Khoảng thời gian gần 2 năm qua, thể thao truyền thống đang có dấu hiệu chững lại khi có nhiều sự kiện bị hoãn vì đại dịch Covid-19. Cùng thời điểm ấy, Esports đang ở vị thế cạnh tranh đã có bước nhảy vọt và đi đúng với hướng phát triển của mình. Từ ngành công nghiệp cung cấp và giúp thỏa mãn đam mê của các game thủ, Esports đã trở thành hiện tượng toàn cầu.
Ngày càng có nhiều sự kiện với quy mô lớn về Esports được tổ chức, CKTG của bộ môn LMHT là một ví dụ. Với những cơ sở ấy, người hâm mộ tự hỏi rằng liệu đã đến lúc Esports nên được đưa vào Olympic hay chưa? Đã có những tuyên bố tích cực từ Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), nhưng Esports vẫn còn nhiều vấn đề nhức nhối cần được giải quyết nếu muốn được công nhận.
Thể thao điện tử và Thể thao truyền thống
Thật khó để nhìn ra những nét tương đồng giữa các tuyển thủ của thể thao truyền thống và các tuyển thủ của thể thao điện tử. Nhiều nhận định cho rằng tuyển thủ Esports không có được những kỹ năng và điều kiện tốt như các đồng nghiệp của thể thao truyền thống. Tuy nhiên, điều này cũng không hoàn toàn đúng. Theo các số liệu thống kê, vận động viên Esports tham dự các giải đấu lớn có thể trải qua nhịp tim lên đến 180bpm.
Cụ thể, tuyển thủ Esports phải cực kỳ tập trung để đánh bại đối thủ của mình và phải duy trì điều đó trong một thời gian dài hơn so với bóng đá hay bóng rổ. Dù không vận động quá nhiều về mặt thể chất, tuy nhiên nếu suy rộng ra, tuyển thủ Esports sẽ phải làm việc cật lực và vận dụng trí óc của mình nhiều hơn các môn nặng về thể chất. Ví dụ, một tuyển thủ LMHT có thể phải tập luyện 12 tiếng mỗi ngày để chuẩn bị cho một giải đấu lớn.
Esports mang lại lợi ích thế nào cho Olympic?
Việc đưa Esports vào Olympic có thể mang tới những lợi ích lớn cho IOC theo nhiều cách khác nhau. Nếu Esports được chọn, lượng người xem sẽ tăng lên và IOC cần phải cân nhắc đến vấn đề này. Thế nhưng, đã có những mối lo ngại về việc Esports sẽ làm ảnh hưởng đến giá trị của Olympic. Một số môn mang thiên hướng bạo lực có thể sẽ không xuất hiện, tuy nhiên cơ hội cho Esports vẫn còn.
Olympic có thể đưa vào các môn mang tính mô phỏng thể thao truyền thống trong tương lai gần. Thông qua việc đưa Esports vào cuộc thi, IOC sẽ tiếp cận với lứa khán giả trẻ. Giờ đây, cộng đồng Esports đang thể hiện sự ủng hộ nhiệt thành cho các thần tượng và đó là cơ sở để giúp Olympic được quan tâm đặc biệt. Esports sẽ xuất hiện tại SEA Games 31 và đây là tín hiệu vô cùng tích cực.
Trong tương lai, Esports sẽ đi về đâu?
Theo như các tuyên bố gần đây của IOC, việc Esports xuất hiện ở Olympic nhiều khả năng chỉ là những môn mô phỏng các môn thể thao truyền thống. Tổ chức “bắn phát súng” đầu tiên đó chính là World Sailing khi ngỏ ý muốn biến bộ môn Virtual Regatta thành môn cạnh tranh huy chương. Mặt khác, có những số liệu chỉ ra rằng Esports đang phát triển vô cùng mạnh mẽ.
Năm 2020, có tới 495 triệu người xem đã theo dõi các sự kiện Esports khác nhau. Ngoài ra, lượng người xem trực tiếp của Esports đã tăng gấp đôi từ năm 2019 và năm 2020, đạt tổng cộng 3.94 tỷ giờ xem. Với việc đang thu hút được nhiều thương hiệu lớn, thật khó để tưởng tượng rằng Esports sẽ bị chìm vào quên lãng. Việc Esports xuất hiện tại Olympic có thể còn xa vời, tuy nhiên kịch bản ấy vẫn có khả năng xảy ra nếu Esports duy trì sự phát triển như hiện tại.