Không chỉ bị đại kình địch cho xem CKTG qua TV, G2 Esports còn xát muối vào nỗi đau khi cựu đội trưởng Perkz có lần thứ 6 liên tiếp tham dự CKTG Update 12/2024

Trong một ngày phải nhận trận thua trước đại kình địch Fnatic và có lần đầu tiên được xem CKTG qua TV, G2 Esports còn phải chứng kiến cảnh tượng đầy xót xa khi cựu đội trưởng, biểu tượng chiến thắng một thời của họ Luka “Perkz” Perkovic có lần thứ 6 liên tục tham dự CKTG sau thắng lợi 3 – 2 trước TSM trong trận bán kết nhánh thua LCS Mùa Hè 2021.

Chứng kiến phong độ thi đấu kém ấn tượng của G2 Esports trong mùa giải 2021 này, đặc biệt là trong những trận BO5 quyết định, hẳn rất nhiều fan của Binh đoàn Samurai châu Âu sẽ rất nhớ cựu đội trưởng của họ Luka “Perkz” Perkovic. 

Ngay từ khi đặt chân lên LCS châu Âu (tiền thân của LEC ngày nay), chính Perkz là người đặt những viên gạch đầu tiên cho đế chế G2 khi anh luôn là đầu tàu đưa toàn đội tới 4 chức vô địch LCS châu Âu liên tiếp trong giai đoạn 2016 – 2017. Bước sang mùa giải 2018, dù G2 khi đó trắng tay toàn tập thì chính phong độ xuất sắc của tuyển thủ người Croatia đã một tay kéo đội tuyển này đến với CKTG. 

Bước tới giải đấu LMHT lớn nhất năm trong con mắt hoài nghi của nhiều người bởi chất lượng đội hình cùng lịch sử vốn không mấy tốt đẹp trong những lần tham dự trước đó, chính đội trưởng của G2 khi ấy với những tình huống xử lý kỹ năng xuất sắc và khả năng kêu gọi tuyệt vời đã đưa Binh đoàn Samurai châu Âu lần đầu tiên tiến vào vòng bán kết của giải đấu. Nếu được hỏi đâu là màn carry ấn tượng nhất tại CKTG năm đó thì bên cạnh Aatrox hay Jayce của TheShy, Akali của Perkz trong trận gặp Phong Vũ Buffalo và đặc biệt là Leblanc trong ván 5 trận tứ kết với ứng cử viên số 1 năm đó của chức vô địch RNG cũng xứng đáng được người hâm mộ nhớ tới. 

Hai màn trình diễn để đời của Perkz tại CKTG 2018 góp phần giúp G2 lọt vào tới vòng bán kết

Màn trình diễn đáng nhớ tại CKTG 2018 chính là tiền đề quan trọng cho kỷ nguyên thống trị toàn cõi châu Âu lần 2 của G2 trong giai đoạn 2019 – 2020. Không những thế, trong giai đoạn này, Perkz cùng các đồng đội đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn của các chuyên gia và người hâm mộ LMHT về khu vực LEC khi bất kỳ giải đấu nào tham dự, G2 và các đại diện châu Âu đều để lại dấu ấn. Tại MSI 2019, dù không phải ứng viên hàng đầu, tuy nhiên, với phong độ xuất sắc của các thành viên và những vị tướng “dị”, nằm ngoài meta cùng khả năng macro và giao tranh xuất sắc, “rạp xiếc châu Âu” khi ấy đã làm nên lịch sử khi mang về chức vô địch lịch sử cho khu vực châu Âu. Bên cạnh đó, suýt chút nữa họ đã hoàn thành cú ăn 4 khi lọt vào tới trận chung kết CKTG 2019 và chỉ chịu thua trước FunPlus Phoenix khi ấy quá bùng nổ và thăng hoa. 

Dù chuyển xuống chơi xạ thủ và không còn nhiều những màn tỏa sáng quá rực rỡ như trong giai đoạn trước, tuy nhiên, khả năng ra quyết định, xốc dậy tinh thần trong lúc khó khăn của Perkz đã giúp G2 có rất nhiều màn lội ngược dòng ấn tượng. Bên cạnh đó, bể tướng rộng khi chơi tốt được cả những pháp sư, đấu sĩ cũng giúp anh và toàn đội nắm rất nhiều ưu thế trong giai đoạn cấm và chọn. 

Cuối năm 2020, rất nhiều fan hâm mộ của Binh đoàn Samurai châu Âu cảm thấy tiếc nuối khi Perkz và G2 không thể tìm được tiếng nói chung và đành chấm dứt “mối lương duyên” đẹp chẳng kém gì Faker và T1. Dù bổ sung thêm được xạ thủ Rekkles, tuy nhiên, màn thể hiện của G2 Esports đã kém hơn rất nhiều so với những mùa giải trước. Phong độ đi xuống và tuổi tác đã ảnh hưởng tới nhiều trụ cột, bên cạnh đó là những quyết định di chuyển đầy khó hiểu khi để đối thủ dễ dàng khai thác các mục tiêu lớn. Bên cạnh đó, bản lĩnh trong những trận BO5 – điều làm nên thương hiệu G2 cũng hoàn toàn bị biến mất khi trong cả hai mùa giài Mùa Xuân và Mùa Hè trong năm nay, G2 đã để thua tới 4 cặp BO5, nhiều bằng cả hai năm 2019 và 2020 cộng lại. 

 

Về phía Perkz, dù không còn ở phong độ xuất sắc nhất như cách đây nhiều năm, tuy nhiên, tuyển thủ có nhiều chức vô địch LEC nhất vẫn gặt hái cho mình thêm những bổ sung để bổ sung vào bảng vàng thành tích của mình. Hồi mùa giải Mùa Xuân, dù hòa nhập chậm hơn một chút so với lối chơi của Cloud9, tuy nhiên, trong những thời điểm quan trọng, đặc biệt là trận chung kết, Perkz một lần nữa chứng tỏ đẳng cấp khi có những màn thể hiện xuất sắc giúp Cloud9 giành chức vô địch. 

Trở về LCS Mùa Hè sau mùa giải MSI đầy thất vọng, tuyển thủ sinh năm 1998 cùng đồng đội không còn duy trì được vị thế của mình khi tụt xuống vị trí thứ 4 sau khi kết thúc giai đoạn vòng bảng. Không những thế, màn trình diễn yếu kém trước Team Liquid ngay ở vòng 1 playoffs càng làm người hâm mộ lo ngại về viễn cảnh C9 sẽ có năm thứ hai liên tiếp vắng mặt tại CKTG. Tuy nhiên, “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Perkz cùng tập thể C9 đã lần lượt vượt qua các đối thủ để tiến tới trận bán kết gặp lại đối thủ truyền kiếp Team SoloMid. 

Bất chấp việc liên tục bị dẫn trước 1 – 0, rồi 2 – 1 trong cặp BO5 quyết định cho tấm vé cuối cùng của LCS tham dự CKTG, Perkz một lần nữa chứng tỏ bản lĩnh tuyệt vời khi hai màn trình diễn Syndra và Irelia vô cùng xuất sắc trong hai ván đấu cuối cùng đã một lần nữa giúp C9 lội ngược dòng và quay trở lại với CKTG sau một năm vắng bóng. 

Nhìn cách Perkz thi đấu đầy sắc sảo, tinh quái như vậy, các fan của G2 chẳng khác nào cảm thấy mình bị “xát muối vào nỗi đau” khi nhìn thấy biểu tượng chiến thắng một thời của mình tiếp tục có được những thành công ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương. Tuyển thủ người Croatia sẽ có lần thứ 6 liên tục tham dự CKTG, tuy nhiên sẽ là lần đầu anh tham dự mà không khoác lên mình màu áo trắng đen truyền thống của G2. 

>>> Bất chấp chỉ còn là những kẻ “ăn mày dĩ vãng”, trận siêu kinh điển G2 Esports và Fnatic vẫn thu hút được lượng người xem kỷ lục