đối tác đáng chú ý như Samsung, BMW, Nike và những đối tác cấp cao khác. Điều khiến tôi tự hào nhất là mình đã tập hợp một đội ngũ tuyệt vời nhất tại tổ chức này.