– Xin chào crazyguy, anh có thể tự giới thiệu về bản thân mình cho các độc giả của Thethao.vn?
Xin chào mọi người! Mình là Ngô Công Anh, hay còn được biết tới với ingame là crazyguy. Năm nay mình 24 tuổi, đang sinh sống và thi đấu ở TP.Hồ Chí Minh.
– Anh đã theo đuổi thể thao điện tử từ khi nào? Ấn tượng đầu tiên của anh với thể thao điện tử là gì? Điều gì đã thu hút anh?
Mình bắt đầu thi đấu Esports chính thức từ năm 18 tuổi với bộ môn CS:GO. Trước đó, mình có tham gia thi đấu một bộ môn FPS khác là Biệt Đội Thần Tốc từ thời điểm còn học lớp 8. Điều thu hút mình với sự nghiệp Esports chuyên nghiệp có lẽ là sự cạnh tranh và tính hiếu thắng. Cảm giác khi bạn giỏi hơn những người khác thực sự “đã” lắm (cười).
– Môn thể thao điện tử đầu tiên mà anh thi đấu là gì? Vì sao lại là nó?
Môn thể thao điện tử mình thi đấu đầu tiên là một tựa game FPS, Biệt Đội Thần Tốc. Từ những ngày đầu chơi CS 1.1, mình đã cảm thấy bị cuốn hút bởi FPS vì tính đa dạng và sự kịch tính của các tựa game này. Trước khi chơi CS:GO, mình có nỗ lực “cày” LMHT trong một khoảng thời gian nhưng thật sự cảm giác đam mê không bằng được so với game FPS.
– Gia đình có phản ứng thế nào về quyết định theo đuổi sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của anh?
Giống như bao gia đình khác, chẳng có bố mẹ nào muốn con cái của mình theo đuổi sự nghiệp Esports. Nhưng về sau, khi biết mình có thể kiếm được tiền cũng như có cơ hội đi nước ngoài thi đấu, bố mẹ mình cũng bớt đi ác cảm phần nào với việc mình thi đấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chỉ là một phần thôi.
– Khi bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp, hình mẫu mà anh theo đuổi là ai và vì sao?
Ở thời điểm mới bắt đầu, hình mẫu của mình là Robin “Fifflaren” Johansson của NiP và sau đó là Kenny “KennyS” Shrub. Thực sự, người có sức ảnh hưởng lớn nhất tới phong cách thi đấu của mình là KennyS với lối bắn chủ động và không cho đối thủ có cơ hội để có thể phản ứng.
– Được biết, crazyguy từng có khoảng thời gian xuất ngoại, vậy lý do gì thôi thúc anh rời Việt Nam để khoác áo một đội tuyển nước ngoài?
Cũng không có lý do gì đặc biệt. Mình cảm thấy tuyển thủ ở Việt Nam không được đãi ngộ tốt cũng như có cơ hội để phát triển nhiều. Trong khi đó, ra nước ngoài các tuyển thủ được tôn trọng hơn, các giải đấu cũng nhiều hơn và giải thưởng lớn hơn. Đó là lý do vì sao CS:GO Việt Nam ngày càng đi xuống còn các quốc gia khác lại ngày càng đi lên, bởi lẽ họ có sự đầu tư xứng đáng.
– Anh đã gặp những khó khăn gì trong suốt khoảng thời gian thi đấu ở nước ngoài? Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh ở thời điểm ấy là gì?
Có lẽ mình cũng thuộc diện may mắn nên chưa gặp khó khăn hay trở ngại gì khi thi đấu ở nước ngoài. Tất cả những tổ chức mình từng thi đấu đều đối xử và đãi ngộ tuyển thủ rất tốt. Thế nên, mình chỉ cần tập trung vào thi đấu để có phong độ tốt nhất mà thôi. Kỉ niệm chắc là mình gặp được nhiều bạn bè mới và các đồng đội mới.
– Đã bao giờ anh nghĩ đến chuyện từ bỏ Esports để làm một nghề khác chưa? Nếu không thi đấu chuyên nghiệp, công việc của anh sẽ là gì?
Mình chưa từng nghĩ tới chuyện sẽ từ bỏ Esports, vì đơn giản mình vẫn còn trẻ và vẫn còn đang làm tốt với công việc này. Thế nên, chẳng có lý do gì để mình phải nghĩ tới việc từ bỏ.
– Anh đã bén duyên với Steal Your Glory (SYG) thế nào? Tại sao anh lại chọn Valorant mà không phải bất kỳ bộ môn nào khác?
Mình bén duyên với SYG một phần thông qua HLV Phạm “shouta” Quang Thắng (HLV hiện tại của SYG). Khi đó, mình và các bạn khác muốn thi đấu với bộ môn Valorant. Thật trùng hợp, đó cũng là thời điểm Tony Nguyen (người sáng lập SYG) cũng đang muốn xây dựng đội hình để cạnh tranh các vị trí dẫn đầu ở Việt Nam. Và thế là bọn mình đã đến với nhau. Còn tại sao lại là Valorant thì đơn giản vì nó là tựa game FPS.
– Ở giai đoạn đầu mới thành lập, SYG đã phải đối mặt với những thử thách nào?
Thử thách mà bọn mình phải đối mặt có lẽ là việc sinh hoạt với nhau thôi. 5 con người đến từ những môi trường khác nhau, với tính cách khác nhau nên cũng cần có thời gian để làm quen với nhau trong khâu sinh hoạt.
– Vì sao anh lại từ bỏ CS:GO để chuyển sang Valorant? Khoảng thu nhập với Valorant có được cải thiện hơn so với CS:GO hay không?
Từ bỏ CSGO chuyển sang Valorant vì mình và các đồng đội nhận thấy ở Valorant có hệ thống giải đấu tốt hơn CS:GO. Mình không phải thi đấu những giải đấu mà khi vô địch chỉ nhận được được từ 1 đến 2 triệu VND như ở CS:GO. Thay vào đó, tổng giá trị giải thưởng của VCT ở tựa game Valorant lên tới 500 triệu VND.
– Áp lực của vai trò đội trưởng tại SYG có lớn không? Tại sao anh lại nghỉ ở giải đấu tiếp theo?
Nói về áp lực, có lẽ các đồng đội mình sẽ cảm thấy lớn hơn. Bởi lẽ, mình thuộc kiểu người theo đuổi sự hoàn hảo nên rất khó tính và khắt khe với đồng đội của mình. Ngoài ra, giải đấu ThinkPro mình không tham gia vì muốn nghỉ ngơi và cho chấn thương tay của mình được lành lại.
– Ưu điểm của Valorant là gì?
Đa dạng, đây là điều mình thích nhất. Vì bạn phải nghĩ rộng ra trong một trận đấu chứ không thể bó hẹp tư duy của mình để giành được chiến thắng.
– Ở VCT: Việt Nam Stage 3 Challengers 1, anh đã không còn thi đấu ở vai trò Duelist mà thay vào đó là nTK, vậy nguyên nhân gì đã dẫn đến sự thay đổi này?
nTK cảm thấy bản thân không thoải mái trong việc sử dụng các đặc vụ mang thiên hướng kiểm soát nên SYG đã thay đổi để hỗ trợ cho ntK. Đối với mình, ai thi đấu ở vị trí nào cũng được miễn là phù hợp để có thể giành được chiến thắng.
– Theo anh, Valorant Việt Nam đang ở đâu so với những khu vực mạnh khác như Indonesia và Thái Lan?
Mình nghĩ là Valorant Việt Nam cũng không hề kém cạnh so với nước bạn.
– Anh có nghĩ mình được biết đến nhiều nhờ Valorant?
Mình không để ý lắm đến việc này. Tuy nhiên, rõ ràng CS:GO giúp mình nổi tiếng hơn.
Theo quan điểm của anh, Valorant liệu có thể vươn mình trở thành môn FPS hàng đầu trong tương lai?
Dựa theo thống kê về lượng người xem, hệ thống giải đấu cũng như giải thưởng thì chắc chắn Valorant sẽ phát triển rất mạnh trong tương lai.
– Cảm ơn những chia sẻ của crazyguy, chúc anh nhiều sức khỏe và thi đấu thành công ở những giải đấu sắp tới!